Đại hội nhà văn không chỉ có chuyện bầu cử!
- Hội nghị các nhà văn đảng viên tham dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII vừa kết thúc cách đây ít phút (ngày 4/8/2010) tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Có thể thấy khá đông các nhà văn đã đến dự, trong đó có cả các nhà văn ở nước ngoài trở về. Nhà văn Lê Lựu tuy không được khỏe nhưng cũng có mặt. Nhà văn Đào Thái Tôn đến đại hội trên đôi nạng kim loại. Dễ nhận ra chiếm ưu thế trong hội trường là những mái đầu bạc, điều mà trên nhiều diễn đàn đang nói về sự “tre già nhưng măng chưa mọc” của Hội nhà văn hiện nay.
Ông Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu chỉ đạo đại hội.Theo ông Phùng Hữu Phú thì đại hội nhà văn lần thứ VIII được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đã có một Ban chỉ đạo đại hội được thành lập, Ban này không can thiệp vào công việc nội bộ của đại hội mà hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đại hội thành công nhất.
Ông nhận xét, trên các diễn đàn văn nghệ thời gian qua đã có nhiều ý kiến phát biểu kèm theo mong muốn, kỳ vọng vào đại hội nhà văn. Đó là những đề xuất rất đáng trân trọng để đại hội xây dựng phương hướng phát triển của văn học trong nhiệm kỳ tới.
Chủ đề của đại hội là Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người thể hiện trách nhiệm và sự đồng điệu của giới cầm bút với đất nước và dân tộc. Vì phẩm giá con người không chỉ là thiên chức của nhà văn mà còn là những vấn đề căn bản, bức xúc của xã hội hiệnnay.
Khẩu hiệu của đại hội đoàn kết, dân chủ, xây dựng, sáng tạo là điều kiện để đại hội thành công. Đoàn kết ở đây không phải là đoàn kết xuôi chiều mà đoàn kết có tranh luận, hướng tới một đại hội thật sự dân chủ.
Cuối cùng ông Phùng Hữu Phú mong muốn đại hội bầu được một BCH đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức đảm đương những nhiện vụ mà đại hội quyết định. Đã nhiều nhiệm kỳ, chúng ta đã không bầu đủ số lượng ủy viên BCH như mong muốn, điều này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến công tác lãnh đạo của hội. Ông nhấn mạnh, ở đây các nhà văn đảng viên cần thể hiện bản lĩnh, sự sáng suốt và từng trải, cùng với vai trò của mình để có thể bầu được một BCH như mong muốn.
Tiếp theo, chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đã báo cáo về công tác chuẩn bị đại hội, tất cả đã sẵn sàng. Đã có hơn 100 tham luận của các nhà văn (nhiều nhất từ trước đến nay) gửi về đại hội.
Ông đưa ra các phương án bầu chủ tịch đoàn, đặc biệt là phương thức bầu cử để các nhà văn đảng viên suy nghĩ, thảo luận. Theo ông Hữu Thỉnh điều đáng tiếc ở các đại hội trước là trong vòng 20 năm nay, chưa bao giờ bầu được quá 10 ủy viên BCH (đúng ra là 9). Nguyên nhân không phải vì các nhà văn hẹp hòi, khó tính, không tin nhau mà là do cơ chế bầu cử của chúng ta có vấn đề, dẫn tới số phiếu tản mát.
Ngày mai, sau khi công bố kết quả thăm dò tại các đại hội nhà văn khu vực, đại hội sẽ phát phiếu đề cử và ứng cử để thực hiện hình thức bỏ phiếu kín. Danh sách này chắc sẽ rất dài. Phương thức bầu cử mà mới BCH đề xuất: 1. Quyết định số lượng ủy viên BCH khóa VIII (dự kiến là 15 người). 2. Quyết định số dư để bầu BCH dự kiến từ 30-40% để chốt danh sách bầu, lấy số người đề cử, ứng cử từ cao xuống thấp. Giả dụ cần 15 ủy viên BCH thì số lượng đưa ra bầu cử là 21 người (số dư 40%).
Nhà thơ Định Hải góp ý: BCH nhiệm kỳ vừa qua thành tích rất nhiều, nhưng cũng nhiều nhược điểm (sẽ nói sau). Ông có một mong muốn hơi bất ngờ khi yêu cầu mời và kết nạp ngay tại đại hội các cây bút hiện đang sung sức còn ở ngoài Hội như: Phạm Xuân Nguyên, Lê Anh Hoài, Lê Thiếu Nhơn, Trang Hạ… vì họ là những người trẻ, chỉ có ích cho Hội, thay vì kết nạp những người lớn tuổi, vào rồi chẳng viết gì nữa.
Ông đề nghị: ĐH cần bầu ra Ban kiểm tra độc lập. Số lượng BCH là 25 mới đại diện đầy đủ cho các lực lượng, vùng miền. Nhà thơ Lê Duy Phương lại đề nghị số dư 100% nghĩa là 2 bầu 1. Nhà thơ Dương Thuấn phát biểu khá dài về việc bầu cử “các nhà văn già cần ưu ái các nhà văn trẻ, đừng nghĩ chúng tôi còn trẻ nữa.” Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn: đề nghị bầu tất cả những người đề cử và ứng cử lần 1, lấy 30 người từ cao xuống thấp. 30 người này sẽ bầu lần 2 để chọn ra 15 ủy viên BCH. Nhà văn Triệu Xuân thì nhắc mọi người rằng, đại hội nhà văn còn rất nhiều vấn đề phải bàn, chứ không chỉ có mỗi chuyện... bầu cử.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đề nghị các đồng chí nhiều tuổi (60-70) chỉ nên có một vài người tham gia bầu BCH, còn nên rút để nhường cho lớp trẻ....
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hữu Thỉnh cho rằng, ý kiến nói đại hội nhà văn không phải chỉ có chuyện bầu cử là có lý, trong khi trong hầu hết các phát biểu đều đề cập đến việc này. 4 nhiệm kỳ qua cho thấy phương thức bầu cử của chúng ta không ổn. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm lấy danh sách đề cử, ứng cử tại đại hội để chốt danh sách bầu cử chính thức BCH. Về vấn đề đại hội bầu trực tiếp Ban Kiểm tra, theo điều lệ thì chúng ta chưa được làm, cho dù đại hội này chúng ta có đồng ý sửa đổi điều lệ. Bởi bản điều lệ sửa đổi còn phải được Bộ Nội vụ thông qua. Như vậy là sớm nhất phải đến đại hội... lần sau chúng ta mới làm được việc này!
Về cơ cấu Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội sẽ là các thành viên BCH hiện tại, một đại diện nhà văn lão thành và các trưởng đoàn nhà văn khu vực. Sở dĩ điều này phải nhấn mạnh vì có ý kiến cho rằng Đoàn Chủ tịch là hình ảnh của một BCH trong tương lai nên việc lựa chọn người ngồi trên Đoàn Chủ tịch là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, tất cả những điều bàn ở Hội nghị này mới là ý kiến của các nhà văn đảng viên, ngày mai, đại hội toàn thể mới là nơi chính thức đưa ra các quyết định cuối cùng thể hiện ý chí của toàn đại hội.
Việt Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét