Ngoại giao sức mạnh không hiệu quả
Giải Nobel Hòa bình trao cho nhà bất đồng chính kiến bị tù, ông Lưu Hiểu Ba cho thấy chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh của Trung Quốc đã không hiệu quả và sẽ còn phải chịu sức ép mới.
Nhận định về giải thưởng cao quý trao cho cây bút Trung Quốc hiện ngồi tù, báo New York Times hôm nay 8/10 viết:
"Trao giải thưởng cho ông Lưu, Ủy ban Nobel Na Uy đã đập lại một cách không nhầm lẫn các lãnh đạo độc đoán tại Bắc Kinh vào đúng thời điểm chính quyền ngày càng không muốn dung túng bất đồng chính kiến từ trong nước."
Tờ báo này cũng ghi nhận "thái độ khó chịu lan rộng trên thế giới về chính sách ngoại giao nắm đấm đi cùng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc."
Quyền lực cứng hay mềm?
Quan điểm và đường lối chung của Trung Quốc từ lâu nay bị cho là chỉ coi trọng các nước lớn, và dùng quyền lực áp đảo.
Điều này đã từng khiến Trung Quốc bị mất thế vì thiếu chuẩn bị.
Vụ Ngoại trưởng Dương Khiết Trì "bị bất ngờ" trước tuyên bố của bà Clinton về Biển Đông và thái độ của ASEAN về Biển Đông tại hội nghị Hà Nội tháng 712010 khiến có bình luận rằng nói ngành ngoại giao Trung Quốc bị một bàn thua.
Một bình luận viên của BBC Tiếng Trung tại London nói có các ý kiến ở Trung Quốc rằng vụ Hà Nội cho thấy giới ngoại giao và tình báo Trung Quốc đã không ghi nhận và báo cáo cho lãnh đạo của họ thấy một thay đổi rõ rệt trong thái độ về Biển Đông tại Việt Nam và ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các kinh nghiệm lịch sử thời Liên Xô và ngay cả của Hoa Kỳ trước và sau vụ 9/11 cho thấy dù giới tình báo và ngoại giao có cung cấp thông tin, các nhà lãnh đạo hay có thói quen tự lọc tin tức theo quan điểm cố hữu của họ.
Ở đỉnh cao quyền lực, họ dễ nghĩ rằng các hội đàm cao cấp, các tuyến làm việc truyền thống là có hiệu quả nhất.
Chuyến thăm bất ngờ vừa qua của ông Ôn Gia Bảo sang Đức để bàn với Berlin về tỷ giá hối đoái đêm trước ngày họp với Brussels cũng nằm trong logic tương tự.
Nếu "chơi tay trên" được với Đức, nền kinh tế lớn nhất EU thì Trung Quốc sẽ có thế mạnh để không nhượng bộ các nước khác trong EU.
Nhưng về mặt ngoại giao, điều này đã gây phản cảm và có thể để lại hậu quả lâu dài vì EU có tinh thần tôn trọng tiếng nói của mọi quốc gia nhỏ, và không phải quốc gia nào cũng đồng ý với Đức.
Thái độ đe dọa, cảnh cáo Na Uy, quốc gia Bắc Âu chỉ có chưa đầy 5 triệu dân về giải Nobel cũng đem lại kết quả ngược lại cho Trung Quốc.
Trong cuốn sách sắp phát hành"The Future of Power", GS Joseph Nye từ ĐH Harvard nêu ý rằng sức mạnh của các chính phủ thời đại ngày nay dựa trên độ khả tín nhiều hơn là sự áp đảo về thông tin mà họ tung ra.
Trong bài trên New York Times hôm 5/10 ông cho rằng 'ngoại giao công dân' là điều khó cho các nền dân chủ nhưng còn khó hơn cho các thể chế độc đoán như Trung Quốc.
Lý do là quyền lực mềm đến từ xã hội, không phải từ chính phủ.
Vì thiếu quyền lực mềm nên hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế và thế lực quân sự gia tăng "vẫn tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nước này ở nước ngoài".
Sẽ còn tranh cãi
Dù "bị Trung Quốc cảnh cáo", Ủy ban Giải Nobel của Na Uy, cơ quan độc lập với chính phủ, đã không tỏ ra lo sợ trước sức ép từ Bắc Kinh.
Hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ thực hiện cảnh báo với Oslo là việc trao giải "sẽ phương hại đến quan hệ Trung Quốc - Na Uy" theo cách nào.
Nhưng ngay bây giờ, Trung Quốc đã rơi vào thế phải có thái độ trước các kêu gọi quốc tế để ông Lưu ra tù.
Chính phủ Pháp đã yêu cầu Trung Quốc thả ông Lưu để ông được đi nhận giải.
Từ Đài Loan, Dân Tiến Đảng thuộc phe đối lập thì ra thông cáo viết rằng:
"Chúng tôi đề nghị chính quyền Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế, thả ông Lưu và tôn trọng các quyền của ông để ông có thể tự nhận giải Nobel".
Trong lịch sử Đông Âu thời cộng sản, đã có những nhân vật như Boris Pasternak của Liên Xô vì sức ép của chính quyền đã từ chối và không đến Thuỵ Điển để nhận Nobel Văn chương năm 1958.
Tại Ba Lan thời cộng sản hậu kỳ, ông Lech Walesa cũng không dám sang Na Uy nhận Nobel Hòa bình năm 1983 vì sợ không được cho trở về nước.
Có vẻ như không ít tờ báo từ Âu sang Á đều chia sẻ cách nhìn về ông Lưu, một cách nhìn khác với chính quyền Trung Quốc.
Ngay cả từ một quốc gia châu Á có tiếng là kiểm soát báo chí như Singapore, tờ The Strait Times cũng viết về ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi "là một ngôi sao vận động cho nhân quyền ở Trung Quốc".
Các báo mạng của Việt Nam cũng chạy tin này, tuy chậm hơn ở châu Âu.
Trang VnExpress lúc 17g48 viết: "Thông cáo của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy cho biết, họ trao giải cho Lưu "vì cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động nhằm đòi nhân quyền ở Trung Quốc".
Hiện Trung Quốc mới nhắc lại lời nói thông lệ rằng "trao giải cho ông Lưu là đi ngược lại nguyên tắc về giải Nobel".
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao TQ không nói rõ thế nào là điều "đi ngược nguyên tắc của giải Nobel".
Trong phát biểu với báo giới sáng nay, giờ Na Uy, ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban Nobel nói rằng "di chúc của Alfred Nobel nói nhân quyền gắn liền với hòa bình và tình ái hữu giữa các dân tộc".
Ông Jagland cũng nói Ủy ban Nobel hy vọng Trung Quốc tham dự cuộc tranh luận về nhân quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét