Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Cựu chủ tịch HĐQT Vinashin bị bắt

Cựu chủ tịch HĐQT Vinashin bị bắt

Tối 4/8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến tập đoàn có nguy cơ phá sản.
> Thủ tướng đình chỉ chức vụ Chủ tịch Vinashin

Ông Phạm Thanh Bình (57 tuổi) bị khởi tố để điều tra về hành vi “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Việc khám xét nhà của ông Bình đã kết thúc lúc 21h.

Trả lời VnExpress.net tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 4/8, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những lãnh đạo Vinashin có hành vi vi phạm pháp luật

Ông Phạm Thanh Bình. Ảnh: Đầu tư

Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương ngày 12/7, ông Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước cấp, cho vay hoặc bảo lãnh cho vay khi thực hiện các dự án nâng cao năng lực, nâng cấp và xây dựng mới các khu công nghiệp, nhà máy đóng tàu. Ông Bình cũng chấp thuận đầu tư mua sắm nhiều tàu cũ, tàu không thích hợp trong vận tải biển dẫn đến thua lỗ, gây hậu quả nghiêm trọng khiến tập đoàn không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn.

Cũng theo ủy ban, ông Bình đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Ông Bình đã cho thành lập nhiều đơn vị thành viên, công ty cổ phần không đủ năng lực tài chính, kinh doanh; bổ nhiệm, cử con trai và em trai làm đại diện phần vốn của Nhà nước và giữ nhiều cương vị trái quy định của Đảng và Nhà nước.

"Hậu quả của những khuyết điểm, vi phạm của ông Phạm Thanh Bình dẫn đến Tập đoàn Công nghiệp tầu thủy Việt Nam có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước", Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận.

Do những khuyết điểm của ông Bình và một số cá nhân của tập đoàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý.

Một ngày sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương, Thủ tướng đã quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình để kiểm điểm trách nhiệm và phục vụ công tác thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từng được xem là quả đấm thép, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, với kỳ vọng trở thành thương hiệu đóng tàu hàng đầu thế giới, Vinashin dần lún sâu vào nợ nần do những sai lầm trong quyết định đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Số nợ của tập đoàn trước thời điểm tái cơ cấu lên đến 80.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ hơn 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Trong số nợ này, một phần là trái phiếu quốc tế (bao gồm 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ), nợ đối tác và các nhà thầu trong nước.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Việt Anh - Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét