Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Thêm một nhà toán học thành giáo sư sớm ngang Ngô Bảo Châu

Thêm một nhà toán học thành giáo sư sớm ngang Ngô Bảo Châu
Cập nhật lúc 17h52, ngày 15/09/2010

KTĐT - Tôi biết GS Nguyễn Tiến Dũng từ khi anh còn học lớp 11 Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên toán - tin Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
KTĐT - Tôi biết GS Nguyễn Tiến Dũng từ khi anh còn học lớp 11 Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên toán - tin Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Sinh cuối năm 1970, tính đến mùa hè năm 1985, mới 14 tuổi rưỡi, ấy vậy mà trong Olympic Toán quốc tế lần thứ 26 tại Helsinki, Phần Lan, anh đoạt huy chương vàng! Anh là học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng ít tuổi nhất.Học giả Hàm Châu gửi đến cho độc giả chân dung một nhà toán học khác. Qua những thông tin tác giả cung cấp, chúng ta biết thêm về một nhà toán học Việt Nam cũng bung nở tài năng từ rất sớm; anh cùng với Ngô Bảo Châu là nhà toán học người Việt trẻ nhất được phong làm giáo sư, khi mới 32 tuổi. Dưới đây là bài viết của tác giả:
Đó là Nguyễn Tiến Dũng, người mà mỗi khi giáo sư Mỹ A. Weistein giảng dạy về định lý của anh đều kèm theo những lời tấm tắc ngợi khen, và rồi thốt lên: “He is Vietnamese” (Ông ấy là người Việt Nam).
Tôi biết GS Nguyễn Tiến Dũng từ khi anh còn học lớp 11 Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khối THPT chuyên toán - tin Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Sinh cuối năm 1970, tính đến mùa hè năm 1985, mới 14 tuổi rưỡi, ấy vậy mà trong Olympic Toán quốc tế lần thứ 26 tại Helsinki, Phần Lan, anh đoạt huy chương vàng! Anh là học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng ít tuổi nhất.
Sự kiện này được GS Tạ Quang Bửu chú ý ngay. Ông là một trong hai vị giáo sư đầu ngành toán học của nước ta (người kia là GS Lê Văn Thiêm). Trong bài Để có thêm nhiều tài năng trẻ đăng trên tạp chí Tổ Quốc số xuân 1986 (lúc đó tôi giữ chức Tổng Biên tập tạp chí này), ông viết:“Năm 1984, chị Hoàng Xuân Sính cho tôi biết cháu Đàm Thanh Sơn mới 15 tuổi đã đoạt giải nhất Olympic Toán quốc tế với số điểm tuyệt đối ở Prague, Tiệp Khắc.
Năm 1985, tôi lại nghe tin cháu Nguyễn Tiến Dũng, 14 tuổi rưỡi, đoạt giải nhất Olympic Toán quốc tế ở Helsinki, Phần Lan. Tất cả các cháu ấy đều phải học tập trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, vậy mà đã giải được những bài toán rất khó. Ta chưa có một cái biểu xếp hạng các bài toán theo độ khó đối với các cháu sắp tốt nghiệp trung học phố thông. Nhưng, phải nói rằng, đối với tôi, và cả đối với chúng tôi - những người bạn tôi gặp và trao đổi ý kiến - thì trong Olympic Toán quốc tế năm 1985, cháu đoạt giải nhất đã phải giải được một bài toán hết sức khó. (…) Sao các cháu giỏi thế, độc đáo thế, sáng tạo thế ”.
Tôi muốn trích dẫn bài báo ấy, mà hiện tôi còn lưu giữ, để chúng ta thấy rõ, những nhà lãnh đạo gíáo dục thời trước như GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Văn Huyên quan tâm biết chừng nào đến sự hé lộ những mầm mống tài năng. GS Bửu hết sức yêu mến các tài năng trẻ, và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ phát triển tài năng, như gửi ra nước ngoài học tại các trường đại học tốt nhất. Chính nhờ những người như ông, ngày nay ta mới có một thế hệ những nhà khoa học trẻ xuất sắc mà GS Ngô Bảo Châu là một điển hình chói lọi.
Những năm sau đó, Nguyễn Tiến Dũng được theo học Đại học Lomonosov ở Moskva, trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô lúc đó. Tốt nghiệp cử nhân, anh sang làm việc một thời gian tại Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết ở Trieste, Italy. Thế rồi, đến ngày 10-5-1994, khi chưa tròn 24 tuổi, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ toán học tại Đại học Strasbourg, thủ phủ miền Alsace, cách thủ đô Paris khoảng 500 km về phía đông, gần biên giới Pháp - Đức. Đến Strasbourg thời gian quá ngắn, chưa kịp thông thạo tiếng Pháp, anh phải viết nhanh bản luận án bằng tiếng Anh, và bảo vệ cũng bằng tiếng Anh, thứ tiếng mà anh vừa mới quen dùng vài năm trước đó, khi bắt đầu làm cộng tác viên của Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết ở Trieste. Trước đấy, ở Moskva, suốt ngày anh chỉ đọc, nghe, nói, viết tiếng Nga.
Bản luận án đề cập đến một vấn đề toán học hiện đại ở trình độ cao: Topo symplectic hệ Hamilton khả tích. Đó là sự tổng kết một số công trình của anh được công bố trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng như Letters in Mathematical Physics (Tin tức Vật lý toán), Geometry and Physics (Hình học và Vật lý), Differential Geometry and Applications (Hình học vi phân và ứng dụng) v.v.
Anh khảo sát các điểm kỳ dị không suy biến trong các hình học đặc biệt, ví như các điểm kỳ dị trong dòng trắc địa khả tích trên các hình xuyến và hình cầu nhiều chiều, v.v. Chúng ta đều biết nghiên cứu các điểm kỳ dị là một hướng lớn của toán học và vật lý lý thuyết cuối thế kỷ XX. Ngay từ thời Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu, tại Hà Nôi, đã mở một seminar gây tiếng vang lớn trong giới học thuật, seminar về lý thuyết kỳ dị, với sự tham gia của các giáo sư người Pháp và cả những người Việt Nam làm việc tại Pháp như GS Frédéric Phạm, PGS Lê Dũng Tráng…
Kỳ dị (Singularity) là thuật ngữ dùng để chỉ điểm toán học không có thể tích nhưng có mật độ lớn vô hạn. Theo lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, thì Vũ Trụ của chúng ta đã xuất phát từ một điểm kỳ dị, và tất cả các vật co lại thành lỗ đen cũng sẽ dẫn tới một điểm kỳ dị như thế.
Bản luận án của Nguyễn Tiến Dũng được nhiều nhà toán học Pháp thuộc các đại học ở Strasbourg, Montpellier, Toulouse đánh giá rất cao. Là sinh viên Đại học Lomonosov, lẽ ra anh có thể bảo vệ luận án tại Moskva, nhưng được phép của thầy anh - nhà toán học Nga lỗi lạc A. T. Fomenko, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga - và theo lời mời của một số nhà toán học Pháp, anh quyết định sang Pháp, nơi có trường phái mạnh về lý thuyết kỳ dị, để bảo vệ các kết quả nghiên cứu mình trong lĩnh vực đó. Và rồi, sau mấy tháng cấp tốc tự học tiếng Pháp mỗi khi rảnh rỗi, anh tin chắc rằng mình có thể làm việc thẳng bằng tiếng Pháp ngay tại nước Pháp.
Quả vậy, anh được Đại học Toulouse mời tới giảng bài và rồi được bầu làm giáo sư toán học năm 32 tuổi với số phiếu rất cao.Đã nhiều năm tôi không có dịp tiếp xúc, chuyện trò với anh Nguyễn Tiến Dũng, tuy vẫn dõi theo bước tiến của anh, và đọc nhiều bài anh viết trên báo mạng cũng như báo in, về toán học Việt Nam.
Anh rất “không thích nói về mình”, cho nên thật khó lòng “khai thác tài liệu” để viết một bài ký chân dung đầy đặn về anh.
Dù sao tôi cũng biết, anh đã được Uỷ ban Quốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng nhất năm 2007, khi mới 37 tuổi.
Ta có thể chia các tạp chí toán học trên thế giới thành bốn loại: đỉnh cao, hàng đầu, trung bình, và yếu. Chỉ có 4 tạp chí toán học đỉnh cao mà thôi, trong đó Annals of Mathematíics (Niên giám Toán học) là một. GS Nguyễn Tiến Dũng là người có bài lọt vào được tạp chí đỉnh cao ấy. Đó là một vinh dự rất lớn đối với bất cứ nhà toán học nào.
Nhà toán học Mỹ A. Weistein ở Đại học Berkeley, khi giảng về định lý Nguyen Tien Zung không quên kèm theo những lời tấm tắc ngợi khen, và rồi thốt lên: “He is Vietnamese” (Ông ấy là người Việt Nam).* Tiêu đề bài báo do toà soạn đặt
Theo Hàm Châu/VTC.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét