Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Đường hoa Nguyễn Huệ 2010: Sức mạnh và tình yêu

Đường hoa Nguyễn Huệ 2010: Sức mạnh và tình yêu

(Dân trí) - Đúng 19h ngày 11/2, đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) chính thức mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm. Năm nay đường hoa tập trung vào hai hình ảnh: “ông ba mươi” và không gian tình yêu đôi lứa.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay có chủ đề Xuân bình minh và được chia làm 6 chủ đề nhỏ: Vầng Thái Dương, Xuân yêu thương, Bình minh tụ hội, Sức mạnh đoàn kết, Góc quê hương và Hướng về Thăng Long.

Đường hoa bắt đầu phục vụ khách từ ngày 11/2 (28 Tết) đến 6h sáng 17/2 (mùng 4 Tết) trên trục đường Nguyễn Huệ.

Hình ảnh chủ đạo: Hổ của năm Canh Dần

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh: “Xuân Bình Minh ở đây không chỉ là ước vọng, nỗi khát khao mà còn là ý chí, niềm tin vào tương lai tiền đồ tươi sáng của dân tộc, là sự lạc quan yêu đời, ý chí nghị lực của tất cả mọi người vững vàng trước những gian lao thử thách”.

Tại khu vực Tượng đài Hồ Chí Minh được trưng bày hàng chục chậu mai quý và lan Mokara vàng, nhằm thể hiện sự uy nghiêm và dung dị của Bác, đồng thời mong ước một năm mới trọn vẹn hạnh phúc và thành công của người dân thành phố.

Năm nay, mở đầu đường hoa là đôi hổ nằm uy nghi, dũng mãnh bên gốc cổ thụ. Bước vào khu vực quanh bùng binh đồng hồ, một khối gương lớn tạo cảm giác nhân đôi về không gian, màu sắc sặc sỡ của hoa và người tới thưởng lãm.

Có lẽ vì ngày mùng 1 Tết trùng với ngày Lễ Tình nhân 14/2 nên khắp đường hoa, du khách có thể cảm nhận được những không gian tình yêu ngọt ngào nhờ những hình trái tim khổng lồ kết bằng hoa.


Những không gian tình yêu ngọt ngào

Càng vào trong, du khách càng ngạc nhiên, thích thú bởi nhiều tiểu cảnh. Cặp hoa khổng lồ, “ông ba mươi” với nhiều tư thế được làm bằng những chất liệu khác nhau như gỗ, phủ đồng, vỏ cây và cừ tràm khiến du khách ngỡ mình lạc vào chốn rừng thiêng hoang dã.

Đoạn đường từ Ngô Đức Kế đến Hải Triểu, một không gian xanh mướt trải ra với cánh cò, ô ruộng xanh ngắt, đồi rơm vàng óng và cả nhiếc chiếc gùi bắp nặng trĩu làm toát lên khung cảnh đậm chất Việt Nam.

“Hướng về Thăng Long” là chủ đề của đoạn kết đường hoa với hình ảnh những chiếc trống đồng và hoa nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn gốc cha ông, chung niềm vui lớn của dân tộc, chúc mừng Thủ đô Hà Nội 1.000 năm tuổi.

Tất cả toát lên ý nghĩa cầu chúc cho TPHCM cùng đất nước sự an lành và thành công trong năm mới với nhiều cơ hội và thử thách.

Chị Nguyễn Thị Huê, ở Hà Nội vào thăm người thân tâm sự: “Lần đầu tiên tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, tôi rất thích khung cảnh như thế này, nó gợi cảm giác mùa xuân đã đến rất gần”.

Theo ban tổ chức, ngoài việc chiêm ngưỡng những tiểu cảnh trên đường hoa, người dân thành phố còn được thưởng thức nét đẹp của nghệ thuật cắm hoa, nhâm nhi ly cà phê thơm ngon trong các quán giải khát được bố trí rải rác trên vỉa hè phục vụ khách tham quan. Tối mùng 3 Tết, sẽ có các nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa sạp, trò chơi dân gian.

Ngoài việc tổ chức vui chơi tại đường hoa Nguyễn Huệ, TPHCM còn đưa ra 6 chương trình đón Tết cổ truyền: Đó là ngày hội bánh tét, bắn pháo hoa đêm Giao thừa, chương trình phố toả sáng, khoảnh khắc đón năm mới và trang hoàng mặt phố Tết tại mặt tiền trụ sở các đơn vị tọa lạc trên những tuyến đường diễn ra lễ hội.
Không thể thiếu tục xin chữ đầu năm.

Đặc biệt, vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, TPHCM được phép bắn pháo hoa nghệ thuật tại 7 điểm trong thành phố với bốn điểm bắn tầm cao, ba điểm tầm thấp. Địa điểm bắn pháo hoa từ Bảo tàng Hồ Chí Minh được chuyển sang khu vực hướng về phía khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hoài Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét