Nguyễn Du viết truyện Kiều vào năm mười bốn tuổi?
Trong Thơ quốc âm Nguyễn Du (Nxb Giáo dục, H, 1996), thay vì việc xem "bản Kinh" của Truyện Kiều là bản sách in bởi vua Tự Đức, Nguyễn Thạch Giang đã viết đó chỉ là những bản chép tay bởi các quan văn trong triều. Điều này là rất đúng.
Thế nhưng, cũng trong công trình này, nếu như trước đây (1972), khi viết về việc Phạm Quí Thích "đưa in" Truyện Kiều ở phố Hàng Gai - tức "bản phường" đầu tiên, Nguyễn Thạch Giang còn dùng hai chữ "tương truyền" thì nay, ông lại khẳng định việc đó (1).
Chẳng những thế, ông còn cho biết năm Phạm Quí Thích mang khắc in Truyện Kiều thì Nguyễn Du đã...mười lăm (15) tuổi (Sđd, tr. 14).
Bởi vì ở hai trang sau (17 và 18), ông đã đưa ra tài liệu để chứng minh Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều từ năm 14 tuổi. Tôi xin phép được chép nguyên văn sự trình bày của ông để bạn đọc tiện theo dõi:
"Năm 1771, thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm về trí sĩ, (...) Nguyễn Du cùng mẹ là Trần Thị Tần theo cha về Tiên Điền, suốt thời thơ ấu đến năm 19 tuổi đi thi ra Bắc làm quan.
"Bấy giờ ở Tiên Điền và Trường Lưu có trường học lớn của Tiến sĩ Nguyễn Huệ, anh Nguyễn Nghiễm, bác Nguyễn Du, có Phúc Giang thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nguyễn Du chắc chắn là môn sinh của những trường học lớn này.
Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn. Ảnh Tuổi trẻ |
Lại nữa, Nguyễn Huy Oánh đi sứ năm Ất Dậu (1763) có mang về nhiều sách Trung Quốc. Ta không loại trừ khả năng Nguyễn Huy Tự đã đọc Đệ bát tài tử thư Hoa tiên ký để viết Hoa tiên cũng như khả năng Nguyễn Du đã đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để viết Truyện Kiều trong thời gian ở quê nhà, qua lại thư viện Phúc Giang ở Trường Lưu.
Bản Vương Thúy Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản - Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản vốn lưu giữ tại Viện Văn hóa Trung Bộ mà ta đọc được ở thư viện nhà thờ Quận vương Tôn Thất Hân (Huế) là một chứng cứ.
"Bản này là bản sao lại bản gốc chép tay vào năm Long Phi Kỷ Hợi (1779) Cảnh Hưng thứ 40. Bản sao trên khổ giấy 14x24, gồm 67 tờ tóm tắt thật đầy đủ 20 hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, liền một mạch...
"Chúng ta tin rằng chính bản thư thành 1779 này là do Nguyễn Du tóm lược cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Huy Oánh đã mang từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện trong thời gian Nguyễn Du lui tới học tập (?), nấu sử sôi kinh ở đây (?). Và Nguyễn Du đã dựa vào cuốn truyện đó mà sáng tác truyện Kiều.
"Điều này cũng phù hợp với lời các cố lão ở Tiên Điền và Trường Lưu kể rằng: Nguyễn Du có thói quen nằm đưa võng mà làm Kiều, được câu nào thì ghi lên vách đố, thỉnh thoảng sang Trường Lưu trao đổi với bà con họ Nguyễn Huy, bấy giờ có bà Nguyễn Thị Đài, cháu Nguyễn Du, vợ Nguyễn Huy Tự, giỏi Nôm đã góp nhiều ý kiến cho chú.
Có điều, Nguyễn Du bấy giờ chỉ cảm thấy tài sắc Kiều bị vùi dập mà động lòng trắc ẩn, mới là bản thảo đầu chưa trải qua những lần sửa chữa về sau của chính tác giả, trải qua nhiều lần nhuận sắc của bạn bè (?), của nhân dân (?) để có một bản Kiều hoàn hảo như ngày nay"...
"Bản Biệt hữu diễn âm nhất bản chắc chắn là bản sao của bản Kiều Tiên Điền. Bản này còn nguyên vẹn trong tủ sách của cụ Nghè Mai (...) mà chúng tôi đã có dịp nghiên cứu văn bản từ những năm 1953, 1961, 1962, 1963 trong những lần đi nghiên cứu ở Tiên Điền.
"Chúng tôi cho rằng bản Vương Thúy Kiều truyện này vốn là sách của thư viện Tụ Khuê, hay của thư viện Càn Thành được sáp nhập vào Viện Văn hóa Trung Bộ thành lập vào tháng 10 năm 1945 do cụ Nguyễn Đình Ngân làm giám đốc, bấy giờ cũng chịu chung số phận khi mặt trận Thừa Thiên bị vỡ ngày 9/2/1947.
Tài sản của Viện bị phá hoại nghiêm trọng, sách Hán Nôm đủ loại tản mác trong dân gian và được dùng vào đủ mọi việc kể cả việc đun nấu. May bản Vương Thúy Kiều truyện không bị phá hủy mà được thư viện cụ Tôn Thất Hân lưu giữ.
Gia đình cụ Tôn Thất Hân cho tôi biết chắc rằng thư viện cụ còn một bản Kiều chép tay nằm lạc trong mấy tủ sách lớn còn lại, hiện chưa tìm thấy"(2) (Sđd, tr.17,18,19)
Tôi đã cố gắng ghi hết sức đầy đủ tư liệu, lập luận của soạn giả Thơ Quốc âm Nguyễn Du. Đoạn trích có vẻ khá dài, nhưng không có cách nào khác được. Bạn đọc có thể thấy rồi, vì nghề nghiên cứu văn bản vẫn là rắc rối. Nhưng rối, còn là vì đoạn văn của soạn giả có nhiều chỗ mâu thuẫn.
Chẳng hạn đã nói "bản Vương Thúy Kiều truyện không bị phá hủy" "mà ta đọc được", thì tất nhiên là cái bản Truyện Kiều chép tay kia phải còn chứ sao lại "chưa tìm thấy"? Mà đã "chưa tìm thấy" sao "biết chắc rằng" "còn"?
Bản Kiều "chưa tìm thấy" này có phải là bản Biệt hữu diễn âm nhất bản (riêng có một bản diễn ra thơ Nôm) được đóng liền vào Vương Thúy Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản - như tên tài liệu đã thể hiện chăng?
Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin trình bày sự hiểu của tôi về đoạn văn của Nguyễn Thạch Giang như sau: Soạn giả muốn công bố cho ta biết rằng ông có một tài liệu "sao lại bản gốc chép tay". Bản gốc này được viết vào năm 1779 (tức năm Nguyễn Du 14 tuổi).
Trong bản sao này, có hai văn bản: Một là Vương Thúy Kiều truyện - Cổ Hoan Nghi Tiên Nguyễn gia tàng bản, là bản "Nguyễn Du tóm lược cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân".
Ta có thể hình dung đây là bản tóm tắt 20 hồi sách Trung Quốc mà Nguyễn Du dùng làm "đề cương" để viết Truyện Kiều; Hai là Biệt hữu diễn Nam âm nhất bản, "chắc chắn là bản sao của bản Kiều Tiên Điền" mà soạn giả đã có dịp nghiên cứu từ những năm 1953 đến 1963.
Thế nghĩa là năm 1779, Nguyễn Du 14 tuổi, đã viết xong Truyện Kiều. Đó là bản Tiên Điền!
Nhưng nếu đúng như thế thì sao Nguyễn Thạch Giang lại nói rằng đây "mới là bản thảo ban đầu chưa trải qua những lần sửa chữa về sau của chính tác giả..."? Đây là cái lầm lớn của Nguyễn Thạch Giang.
Tôi không khó khăn gì để chứng minh chắc chắn rằng "bản Tiên Điền" mà Nguyễn Thạch Giang đã nghiên cứu, chỉ là bản chép lại bản in năm 1902 của Kiều Oánh Mậu chứ quyết không thể là "bản thảo ban đầu" của Nguyễn Du vào năm 1779.
Làm sao mà một cậu bé 13 tuổi tang cha chưa xong đã chịu tang mẹ như thế mà có thể nằm võng mà sáng tác được Truyện Kiều khi 14 tuổi?! Mà làm sao cậu ta ở lì tại quê cha từ năm 1771 (7 tuổi) đến năm 19 tuổi mới "đi thi, ra Bắc làm quan" mà lại có thể gặp cụ Tiến sĩ Phạm Quí Thích (1759 - 1825) đúng vào cái năm cụ đỗ Tiến sĩ (1779) để cụ có thể mang in cái Truyện Kiều của tác giả 14 tuổi kia!
Trong việc nghiên cứu này mà cứ đặt toàn giả thiết như "ta không loại trừ khả năng" này "khả năng" nọ; "Chúng ta tin rằng"; Lời các cố lão kể rằng; "Truyện Kiều đã" qua nhiều lần nhuận sắc của bạn bè, của nhân dân"... thì rất nguy. Nguy, là vì cứ tin vào giả thuyết, giai thoại như thế thì khi gặp phải tài liệu rất dễ bị "say", bị mắc cạn trong đó.
Quả thật là Nguyễn Thạch Giang đã dùng phải tài liệu giả đề năm "Long Phi Kỷ Hợi Cảnh Hưng thứ 40" (1779). Giả là giả ở hai chữ LONG PHI này.
Số là, ngày xưa, để ghi các dòng "lạc khoản" trên bia đá hay đề "lạc khoản" - năm, ngày tháng viết tác phẩm, thường thì người ta viết rõ là năm thứ mấy của niên hiệu vua nào.
Thí dụ: trên bia đá khắc "Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thất" tức là năm thứ bảy niên hiệu của triều vua Vĩnh Thịnh (1711).
Cách ghi theo niên hiệu vua (như Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức...) vừa giản đơn vừa không sợ nhầm lẫn, dễ qui ra năm dương lịch; mà người đương thời cũng thấy dễ hiểu vì họ sống ở thời vua nào thì bia đá sách vở ghi niên đại bằng niên hiệu thời vua ấy.
Thế nhưng, ở Việt , ngoài cách ghi niên đại đơn giản ấy lại còn nhiều cách ghi rắc rối khác - trong đó cách ghi theo thuật ngữ tượng trưng cho triều đại.
"Đây là cách ghi đặc thù trong văn bản bi ký nước ta. Hiện tượng này không nhiều về mặt thuật ngữ sử dụng. Chúng tôi mới gặp hai trường hợp là THIÊN VẬN và LONG PHI. Tuy nhiên sự xuất hiện của chúng lại khá phổ biến" (3).
Tìm nguồn gốc và sự xuất hiện của cách ghi niên đại này, các chuyên gia Hán Nôm thấy hai chữ "Thiên vận" xuất hiện vào thời LÊ (nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII).
"Nghĩa của hai chữ "Thiên vận" là "mệnh trời, triều đại hưng thịnh, đã nhờ được mệnh trời". Còn hai chữ LONG PHI đến đời NGUYỄN mới xuất hiện. "Long phi vốn là chữ trong sách Kinh Dịch, chỉ bậc thánh nhân ở ngôi báu. Người đời sau dùng để chỉ bậc đế vương ở ngôi vị cao quí".
Ta dễ dàng tìm thấy hai chữ "Long phi" trên bia đá, sách in sau đời vua Tự Đức.Thí dụ "Trên chuông Đông Dư (Gia Lâm Hà Nội) vừa ghi "Hoàng triều Bảo Đại", vừa ghi "Long phi Giáp Thân".
Tra ra, thì thấy năm Giáp Thân (1944) thuộc triều Bảo Đại. Tra cứu, khảo sát nhiều tấm bia, các chuyên gia Hán Nôm dám khẳng định rằng: chắc chắn hai chữ LONG PHI ra đời " ở giai đoạn cuối Nguyễn mà sớm nhất không thể vượt quá niên hiệuTự Đức được (4).
Thí dụ năm Long Phi Ất Sửu trên bia chùa Phương Viên Hà Nội là năm 1925; cuốn Quốc âm thi tuyển có chép thơ Hồ Xuân Hương khắc in năm "Long Phi Giáp Dần" (tức năm 1914); lần sau khắc lại đề "Long phi Tân Dậu xuân tân san" (tức năm 1921).
Đã nói đến hai chữ "Long Phi", cán bộ viện Hán Nôm ai cũng biết là văn bản đó thuộc vào niên đại "Nguyễn muộn" (tức là từ sau đời Tự Đức - 1848 đến 1883).
Vậy thì hai chữ LONG PHI trên văn bản mà Nguyễn Thạch Giang khai thác đã chứng tỏ đó là văn bản "Nguyễn muộn", văn bản viết sau đời Tự Đức (1848 - 1883). Sau, là vì đời Tự Đức chỉ có các năm Kỷ Dậu (1849), Kỷ Mùi (1859), Kỷ Tỵ (1869), Kỷ Mão (1879) chứ không có Kỷ Hợi. Thế mà sau Tự Đức thì năm Kỷ Hợi là năm 1899. Năm này đã thuộc đời vua Thành Thái (1889 - 1907) rồi!
Thế thì, sớm nhất, văn bản mà Nguyễn Thạch Giang đưa ra phải được viết vào năm 1899 chứ không thể là năm 1779 được.
Tôi còn ngờ rằng: vào năm 1899, chưa ai cố ý cổ hóa văn bản, làm văn bản giả về những sự quanh Truyện Kiều. Nếu cái ngờ của tôi là đúng, thì văn bản này đã được "sản xuất" vào năm Kỷ Hợi (1959) tức là năm thứ 15 niên hiệu Việt Nam dân chủ Cộng hòa!
Rõ ràng là không thể dựa vào văn bản ở nhà thờ Quận vương Tôn Thất Hân (Huế) - một tư liệu mang niên đại giả cổ - để làm chứng cứ cho việc Nguyễn Du vừa nằm võng vừa viết Truyện Kiều từ năm 14 tuổi.
Các cụ bảo: sai một ly đi một dặm. Việc đời đã thế, việc nghiên cứu văn học cổ, văn bản cổ càng là như thế. Rất mệt. Mà viết một bài như thế này, cũng mệt lắm. Mệt, không hẳn chỉ ở lập luận khoa học mà mệt nhiều khi lại là mệt ở cái lẽ "tôi yêu thầy tôi nhưng tôi còn yêu lẽ phải hơn", nên cứ phải vượt qua sự đàm tiếu xì xèo mà viết.
(1) Chúng tôi đã chứng minh: không có bản in này (Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Văn học số 1 năm 1998)
(2) Những dấu (?) xen vào giữa các đoạn văn trích cùng những chữ nghiêng, in đậm là cho chúng tôi. Đ.T.T
(3), (4) Đinh Khắc Thuân: Một số vấn đề về niên đại bia Việt . Tạp chí Hán Nôm số 2/1987.
16/ 5/1998
Đào Thái Tôn
Theo Tạp chí Sông Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét