Thực hư về vụ bê bối tình dục của Tổng Giám đốc IMF Strauss-Kahn
5:40, 25/05/2011
Bà Anne Sinclair Dominique (ảnh) khẳng định chồng mình - ông Strauss-Kahn vô tội.
Lưu để đọc sau
Email bài này
In trang này
In bài này
Ý kiến của bạn
Liên hệ đăng lại bài
10 bài được đọc nhiều nhất
Chính trường Pháp đang chao đảo trước việc ngày 14/5/2011, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp và là chính trị gia hàng đầu của đảng Xã hội, đã bị Cảnh sát New York tạm giữ thẩm vấn ngay khi chuẩn bị lên đường về Pháp vì những cáo buộc liên quan đến tình dục.
Thế giới từng ngưỡng mộ Dominique Strauss-Kahn qua việc nhân vật tài ba này đã làm hồi sinh Quỹ Tiền tệ Quốc tế và giúp hòa giải nước Pháp thông qua chính sách toàn cầu hóa. Người ta vinh danh Strauss-Kahn là 1 trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010. Hiện ông là một ứng viên sáng giá nhất cho chức tổng thống Pháp. Thế nhưng, “anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân”. Vụ tai tiếng hiện nay đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi, liệu đằng sau có hay không âm ưu chính trị nào đó?
Lại dính scandal tình ái
Chỉ khoảng 10 phút trước khi chiếc máy bay của Hãng Air France tại Sân bay quốc tế John F Kennedy New York khởi hành đi Paris, vị Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn, 62 tuổi, đã bị cảnh sát áp giải từ khoang hạng nhất về Trụ sở của Cảnh sát New York để làm việc. Được biết, Strauss-Kahn đang chuẩn bị lên đường tham dự cuộc họp các bộ trưởng Tài chính thuộc Liên minh châu Âu tại Brussels vào ngày hôm sau để thảo luận về gói cứu trợ Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Theo phát ngôn viên Sở Cảnh sát New York Paul J. Browne, họ tạm giữ Giám đốc IMF Strauss-Kahn để thẩm vấn vì những cáo buộc Kahn đã tấn công một nữ hầu phòng tại khách sạn Sofitel nằm gần Quảng trường Thời đại khu Manhattan, New York. Hiện Kahn vẫn tiếp tục bị tạm giam sau khi Tòa án Mỹ bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại ngày 16/5 của ông.
Phát ngôn viên Paul J.Browne của AP cho biết: Một nữ nhân viên 32 tuổi người Phi nhập cư của khách sạn Sofitel New York tố cáo Strauss-Kahn đã tấn công khi cô ta vào phòng của ông này chiều ngày 13/5. Theo tường trình của nạn nhân thì cô được yêu cầu dọn căn phòng sang trọng có giá 3.000 USD/đêm mà Giám đốc IMF ở khi được thông báo căn phòng đã trống. Cô gõ cửa và hô to "dọn phòng". Không nghe thấy tiếng trả lời, cô bước vào làm việc và để cửa phòng mở theo đúng quy định của khách sạn. Nhưng bất thình lình, Strauss-Kahn không quần áo bước ra từ phòng tắm và rượt đuổi theo người phục vụ để lôi cô vào phòng ngủ.
Cũng theo lời kể của cô hầu phòng, sau khi vùng thoát được ra khỏi giường, cô tiếp tục bị Giám đốc IMF lôi vào phòng tắm để lột quần áo và cưỡng ép. Một lần nữa cô tìm cách thoát được ra ngoài và kể lại với các nhân viên khách sạn về những gì đã xảy ra. Sau đó họ cùng báo cảnh sát. Khi Cảnh sát New York tới, Strauss-Kahn đã rời khách sạn và chiếc điện thoại di động còn để quên trong phòng. Theo nhận định, vị Giám đốc IMF đi khỏi khách sạn rất vội vã. Ngay khi xác định Strauss-Kahn có mặt tại sân bay, cảnh sát lập tức ra tay.
Người Pháp đang choáng váng. Nhất là đây không phải lần đầu Strauss-Kahn có dính líu đến bê bối tình ái.
Người ta nhớ lại một scandal khác của Strauss-Kahn từng xảy ra hồi năm 2008. Khi đó, Kahn đã "điêu đứng" trước những cáo buộc ông có quan hệ tình cảm lén lút với cô Piroska Nagy người Hungary, nhân viên cấp cao làm tại Văn phòng IMF ở châu Phi. Chính theo lời khai của Piroska Nagy, nhờ cuộc dan díu này mà cô luôn được cất nhắc và giao những công việc dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc tình vụng trộm đã kết thúc sau khi chồng của cô là Mario Blejer, một nhà kinh tế học nổi tiếng và là cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Argentina phát hiện. IMF ngay lập tức chuyển một khoản trợ cấp hậu hĩnh cho Nagy trước khi cô rời IMF chuyển đến làm việc tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ở London.
Người phát ngôn của IMF khi đó cho biết, cơ quan này đã phải thành lập một ủy ban điều tra để xác định nguyên nhân vụ việc cũng như kiểm chứng những gì mà người bị hại đã khai. Bên cạnh đó, cuộc điều tra nội bộ của IMF cũng xem xét liệu có phải ông Kahn đã lạm dụng quyền lực để buộc Piroska Nagy phải rời đi, hay dùng quyền để giúp cô này nhận được một khoản trợ cấp hậu hĩnh?
Cuối cùng, ngày 21/10/2008, Giám đốc Strauss-Kahn đã gửi thư điện tử xin lỗi đến Piroska Nagy cũng như vợ mình. Trước động thái tích cực của Kahn, IMF cũng đã làm mọi cách để ông Dominique Strauss-Kahn không phải từ chức Giám đốc điều hành của cơ quan này.
Khách sạn Sofitel New York, nơi diễn ra cáo buộc bê bối liên quan đến Giám đốc IMF.
Ngọn hải đăng trong cơn bão khủng hoảng
Nhà lãnh đạo đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế 62 tuổi nói trên thường được người ta nhắc đến với tên viết tắt "DSK". Trước khi ở cương vị này, Strauss-Kahn còn là một luật sư, một cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Xã hội Pháp.
Dominique Strauss-Kahn được sinh ra tại Neuilly-sur-Seine, một khu đô thị giàu có của nước Pháp, nơi Nicolas Sarkozy từng làm thị trưởng trong 18 năm. Những năm tháng tuổi thơ của Strauss-Kahn hầu hết ở Agadir, Morocco. Sau đó ông tốt nghiệp hai trường chính trị và kinh doanh hàng đầu ở Paris là Đại học HEC và Đại học Sciences-Po nhưng lại trượt kỳ thi đầu vào Trường l'ENA - nơi đào tạo những tổng thống tương lai của nước Pháp.
Tiếp đó, ông tiếp tục lấy bằng luật sư và bằng tiến sĩ kinh tế. Năm 1995, Strauss-Kahn trúng cử thị trưởng Sarcelles và tại đây ông đã kiến tạo ra những chính sách kinh tế giúp đảng Xã hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp năm 1997. Cũng năm đó, ông trở thành Bộ trưởng Tài chính.
Có thể nói, bằng năng lực xuất sắc của mình, Straus-Kahn đã giúp Pháp đạt chuẩn để tham gia đồng tiền chung euro và lên kế hoạch một chương trình quy mô, trong đó nhà nước hỗ trợ để tạo ra 350.000 việc làm cho dân chúng. Ông cũng là người tiên phong và có tiếng nói quyết định trong việc tạo ra chế độ làm việc 35 giờ/tuần cho người lao động ở đất nước này. Năm 1997, một vụ tham nhũng của đảng Xã hội đã khiến Strauss-Kahn gặp rắc rối. Ông phải từ chức vào năm 1999. Tuy nhiên sau đó, ông được tuyên trắng án.
Năm 2006, Strauss-Kahn chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Xã hội nhưng bị thua trước Segolene Royal. Được sự hậu thuẫn của Tổng thống Nicolas Sarkozy, năm tiếp theo ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào thời điểm ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất sau chiến tranh xảy ra. Có thể nói, ở cương vị này Strauss-Kahn đã để lại dấu ấn quá ấn tượng và những thành quả của IMF đã được cả cộng đồng quốc tế khen ngợi.
Dưới sự điều hành của Dominique Strauss-Kahn từ năm 2007 tới nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã có những thành tích đáng nể phục. IMF đã ngăn chặn rất hiệu quả các cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, Hungary, Pakistan và Ukraina, mà không để xảy ra bất kỳ phản ứng phụ hay phản tác dụng nào. Strauss - Kahn còn đặt dấu ấn cá nhân trong thành công thuyết phục được Đức đồng ý chung vai cứu Hy Lạp thoát khỏi giai đoạn khó khăn, cũng như nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tiền tệ thế giới.
Chiếc ghế tổng thống tuột xa tầm tay?
Mặc dù Giám đốc IMF Strauss-Kahn chưa hề công bố việc ông có ý định tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012 tới đây hay không, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định, ông sẽ trở thành một ứng viên tổng thống tiềm năng. Một cuộc thăm dò dư luận do nhật báo Le Parisien cho thấy, 45% người được hỏi đoán Strauss-Kahn sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Pháp.
Tuy nhiên nghi án "cưỡng dâm" này sẽ dập tắt niềm hy vọng của Strauss-Kahn vào vị trí tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới. Chính phủ Pháp cũng như các đồng minh chính trị và đối thủ của Strauss-Kahn đang kêu gọi sự thận trọng cũng như tôn trọng trong việc xem xét các giả định. Nhưng giấc mơ trở thành tổng thống của Strauss-Kahn có lẽ sẽ tan thành mây khói nếu không có sự chứng minh vô tội.
Trước đây từng có một số chính trị gia dính bê bối tình ái nhưng vẫn vượt qua sóng gió như hai tổng thống Mỹ John F. Kennedy, Bill Clinton và Tổng thống Pháp François Mitterand… Nhưng, hiếm có một quan chức cao cấp ở tầm quốc tế nào đối mặt với cáo buộc cưỡng hiếp như Strauss-Kahn.
Các báo Pháp và thế giới đều đưa sự kiện Strauss-Kahn lên trang nhất.
Cảnh sát Mỹ cho biết Strauss-Kahn không có quyền miễn trừ ngoại giao đối với cáo buộc trên. Kahn đang bị cáo buộc 7 tội danh có liên quan đến tội phạm tình dục và bắt giữ người trái phép, do đó ông sẽ đối mặt với án tù lên tới 74 năm. Cảnh sát đã tiến hành tìm mẫu ADN trong phòng khách sạn "được cho là xảy ra vụ bê bối" cùng những tài liệu khác chuẩn bị cho phiên tòa xử Giám đốc IMF, diễn ra trong ngày 20/5 tới.
Hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn chưa đưa ra bình luận gì về bê bối tình dục liên quan tới người đứng đầu của họ. Nhưng các cáo buộc chống lại ông Strauss-Kahn có thể là nỗi xấu hổ lớn cho một tổ chức giám sát nền kinh tế toàn cầu này.
Tuy nhiên, dư luận trong nước Pháp và thế giới đang đổ dồn vào thái độ của vợ người đứng đầu IMF, bà Anne Sinclair. Là một phóng viên nổi tiếng từng làm hơn 13 năm cho kênh truyền hình TF1, từ lâu nay Anne Sinclair không xa lạ gì với những người dân Pháp. Người ta đặc biệt quan tâm đến thái độ của bà bởi đây không phải lần đầu Strauss-Kahn dính đến những chuyện lùm xùm với các người đẹp.
Trong vụ scandal của Strauss-Kahn với Piroska Nagy bùng nổ năm 2008, người Pháp đã một lần thán phục bản lĩnh và lối ứng xử khéo léo của Sinclair. Khi lời xin lỗi của ông Strauss-Kahn chính thức được công bố thì Sinclair đầy bản lĩnh đã vượt được nỗi đau riêng mình, thuyết phục công luận nhìn nhận đúng mức và thông cảm với chồng bà.
Bà đã lên tiếng bảo vệ chồng và kêu gọi mọi người bỏ qua lỗi lầm để ông có thể cống hiến hơn nữa trong cuộc giải cứu hệ thống tài chính thế giới đang trong thời kỳ bị khủng hoảng trầm trọng. Và tiếng nói của bà rất có sức nặng trong một cộng đồng những người ủng hộ và hy vọng một tương lai của IMF cũng như nền tài chính thế giới cần có sự góp mặt của Strauss-Kahn. Và cùng với họ, lần đó bà đã cứu được Kahn.
Còn lần này thì sao? Sát cánh với Bộ trưởng Hợp tác Hải ngoại Pháp Henri de Raincourt, bà Anne Sinclair đang hướng dư luận nghiêng về giả thuyết rằng, vụ bê bối tình dục tại New York của Tổng giám đốc IMF có thể đã bị dàn dựng vì mục đích chính trị. Bộ trưởng Henri de Raincourt tuyên bố, ông "không loại trừ khả năng có một cái bẫy được dựng lên" để đưa người đứng đầu IMF vào tròng. Tờ Telegraph thì dẫn lời ông Michelle Sabban, thành viên Hội đồng cao cấp của khu vực Paris và là một người ủng hộ Strauss-Kahn nhấn mạnh: "Tôi cho rằng có một âm mưu quốc tế ở đây".
Còn bà Anne Sinclair vẫn một mực: "Tôi không tin một giây phút nào các lời cáo buộc nhắm vào chồng tôi. Tôi không hoài nghi về sự trong sạch của ông ấy. Tôi chỉ yêu cầu và mong muốn mọi người hãy kiềm chế và cư xử thật đúng đắn, có chừng mực".
Hãy chờ đợi. Có thể một lần nữa người ta lại nghiêng mình thán phục nhìn Anne Sinclair ngoạn mục "cứu chồng" như thế nào
Ngọc Mai
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét