Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Điều tra toàn cầu vụ Securency

Điều tra toàn cầu vụ Securency

Securency bị cáo buộc hối lộ cho quan chức châu Phi, Nam Mỹ và châu Á.

Vụ Securency có liên quan đến tham nhũng ở châu Á, gồm cả Việt Nam đang được mở rộng phạm vi thành cuộc điều tra toàn cầu với các vụ khám nhà mới nhất ở Úc, Anh và Tây Ban Nha.

Truyền thông Anh, Úc và Mỹ hôm nay cho hay đêm hôm 6/10 giờ Úc, sáu ngôi nhà ở Melbourne đã bị cảnh sát liên bang lục soát.

Trang ABC của Úc nói đây là "cuộc điều tra toàn cầu, cài số cao nhất", hàm ý cả về tốc độ và phạm vi đều được tiếp tục mở rộng.

Tại Anh, Cơ quan chống lừa đảo (SFO) cũng khám xét tám ngôi nhà và một cơ sở kinh doanh, bắt hai người đàn ông.

Tại Tây Ban Nha cũng có hai vụ bắt bớ nhắm vào ba công dân Anh.

Theo ABC, luật Úc cấm công ty của họ đưa hối lộ kể cả khi hoạt động ở nước ngoài với tội danh lên tới 10 năm tù hoặc tiền phạt tới 60 nghìn đô la Úc cho mỗi hành vi vi phạm.

Hãng tin AFP trích lời một người tố cáo nói công ty Securency đã trao hàng triệu đô la tiền hối lộ cho quan chức châu Phi, Nam Mỹ và châu Á.

Theo báo chí Úc, Securency International chuyên cung cấp công nghệ tiền polymer được nói là nhằm giúp chống lại khả năng làm giấy bạc giả.

Ban đầu, công ty này, vốn nằm dưới Ngân khố Quốc gia Úc, làm ăn với Papua New Guinea trước khi mở mạng lưới ra khắp vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Dịch vụ của họ, theo đánh giá của nhà báo chuyên về kinh doanh David Olsen trên báo Úc hôm nay 7/10, đã "tạo thương vụ số lượng cao ở Việt Nam, Romania và cả Mexico".

Nhà máy in tiền polymer đầu tiên ở hải ngoại của Securency ở Mexico dự kiến có công suất cao, thêm vào hơn 12 tỷ tờ tiền polymer đã lưu hành trên thế giới.

'Đầu mối Việt Nam'

Công ty CFTD với Lương Ngọc Anh làm giám đốc bị cáo buộc nhận hàng triệu đôla tiền hoa hồng.

Hồi năm 2009, tờ The Age của Úc đã đưa ra cáo buộc môi giới viên cho hãng Securency đã "trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng cho công ty CFTD của Việt Nam, có công ty con Banktech thuộc quyền quản lý của con trai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào lúc ngân hàng này quyết định chuyển sang loại tiền polymer năm 2002".

Cảnh sát liên bang Úc sau đó đã vào cuộc điều tra.

CFTD là công ty đã tham gia việc thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị in tiền ở Việt Nam.

Điều tra của báo The Age đã hâm nóng lại cuộc tranh cãi quanh đồng tiền polymer ở Việt Nam ba năm trước đó.

Một số bài báo chuyển đi các thông điệp rằng tiền polymer chất lượng kém và giá thành cao và đề cập tới sự liên hệ trong khâu in tiền ở một công ty có sự tham gia của ông Lê Đức Minh, là con trai Thống đốc Lê Đức Thúy.

Vào tháng 10/2006, ông Lê Đức Thúy, khi đó còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã giải thích với công luận rằng từ khi phát hành bộ tiền mới, cùng với những kết quả trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tiền giả, tình hình tiền giả trong lưu thông đã giảm xuống.

Nhưng thông cáo không nhắc gì đến các tin đồn rằng con trai của thống đốc, ông Lê Đức Minh, có công ty liên quan đến công nghệ in tiền.

Đến tháng Sáu 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng các Phó Thống đốc làm kiểm điểm sau khi có kết luận thanh tra nhiều nội dung tại cơ quan này.

Báo cáo của thanh tra nói đề án Bộ tiền in bằng chất liệu polymer là một công việc hệ trọng của ngân hàng nhưng không được thống đốc Lê Đức Thúy, Bí thư Ban cán sự đảng, đưa ra thảo luận trong tập thể lãnh đạo và chính trong ban cán sự Đảng.

Tuy thanh tra kết luận là việc sử dụng tiền mới bằng polymer "không gây ra hậu quả xấu về kinh tế và việc tham gia của con ông Thống đốc vào dự án in tiền không trái qui định của pháp luật" nhưng vụ việc chưa xóa được hết nghi ngờ về vai trò tính minh bạch của Thống đốc Lê Đức Thúy.

Hồi tháng 11 năm 2009, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam, Trần Quốc Vượng, nói với báo giới rằng thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là "tin tố giác" chứ không thể dùng làm bằng chứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét