Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Nobel Hòa bình 2010 gây tranh cãi

Nobel Hòa bình 2010 gây tranh cãi
09/10/2010 0:01
Vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba - Ảnh: AFP
Hôm qua, Ủy ban Nobel Na Uy đã gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc với quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba.

Theo Tân Hoa xã, cuối năm ngoái, nhà văn hoạt động đối lập này đã bị tòa án Trung Quốc phạt 11 năm tù vì tội kích động nhằm lật đổ chính quyền và bị tước các quyền chính trị như bỏ phiếu, ứng cử... trong 2 năm.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Ủy ban Nobel Na Uy đã “vi phạm” tính chính trực của giải thưởng khi trao nó cho Lưu Hiểu Ba và cảnh báo quan hệ giữa Bắc Kinh với Oslo có thể bị ảnh hưởng.

“ Giải Nobel Hòa bình nên được trao cho những người nỗ lực thúc đẩy sự hòa hợp dân tộc, tình hữu nghị quốc tế, giải trừ quân bị và người tổ chức các hội nghị về hòa bình. Đây là những ước nguyện của ông Nobel”, AFP dẫn tuyên bố trên. Bắc Kinh cũng nói Lưu Hiểu Ba vi phạm luật pháp Trung Quốc và những hành động của ông này trái với mục đích của giải Nobel. Bằng cách trao giải cho người này, “Ủy ban Nobel đã vi phạm những nguyên tắc của giải thưởng”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Trung Quốc trong thời gian qua liên tục cảnh báo phía Na Uy không nên trao giải cho ông Lưu. Tuy nhiên, vài giờ trước khi công bố giải, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjern Jagland phát biểu với đài TV2 rằng người nhận giải sẽ là một lựa chọn gây tranh cãi. Ông cũng khẳng định sẽ dứt khoát bảo vệ quyết định của Ủy ban.

Đây không phải là lần đầu tiên giải Nobel Hòa bình gây xôn xao. Năm ngoái, giải thưởng được trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông mới cầm quyền chưa đầy 9 tháng, và trong bối cảnh nước này đang tiến hành 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy ngay lập tức làm dấy lên những cuộc tranh luận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Ủy ban này khẳng định giải Nobel được trao cho ông Obama không phải vì những thành tựu ông đã đạt được trong việc đấu tranh đem lại hòa bình cho thế giới mà vì “những khát vọng” cho tương lai nhân loại.

2010 là năm có số đề cử cho giải Nobel Hòa bình cao kỷ lục, với 199 cá nhân và 38 tổ chức. Khác với những giải Nobel khác do các tổ chức Thụy Điển trao tặng, người được nhận Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy quyết định. Giải này được công bố sau các giải Y học, Vật lý, Hóa học và Văn chương. Giải Nobel Kinh tế được công bố vào ngày 11.10 và sẽ khép lại mùa giải Nobel năm nay.

Trùng Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét