Cáo buộc mới vụ Securency
Báo Úc The Age, trụ sở tại Melbourne, tiếp tục loạt bài về vụ bê bối liên quan việc in tiền polymer với cáo giác về ngành an ninh Việt Nam.
Bài báo của hai tác giả Richard Baker và Nick McKenzie đăng hôm thứ Ba 09/02 viết công ty Securency thuộc Ngân hàng dự trữ Úc (RBA), đã không tuân thủ cảnh báo của chính phủ liên bang về đối tác của họ tại Việt Nam.
Theo các phóng viên này, cơ quan ngoại thương của chính phủ Úc là Austrade trong hai lần, tháng Ba 2007 và tháng Tư 2008, đã cảnh báo nhà sản xuất giấy và in tiền polymer Securency International rằng đối tác của họ ở Việt Nam là nhân viên công an.
Theo luật pháp Australia, chi tiền cho quan chức nước ngoài để lấy lợi về kinh doanh là tội hình sự.
Tờ The Age viết dù đã có cảnh báo, công ty Securency, mà một nửa cổ phiếu nằm trong tay RBA, vẫn tiếp tục chuyển tiền cho ông Ngọc Anh trong thời gian ít nhất 12 tháng tiếp sau đó.
Lương Ngọc Anh có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
The Age
Hồi đầu năm 2007, hội đồng quản trị Securency đã yêu cầu Austrade bí mật tìm hiểu một số nhân vật trung gian làm ăn của họ ở nước ngoài vì lo ngại bị cáo buộc hối lộ.
Securency, công ty chuyên sản xuất giấy polymer và in tiền cho Australia cùng 28 quốc gia khác trên thế giới, hiện đang bị cảnh sát liên bang Úc điều tra cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam và Nigeria.
Cảnh sát Australia đã bố ráp trụ sở chính và nhà riêng của một số lãnh đạo công ty này hồi tháng 11 năm ngoái nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Austrade từ chối cung cấp thông tin về các nhân vật họ đã tìm hiểu, bao gồm cả ông Lương Ngọc Anh, cho báo giới.
Quan hệ phức tạp
Tuy không lấy được thông tin từ Austrade, tờ The Age vẫn được các nguồn tin khác cho hay ông Lương Ngọc Anh là người của cơ quan an ninh Việt Nam.
Austrade được biết đã khuyến cáo Securency tìm luật sư nếu có quan ngại về các khoản tiền chi trả cho ông Ngọc Anh.
Báo The Age còn cáo giác ông Lương Ngọc Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH Phát triển Công nghệ CFTD, có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quan hệ làm ăn với Securency bắt đầu.
Ông Ngọc Anh và một số lãnh đạo khác củ̀a CFTD, trong có một đại diện của chính phủ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở New York, được nói đã thường xuyên tháp tùng ông thủ tướng và các quan chức khác đi nước ngoài.
Cuộc điều tra Securency có thể còn tiếp tục nhiều tháng nữa.
Trong khi đó, phía Việt Nam nói thông tin trên báo Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là "tin tố giác" chứ không thể dùng làm bằng chứng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam Trần Quốc Vượng từng được trích lời nói nếu phía Úc yêu cầu thì Việt Nam sẽ tham gia, nhưng "phải làm đúng, xử đúng, phải xem xét đủ căn cứ kết luận tội theo pháp luật Việt Nam".
"Quan điểm của tôi là nếu rõ ràng tội phạm thì phải làm và làm theo trình tự của pháp luật tố tụng Việt Nam, mình không thể dựa vào tài liệu của nước ngoài để xử công dân của mình được."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét