Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Con trai nhà thơ thành nhà toán học tầm cỡ

Con trai nhà thơ thành nhà toán học tầm cỡ

41 tuổi, giáo sư Vũ Hà Văn đã công bố 80 công trình trên các tạp chí toán học hàng đầu thế giới. Cũng như giáo sư Ngô Bảo Châu, anh vẫn đang giữ quốc tịch Việt Nam và được Nhà nước công nhận là giáo sư kiêm chức của Viện Toán học Hà Nội.

Tôi biết Vũ Hà Văn từ khi Văn còn là học sinh chuyên toán Trường PTTH Chu Văn An, Hà Nội. Từ Hà Nội, chàng trai dân chuyên toán này đã đi một bước thật dài trên con đường nghiên cứu toán học để trở thành một nhà toán học tầm cỡ thế giới như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn.

Giữ trọn đời quốc tịch Việt Nam

Năm 2009, Vũ Hà Văn được Nhà nước Việt Nam công nhận là giáo sư kiêm chức của Viện Toán học, khi anh 39 tuổi. Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn là hai giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

Trong ba năm 2007-2010, khi Ngô Bảo Châu từ Đại học Paris 11 chuyển sang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, Châu, Văn và Đàm Thanh Sơn (đến từ Đại học Washington, Seattle) trở thành ba người bạn thân. Cả ba anh đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đều là dân chuyên toán cũ và đều có chung ý nguyện gắn bó với quê hương.


GS. Toán học Vũ Hà Văn (phải) và bố là nhà thơ Vũ Quần Phương. (Ảnh: Bee.net.vn)

“Việc giữ hộ chiếu phổ thông Việt Nam quả thật gây cho tôi một số phiền hà! – Vũ Hà Văn kể - Mỗi lần về thăm nhà, khi trở lại Mỹ, tôi phải làm lại visa tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Và thế là mỗi bận lo thót tim, nhỡ ra có điều gì trục trặc thì sao? Còn khi sang nước thứ ba, như Đức chẳng hạn, để dự hội nghị quốc tế, lại càng phức tạp, bởi chẳng những phải xin visa vào Đức mà còn phải xin thêm visa từ Đức trở về Mỹ. Tôi thường xin trước visa vào Canada để sau khi họp xong ở đấy thì bay sang Canada, rồi từ đó quay về Mỹ (không cần visa). Hơn 20 năm làm visa cho bao chuyến đi như thế khá mệt mỏi”.

Thế nhưng Vũ Hà Văn nói như đinh đóng cột: “Tôi vẫn không có ý định từ bỏ tấm hộ chiếu phổ thông bìa xanh của Việt Nam. Gần đây do Nhà nước ta cho phép công dân được mang hai quốc tịch, từ đầu năm 2010 tôi mới mang thêm quốc tịch Mỹ. Còn quốc tịch Việt Nam tôi sẽ giữ trọn đời”.

Giải thưởng Polya

Đây là giải thưởng do hội Toán học công nghiệp và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics, viết tắt là SIAM) của Mỹ lập ra từ năm 1969, trao hai năm một lần. Giải thưởng chủ yếu dành cho những công trình mới, hiếm khi cho thành tựu trong quá khứ.

SIAM được thành lập năm 1952, đặt trụ sở tại Philadelphia, có 12.000 thành viên cá nhân và 500 thành viên tập thể trên khắp thế giới. Quá trình xét chọn rất nghiêm ngặt. Người đoạt giải được tặng một tấm huy chương và 20.000 USD. Lần trao Giải thưởng mới nhất là vào năm 2008. Người duy nhất được tặng giải là nhà toán học Việt Nam Van H.Vu (tức Vũ Hà Văn). Cụm công trình nhận giải lần này được anh độc lập thực hiện, trước khi quen biết nhà toán học gốc Hoa nổi tiếng thế giới Terence Tao.

Chúng ta có thể đọc bản tóm tắt tiểu sử khoa học của Vũ Hà Văn (nguyên văn bằng tiếng Anh) được SIAM công bố chính thức trên Internet: “Sinh ở Hà Nội, Việt Nam, Vũ tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Eotos. Budapest, Hungary năm 1994, đỗ tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ năm 1998, dưới sự hướng dẫn của GS Lászlo Lovász – người được tặng Giải thưởng Polya năm 1979 (ông này về sau được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế nhiệm kỳ 2006 – 2010). Làm sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton và ban nghiên cứu của Microsft, rồi từ năm 2001-2005, ông làm việc tại Đại học California ở San Diego với tư cách là trợ lý giáo sư, phó giáo sư và giáo sư. Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư khoa toán Đại học Rutgers. Ông là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 6 năm 2006. Lĩnh vực ông nghiên cứu bao gồm: toán học tổ hợp, xác suất và lý thuyết số cộng tính. Ông đã hai lần nhận được Giải thưởng Sloan dành cho các tài năng trẻ ở Mỹ khi viết luận án tiến sĩ (1997) và khi làm nghiên cứu viên (2002), rồi Giải thưởng NSF Career (2003). Ông là thành viên Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton trong những năm 1998, 2005 và 2007, lần cuối là người lãnh đạo nhóm dự án Số học tổng hợp.

Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya như Vũ Hà Văn vẫn còn rất ít và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.

Đồng tác giả với “Mozart toán học”

“Mozart toán học” chính là Terence Chi-Shen Tao (Đào Triết Hiên), thường được gọi thân mật là Terry Tao, một nhân kiệt trong làng toán học thế giới. Tao sinh năm 1975 tại Adelaide, Úc trong một gia đình người Hoa, bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên dạy toán. Mới hơn 2 tuổi, nhờ “học mót” toán và tiếng Anh qua tivi, Tao đã dạy lại hai môn này cho một cậu bé 5 tuổi! Đến 9 tuổi, Tao được nhận vào chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Mới 10 tuổi, Tao lọt vào đội tuyển quốc gia Úc đi dự Olympiad toán quốc tế và đoạt huy chương đồng, năm sau đoạt huy chương bạc, rồi đến năm 13 tuổi đoạt huy chương vàng. Tao là người đoạt huy chương vàng ít tuổi nhất trong lịch sử các Olympiad toán quốc tế.

17 tuổi, Tao trở thành thạc sĩ tại Úc và nhận được học bổng sang Mỹ học tiếp. 20 tuổi, Tao bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton danh tiếng. 25 tuổi, Tao trở thành giáo sư. Năm 2006, mới 31 tuổi, Terence Tao được tặng huy chương Fields, trở thành một trong số ít người trẻ tuổi nhất được nhận vinh dự cao quý ấy. Terence Tao được dư luận trong giới chuyên môn coi là “Mozrt toán học” đương đại.

Một ngày giữa tháng 12-2009, tôi đến thăm gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương tại nhà riêng ở khu đô thị mới Định Công. Hôm đó, tôi đã có cả một buổi trò chuyện với giáo sư Vũ Hà Văn – người con trai đầu lòng của ông bạn cố tri. Văn kể: “Năm 2003 được ông chủ tịch Hội Toán học Mỹ giới thiệu, tôi bắt đầu làm quen với Terence Tao.

Năm ấy, Tao mới 28 tuổi, chưa được tặng huy chương Fields. Anh sống với người vợ trẻ Hàn Quốc trong một căn hộ hẹp tại quân Cam, bang California, bò ra sàn nhà làm toán. Cùng mang dòng máu châu Á nên chũng tôi dễ đồng cảm. Về sau qua trao đổi email, chúng tôi thấy rất dễ hiểu những ý tưởng của nhau. Từ đó, Tao và tôi cộng tác công bố được 15 bài báo khoa học và một cuốn sách chuyên khảo dày 500 trang. Riêng cuốn sách chúng tôi viết mất ba năm”.

Nói tới đây, Văn chạy vội lên gác tìm cuốn sách ấy mang xuống cho tôi xem. Đó là cuốn Additive Combinatorics (Toán học tổ hợp cộng tính) cả hai tác giả Terence Tao và Van H. Vu, do Viện Nghiên cứu toán học cao cấp Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2006. Vào Website của Hội Toán học Mỹ, tôi đọc được bài điểm sách về cuốn này dài 9 trang khổ A4 của Ben Green, một nhà toán học Anh nổi tiếng của Đại học Cambridge. Ben Green đánh giá: “Cuốn sách này là một đóng góp quan trọng cho toán học và đã trở thành cuốn sách mà thế hệ sinh viên mới cần đọc, cũng như những chuyên gia trong các lĩnh vực gần gũi cần học thêm về toán học tổ hợp cộng tính. Đây cũng là cuốn sách viết rất đúng lúc và hai tác giả của nó rất đáng được ngợi ca vì đã thể hiện một cách đầy thuyết phục. Riêng tôi, tôi có tới ba bản in: một để ở nhà, một để ở nơi làm việc và bản thứ ba dự phòng trường hợp hai bản kia cũ nát.

Vài hôm sau cuộc gặp gỡ với tôi, Văn lại lên đường sang Seoul (Hàn Quốc) làm việc với các nhà toán học Mỹ và Hàn Quốc từ ngày 16 đến 22-12-2009. Terence Tao, Vũ Hà Văn, James T. McKernan, Franhk Morgan và Hee Oh được Hội Toán học Mỹ cử sang Seoul giới thiệu những công trình mới. Lại một chuyến đi khám phá của một nhà toán học người Việt tầm cỡ thế giới. Và đến nay, Vũ Hà Văn đã có thật nhiều những chuyến đi như thế, đến với những chân trời mới của toán học thế giới.

Vũ Hà Văn sinh năm 1970, là con trai nhà thơ Vũ Quần Phương. Tính đến đầu năm 2011, Vũ Hà Văn đã công bố hơn 80 công trình – một con số rất đáng nể. Có những công trình của anh được in trên các tạp chí toán học đỉnh cao thế giới như Annals of Mathematics (Niên giám toán học), Journal of AMS (tạp chí của Hội Toán học Mỹ)...

Người ta thường chia các tạp chí toán học quốc tế thành bốn loại: Đỉnh cao, hàng đầu, trung bình và yếu. Cho đến nay, chỉ mới có bốn người Việt Nam có công trình được in trên các tạp chí toán học đỉnh cao là Vũ Hà Văn (Đại học Rutgers, Mỹ), Lê Tự Quốc Thắng (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ), Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp) và Đinh Tiến Cường (Đại học Paris 6, Pháp). Các bài báo của Vũ Hà Văn được trích dẫn nhiều, tức đạt chỉ số ảnh hưởng (impact index) cao.



(Theo Tuổi trẻ số Tết Tân Mão)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét