Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Hậu Bin Laden

C - K - X
Thứ năm, 05/05/2011, 08:00 GMT+7
Bản in
Email
My Space
Google
Facebook

Hậu Bin Laden


Trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt ngay tại một địa điểm cách không xa thủ đô Islamabad của Pakistan. Mỹ đã hành động một mình trong chiến dịch đặc biệt này.


Hậu Bin Laden



Bin Laden thời điểm năm 2001, sau vụ khủng bố 11/9 (Nguồn: AP)

Trong khi các giới chức Pakistan khẳng định, không hề hay biết về sự hiện diện của Bin Laden. Điều này đang khiến cho quan hệ giữa Pakistan với Mỹ và cả một số nước khác trong liên minh chống khủng bố trở nên xấu đi.

Lực lượng an ninh Pakistan bị qua mặt?

Việc Bin Laden bị tiêu diệt trong một ngôi nhà kiên cố gần một học viện quân sự ở thành phố Abbottabad, cách thủ đô Islamabad 50 km đã làm dấy lên nghi ngờ về việc làm thế nào mà các lực lượng an ninh Pakistan lại không nhận ra sự hiện diện của Bin Laden ở khu vực này.

Cố vấn cấp cao về chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan cho biết, Washington đang điều tra xem liệu Bin Laden có nhận được hỗ trợ nào ở Pakistan hay không. Còn Giám đốc CIA cho biết, sau khi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, CIA đã loại bỏ sự tham dự của Pakistan trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden vì lo ngại Pakistan có thể làm lộ tin tức trong kế hoạch quan trọng này.

Ông Leon Panetta, Giám đốc CIA nói: "Pakistan có thể sẽ làm lộ thông tin và báo động cho các mục tiêu, chính vì vậy mà Mỹ quyết định giữ bí mật mặc dù Pakistan là một trong những đồng minh chống khủng bố".

Không chỉ có Mỹ, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp cũng đã đưa ra những nghi ngại đối với Pakistan.

Ông Alain Juppe, Ngoại trưởng Pháp: “Tôi thấy thật là khó tin rằng, sự hiện diện của một nhân vật đặc biệt như Bin Laden trong một ngôi nhà to ở địa điểm chỉ cách Islamabad có 50 cây số mà hoàn toàn không được biết. Đó là một câu hỏi lớn của chúng tôi”.

Thủ tướng Anh David Cameron thì cho rằng: “Rõ ràng Bin Laden đã được sự ủng hộ có hệ thống ở Pakistan. Chúng tôi không biết chính xác về hệ thống này, chúng tôi sẽ làm việc với các lực lượng ở Pakistan để có thể chắc chắn rằng, tất cả mọi lực lượng ở đất nước này đang làm tất cả những gì có thể để chống khủng bố và các lực lượng cực đoan như các nhà lãnh đạo của họ mong muốn”.

Về phần mình, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã bác bỏ thông tin cho rằng, các lực lượng an ninh của nước này có thể đã bao che cho trùm khủng bố Bin Laden.

Từ Dubai, nơi đang sống lưu vong, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf lý giải về vấn đề này. "Tại sao việc đó không xảy ra sớm hơn? Bởi vì chúng tôi không biết Bin Laden ở đây. Có thể ai đó gọi đây là thất bại của việc thiếu các tin tức tình báo, nhưng trong lĩnh vực tình báo, Pakistan chỉ có mỗi một tiềm năng là nhân lực, còn tất cả, kỹ thuật, các biện pháp do thám đều là Mỹ”.

Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan hiện đang ở giai đoạn rất xấu do bất đồng về vấn đề cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Thực tế là trong chiến dịch vây bắt Bin Laden lần này, lực lượng an ninh Pakistan đã bị qua mặt.

Ngôi nhà của Bin Laden tại Abbottabad được xây dựng kiên cố từ năm 2005. Ngôi nhà được bảo vệ với các biện pháp an ninh cực kỳ cẩn mật. Không có một liên hệ nào bằng sóng điện tử như Internet và điện thoại giữa ngôi nhà này và thế giới bên ngoài.

Mối liên hệ duy nhất giữa Bin Laden và thế giới bên ngoài là người đưa tin riêng đã bị Mỹ theo dõi. Đây là chìa khóa dẫn đến việc Mỹ triệt tiêu được trùm khủng bố này.

Uy tín Tổng thống Obama được nâng cao

Sự thành công của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden đã nâng cao uy tín của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cải thiện cái nhìn của người dân Mỹ đối với sự lãnh đạo và những nỗ lực chống khủng bố của ông Obama. Đây là kết quả trưng cầu ý kiến của người dân do Reuters và Ipsos vừa thực hiện.

Khoảng 4/10 người Mỹ cho biết, họ đánh giá ông Obama cao hơn sau khi ông chỉ huy thành công chiến dịch tiêu diệt Bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố tại Mỹ hôm 11/9/2001.

Theo kết quả trưng cầu dân ý, 39% người Mỹ cho biết, hình ảnh của ông Obama đã được cải thiện, trong khi có tới 52% cho rằng, không có gì thay đổi và 10% cho biết, mọi thứ đang tồi tệ đi.

Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ tăng cao này có thể chỉ là ngắn hạn, khi các cử tri lại quay về tập trung vào nền kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao - hai mối quan tâm hàng đầu trong chiến dịch bầu cử Tổng thống 2012.

Trước đó, tỉ lệ ủng hộ ông Obama đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, khi các cử tri bi quan về tương lai và cảm thấy không mấy thoải mái khi giá xăng dầu tăng.


Tác giả : Hương Thuỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét