Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Người đông Văn Miếu, khách vắng Hoàng Thành 16/02/2010 00:00



Người đông Văn Miếu, khách vắng Hoàng Thành
16/02/2010 00:00

(HNMO) - Mùng 2 Tết Canh Dần (15/2), Hà Nội se lạnh, đường khô ráo với tiết trời khá đẹp cho việc du xuân, chơi Tết. Cùng với dòng người vào thăm Văn Miếu và Hoàng Thành Hà Nội PV Hànộimới Online đã kịp ghi lại một số hoạt động tại 2 nơi này.

Cũng như nhiều năm trước, Văn Miếu vẫn là nơi thu hút nhiều khách nhất. Mặc dù phải mua vé (10 ngàn đồng/người) để vào cửa, nhưng dòng người vẫn nườm nượp kéo tới Văn Miếu để cúng lễ, thắp hương, xin chữ đầu năm, hoặc sờ đầu rùa lấy may. Bãi xe máy gần như chật cứng không còn chỗ; ô tô đỗ đầy 2 bên đường Quốc Tử Giám đã có nhiều lúc gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, nhưng dòng người vẫn không ngớt đổ về Văn Miếu cho tới chiều tối. Không ít gia đình đi cả nhà tới đây đầu năm. Đặc biệt, có rất nhiều nam thanh nữ tú đến để cầu may về việc học hành, thi cử cho thấy sự linh thiêng của mảnh đất vốn mệnh danh là “Trường đại học đầu tiên” này của kinh thành Thăng Long. Chỉ tới khi bước ra khỏi Văn Miếu người ta mới cảm thấy nhẹ nhõm như vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ thiêng liêng đầu năm.

“Sau khi lễ thầy Chu Văn An ở đây cháu rất tin là mình sẽ đỗ Đại học trong năm nay" - Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 12 Trường PTTH Kim Liên cho biết. - "Đương nhiên, cháu vẫn sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong học kỳ 2 tới…”

Dòng người nườm nượp xếp hàng mua vé vào Văn Miếu
Sờ đầu rùa và bia Tiến sĩ để lấy may trong việc học hành
Xin chữ bên ngoài cửa Văn Miếu để lấy may cả năm

Không giống điểm du xuân tại Văn Miếu, lượng khách tới thăm Hoàng thành Thăng Long thưa thớt và ít hơn nhiều, mặc dù tất cả đều được vào cửa tự do. Ngoài ra, sáng mùng 2 Tết tại đây mới khai trương Phòng trưng bày “Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt” của Bảo tàng Hà Nội nhằm giới thiệu với công chúng những hiện vật cổ thời Lý, Trần, Lê – Mạc (từ thế kỷ 13 tới 17), cũng như những sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội hiện đang được lưu giữ trong kho của Bảo tàng HN.

Hướng dẫn viên của Bảo tàng (giữa)
Phòng trưng bày bên ngoài được bày biện, trang trí rất đơn giản
Một số đồ vật cổ, kỳ thạch được trưng bày tại Hoàng Thành nhân dịp
Tết Canh Dần

Về việc vắng khách, một số người tới thăm quan cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trước đó chưa quảng bá rộng rãi có hiệu quả. Hơn nữa, việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp, trưng bày còn sơ sài, lộn xộn, thiếu chú thích cũng như hướng dẫn viên có kiến thức nên Phòng trưng bày “Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt” của Bảo tàng Hà Nội tại khu di tích Hoàng Thành đã chưa thu hút được du khách. Tuy nhiên, riêng mảng trưng bày giới thiệu về những Kỳ thạch, gỗ lũa với các chủ đề “Văn hóa tâm linh Việt”; “Hồn Việt”… đã kích thích được trí tò mò của người xem và được nhiều người chú ý, khen ngợi.

Trọng Phú – Quang Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét