Tân chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn vừa lên tiếng giải thích về học vị tiến sỹ sau khi có cáo buộc bằng của ông là 'rởm'.
Trước đó, nhiều diễn đàn mạng đăng tải thông tin nói rằng tấm bằng Tiến sỹ Tài chính Đại học La Salle (Hoa Kỳ) của ông là giả mạo.
Các bài liên quan
* Cáo buộc quan chức giả mạo bằng cấp
* Ông Lê Đức Thúy chính thức nghỉ hưu
* Báo Pháp luật rút bài ca ngợi Thủ tướng
Theo báo Người Việt ở Mỹ, có hai trường Đại học mang tên La Salle ở Hoa Kỳ.
Trường La Salle ở tiểu bang Philadelphia không có chương trình Tiến sỹ Tài chính, báo này cho biết, và nói thêm rằng trường Đại học mang tên La Salle khác tại tiểu bang Louisiana, nhưng đã bị đóng cửa năm 2002 vì nhiều sai phạm, trong đó có việc bán bằng cấp giả.
Trong lời giải thích được đăng tải rộng rãi trên nhiều tờ báo ở Việt Nam, ông Vũ Viết Ngoại nói ông "đăng ký và được cơ quan cử đi học vào cuối năm 1995, theo phương thức học từ xa".
Ông không nói rõ đại học này nằm ở tiểu bang nào, nhưng trường La Salle (Louisiana) trước khi gặp tai tiếng đã cung cấp nhiều bằng cấp qua hình thức học từ xa (correspondence).
Ông Ngoạn giải thích tiếp: "Năm 1996, trường xảy ra vụ bê bối tài chính do hiệu trưởng vi phạm pháp luật. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại".
Theo ông, sau khi cơ cấu lại trường La Salle có hội đồng quản trị và ban giám hiệu mới.
"Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp, đúng theo quy định của pháp luật. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998."
Các nguồn tin trong khi đó nói dù đã sắp xếp lại, thậm chí đổi tên thành Orion College năm 2001, trường La Salle ở Mandeville, Louisiana, vẫn bị kiện tụng, không qua nổi khủng hoảng và phải đóng cửa năm 2002.
Học từ xa
Ông Vũ Viết Ngoạn tâm sự trên các báo trong nước rằng ông chọn phương thức học từ xa vì nó "phù hợp nhất với hoàn cảnh gia đình và công việc" của ông.
Thời gian đó, ông đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.
Ông nói: "Thực tế thì cách thức học ở trường hồi đó khá chặt chẽ. Trường cử một giáo viên hướng dẫn tôi, thày trò liên lạc, trao đổi qua thư".
"Tôi được trường gửi cho một đề cương các nội dung phải học, danh sách đầu sách phải đọc, nghiên cứu. Có khó khăn gì lại hỏi giáo viên hướng dẫn."
Những năm 1997-1998, mạng internet mới bắt đầu được mang vào Việt Nam, và không rõ hình thức "trao đổi qua thư" mà ông Ngoạn nói được thực hiện như thế nào.
Tuy nhiên, ông khẳng định do đã có kinh nghiệm công tác và nghiên cứu nên "việc tiếp cận chương trình, thi và bảo vệ luận án tương đối thuận lợi".
Ông Vũ Viết Ngoạn hiện đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam.
Chức vụ chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trước ông là do ông Lê Đức Thúy nắm giữ. Ông Thúy mới nhận quyết định nghỉ hưu, trong khi cũng có cáo buộc liên quan vụ một công ty Australia hối lộ quan chức Việt Nam.
Ông Vũ Viết Ngoạn được cho là có nhiều kinh nghiệm với 30 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Năm ngoái, hai quan chức cấp tỉnh ở Việt Nam cũng bị dân tố giác có bằng tiến sỹ ở một trường có tên Western Pacific University mà theo họ, thực chất chỉ là giả mạo.
Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét