Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Năm mèo, nói chuyện meo meo!

04/02/2011 - 02:37 PM

Năm mèo, nói chuyện meo meo!
(PL-NS)- Dân gian ta từ xưa đã có những quan niệm rất thú vị về 12 con giáp. Không chỉ dùng để tính chu kỳ thời gian, 12 con giáp còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là con mèo.

Mèo là con vật nuôi rất quen thuộc của gia đình người Việt. Trong tâm thức dân gian, dù gặp may mắn, xui xẻo hay muốn khắc họa hình ảnh xấu, người ta thường liên tưởng đến con mèo.

Từ may mắn…

Thật khó để lý giải tường tận quan niệm về sự may mắn liên quan đến nhau mèo. Nhau mèo là bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mèo mẹ và thai mèo. Nhau mèo chỉ cỡ hai đến ba ngón tay theo bề ngang, bề dọc độ khoảng hai lóng tay là cùng.

Mèo đẻ ít để cho con người thấy nhau. Vì vậy, dân gian quan niệm người nào được mèo cho nhau thì sẽ nhanh chóng phát tài, phát lộc. Nhau mèo ứng với sự may mắn, gắn với biểu hiện tâm lý thường cái gì hiếm thì quý.

Chuyện kể rằng gia đình nọ có con mèo đẻ, thấy nhau mèo dơ bẩn nên đem vứt xuống ao. Được các cụ già hàng xóm mách rằng: “Nhau mèo là vật thiêng quý hiếm ứng với điềm lành và sự giàu có”, người ấy lập tức chạy về nhảy xuống ao mò nhau mèo lên, phơi khô rồi cất giấu cẩn thận như một báu vật. Quả chẳng sai, không bao lâu gia đình làm ăn khá giả và nhanh chóng giàu có.

Vì thế, cũng từ dân gian, người ta thường rình mèo đẻ để lấy nhau mèo. Tuy nhiên, ít ai có cơ hội lấy được nhau mèo vì nó thường đẻ ở chỗ kín như góc nhà, bồ lúa hoặc ngoài vườn và sau khi đẻ thì ăn nhau liền. Hiếm có trường hợp mèo đẻ xong rồi ngậm nhau đến trước mặt chủ nhà nhả ra để chủ nhà cất giữ lấy hên. Người ta xem nhau mèo quý chẳng khác chi vàng, ngọc.

Từ niềm tin đã có từ đời trước truyền sang thế hệ sau nên khi được nhau mèo, người ta có động lực để cố gắng với hy vọng “một ngày nào đó mình sẽ làm ăn khá giả”. Cố gắng làm ăn thì ắt sẽ khấm khá. Đây chính là cơ sở biện chứng của niềm tin mang yếu tố duy tâm.

…Đến xui xẻo

Dân gian còn gắn hoạt động của mèo với ý nghĩa tiêu cực. Nhiều người lý giải mèo kêu meo meo, nghĩa là nghèo, còn chó sủa gâu gâu, nghĩa là giàu, vậy mới có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.

Chuyện xui xẻo liên quan đến mèo thì đầy rẫy. Dân ta rất kỵ hiện tượng “mèo ngũ sắc” (gọi là “linh miêu”) bước qua xác người chết lúc chưa liệm. Câu chuyện dân gian mang đậm chất ma quái này gắn với tư duy về hồn vía trong nghi lễ vòng đời người. Mèo nhảy qua xác chết thì hồn người đang vơ vưởng trở về nhập vào xác, lúc đó người chết sẽ bật dậy và đi lại bình thường. Việc chết đi sống lại là điềm chẳng lành. Người chết sống dậy đụng phải ai thì người đó sẽ chết theo hoặc sẽ bệnh dần rồi chết. Bởi vậy, nhà nào có người chết cũng phải nhốt mèo cẩn thận. Khi chưa liệm xác, gia đình phải cử người canh gác cẩn thận, không cho mèo nhảy qua xác. Nếu chẳng may gặp hiện tượng người chết đột nhiên bật dậy rồi bước đi, cần lấy dây hoặc cây cản ngay chân cho té xuống rồi khiêng lên liệm ngay như người đã chết thực thụ.

Không ít người còn tin rằng ai nhìn thấy mèo “mây mưa” thì sẽ gặp xui xẻo, chết yểu.

Mèo có khả năng bắt chuột, giúp gia chủ khỏi bị chuột quấy phá, cắn các vật dụng. Nhiều người cũng khá chuộng món “tiểu hổ”. Ngoài ra, người ta ít tìm thêm được khả năng nào khác từ con mèo. Tật xấu của mèo biểu hiện nhiều hơn công dụng của nó nên dân gian gắn mèo với chuyện tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Chỉ sự lười biếng, ăn vụng, dân gian ta dùng hình tượng mèo để nói bóng gió rất độc đáo là “ăn vụng như mèo”. Người ăn ít, chậm chạp bị ví với câu “ăn như mèo”. Người giang hồ xảo trá, ranh ma bị gọi là thứ “mèo mả gà đồng”. Hành động bưng bít, giấu giếm nhưng ai cũng biết cả thì cũng so sánh ngang với hành động “giấu như mèo giấu cứt”.

Con mẻo con meo

Trong đời sống gia đình, anh chị em hay vợ chồng có hành động “chửi” nhau thì cha ông ta nhắc khéo bằng cách dùng hình tượng “mèo và chó”. Cách ví von này có nguyên nhân sâu xa là trong gia đình thường hay nuôi cả mèo và chó. Khi chủ ăn cơm, cả chó và mèo đều rình xương mà chủ “thưởng” cho, con nào nhanh chân thì được phần. Từ đó, mèo và chó thường xuyên phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, khi đem chó hoặc mèo về nuôi, con nào nhập cư sau thì chủ nhà thường hay bắt nó lạy con đã sống trong gia đình từ trước. Nhưng như thế không có nghĩa là sẽ không xảy ra chuyện mèo chó cắn nhau! Và dĩ nhiên sẽ có chuyện “con mèo xán vỡ nồi rang, con chó chạy lại nó mang lấy đòn” vì chú mèo nhà ta đã nhanh chân tẩu thoát mất rồi.

Ai đó đang ở trạng thái bi đát mà may mắn một cách bất ngờ thì được gọi là “mèo mù vớ được cá rán”. Dân gian cũng thật ý vị triết lý khi dùng câu “mèo già hóa cáo” để chỉ sự trưởng thành vượt quá mức cần thiết, tạo nên những ứng xử ma mãnh, xảo quyệt của con người. Chỉ việc làm vượt quá khả năng của một con người, dân gian ta mai mỉa: “Mèo uống nước biển chẳng bao giờ cạn”, “Mèo vật đống rơm”. Người khôn ngoan nên biết lượng sức mình khi chọn việc, như câu: “Mèo nhỏ thì bắt chuột con”. Phê phán thói tự cao, tự đại, không ai chịu thua ai, chỉ biết ưu điểm của mình, tự cho mình là nhất, người bình dân dùng cách nói: “Mèo khen mèo dài đuôi, chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo”.

Chỉ người xấu gặp nhau trong cùng hoàn cảnh, dân gian ta nói: “Mèo hoang lại gặp chó hoang”. Chỉ sự nhát gan của con người, cha ông ta lại khéo nói một cách hình tượng là: “Mèo già lại thua gan chuột nhắt”. Chỉ sự bất công, chỉ dám bắt nạt kẻ yếu, người bình dân dùng hình tượng ví von: “Mèo tha thịt thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng” hay: “Mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”. Chỉ một người đần độn, ngu ngốc, dân gian ta nói: “Chó gio, mèo mù”. Chê hạng người không có tài năng sống lang thang, vơ vẩn, người ta bảo: “Chó khô, mèo lạc”. Nói về sự yêu ghét bất hợp lí, dân gian ta dùng câu: “Chó ghét đứa gậm xương, mèo thương người hay nhử”.

Vậy mới thấy con mèo gần gũi với dân ta cỡ nào. Liệt kê thì có vẻ con mèo bị ví với chuyện xấu nhiều hơn điều tốt. Nhưng nhìn chung, nhờ những tính xấu bị phê phán qua việc mượn “tính cách mèo”, chúng ta cũng sẽ tốt lên ít nhiều đấy. Bởi thế, mèo cũng có nhiều “công dụng” lắm chứ, chẳng phải chỉ có bản lĩnh vồ chuột không đâu nhé! Ngay cả con chuột oai phong xếp hàng đầu trong hệ 12 con giáp mà nghe tiếng mèo kêu “ngao, ngao” là đã sợ đến vỡ mật rồi.

Năm Tân Mão, nói chuyện hên xui về mèo làm vui. Năm nay, hy vọng không ai bị người đời dùng mấy câu ví von dính đến con mèo mà nhắc nhở, chê bai điều chi cho phiền muộn trong ba ngày tết. Mong mèo đẻ cho nhân gian nhiều cái nhau lấy hên để người người, nhà nhà được phát lộc, phát tài. Đương nhiên cũng đừng ngồi không rình mèo đẻ lấy nhau. Ông bà ta chẳng đã khuyên răn con cháu muốn có cái ăn thì phải lao động:

“Con mèo, con mẻo, con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà”.

Thạc sĩ TIỀN VĂN TRIỆU (Đội Nghiên cứu tổng hợp - Văn phòng Công an tỉnh Sóc Trăng)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét