Dạt dào cảm xúc, lung linh sắc màu
31/12/2009 06:27
(HNM) - Tối qua (30-12), Lễ hội Hoa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc trọng thể tại vườn hoa Lý Thái Tổ.
Tới dự về phía TƯ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành chức năng. Phía Hà Nội có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND thành phố; Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP cùng hàng nghìn người dân và du khách.
Tiết trời Hà Nội những ngày cuối năm 2009 phảng phất mưa xuân, pha chút lạnh se sắt của mùa đông khiến không gian hồ Gươm vốn đã đẹp diệu kỳ nay được khoác thêm chiếc áo hoa nhiều màu sắc càng trở nên lung linh, huyền ảo. Không gian ấy đã mê hoặc lòng người - bởi thế mà dòng người từ miền Nam ra, từ vùng núi phía Bắc xuống, từ Lào, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đã đến dự hội, ngắm hoa trước khi lễ hội được khai mạc trong niềm háo hức lạ kỳ.
Đúng 20 giờ, tiếng trống hội Thăng Long - Hà Nội nổi lên mở màn cho các sự kiện văn hóa, du lịch sẽ diễn ra trong năm Đại lễ 2010 tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hoa trước tượng đài Đức Lý Thái Tổ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng, đại diện cho chính quyền và nhân dân Hà Nội gửi tới bạn bè bức thông điệp: “Năm 2010 là năm tràn đầy niềm tin và hy vọng hướng tới tương lai, đó là kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng quang vinh; 120 năm Ngày sinh Bác Hồ vĩ đại; 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mùng 2-9 và đặc biệt là năm thứ 1000 ra đời kinh đô Thăng Long, vì thế Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa với mong muốn tạo không gian văn hóa và điểm đến du lịch cho nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế...”. Tiếp đó, phần hội của đêm khai mạc đã diễn ra hoành tráng, sôi động với chủ đề “Lung linh sắc hoa Hà Nội”. Nhiều ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Thanh Hoa, ca sỹ Mỹ Dung, Đinh Mạnh Ninh, nhóm Cỏ Lạ cùng các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của TƯ và Hà Nội đã biểu diễn thành công các ca khúc gợi lại ký ức của Thăng Long xưa và lột tả vẻ đẹp của Hà Nội nay...
Những lời ca, tiếng hát như níu chân khách ở lại vườn hoa Lý Thái Tổ lâu hơn để chiêm ngưỡng tác phẩm “Cửu Long thiên sứ” - biểu tượng rồng thiêng cao 6m với 9 rồng chầu được làm từ hoa quả tươi. Không cần phải nói ra, khi xem tác phẩm này, người Hà Nội cũng có thể hiểu được nghệ nhân Nguyễn Văn Làm cùng nhóm thợ đến từ TP Hồ Chí Minh đã mang những cây trái đặc sản của miền Nam dâng lên Đức Lý Thái Tổ. Ngay cạnh biểu tượng rồng thiêng là tác phẩm Chiếu dời đô và bình hoa sen mây của hai nghệ nhân tài hoa trên đất Hà thành.
Ngoài vườn hoa Lý Thái Tổ thì đường Đinh Tiên Hoàng cũng hóa thân thành suối hoa. Suốt từ đoạn đầu Tràng Tiền đến đồng hồ đếm ngược ước có hàng trăm ngàn bông hoa đọ sắc, khoe hương. Nào hồng môn, bắp cải, thủy tiên, nào hoa ly, hoa lan, hoa dơn, nào mẫu đơn, thược dược, thậm chí là cỏ lau, hoa chuối… Nơi níu giữ du khách lâu nhất chính là biểu tượng Thăng Long - Hà Nội ngời sáng được kết từ 2.500 bông cúc vàng, cao 2,5m do Công ty Điện hoa Việt Pháp thực hiện và chiếc áo dài hoa có tà áo dài 10m được nghệ nhân hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng “phù phép” mà thành. Cây cầu Long Biên huyền thoại bắc qua dòng sông Hồng chở nặng phù sa, tàu điện Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX cũng được tái hiện tại đây đưa du khách trở về miền ký ức. “Đó cũng là điểm khác biệt tạo nên sức hấp dẫn của lễ hội hoa năm nay so với các lễ hội hoa trước đó” - ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Trưởng BTC lễ hội khẳng định. Mặt hồ Gươm mênh mông mây trời hôm qua như rực rỡ hơn với bè hoa cúc vàng mang theo con số 1000 năm. Xa hơn một chút, dưới chân đồng hồ đếm ngược là 22 nghìn bông hoa tuylíp đủ sắc màu... Không gian diễn ra lễ hội hoa rộng là thế, nhưng thật vui vì trong ngày đầu trưng bày và cả đêm khai mạc đã không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra do sự thiếu ý thức của người dân. Em Hà Xuân Lạc, được giao nhiệm vụ bảo vệ biểu trưng Hà Nội cho biết: “Từ lúc nhận nhiệm vụ đến giờ chưa có người dân nào cố tình vượt qua dây bảo vệ để sờ hoa hay bẻ hoa, hầu hết họ chỉ đến gần để ngắm hoa và chụp ảnh”. Còn em Lê Thị Thủy, sinh viên tình nguyện đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân nói: “Cả ngày nay em chỉ phải làm mỗi việc giải thích cho nhân dân biết các loại hoa được trưng bày ở đây là hoa gì trong khi nhiệm vụ chính của em là bảo vệ hoa”. Có được những thành công ban đầu đó, theo Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó Chánh văn phòng Công an thành phố Hà Nội là nhờ có sự phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, sự trưng bày các tiểu cảnh, đại cảnh hợp lý hơn, do người dân có ý thức hơn và đặc biệt giao thông được phân luồng nghiêm ngặt, những phố hoa trở thành những tuyến phố đi bộ.
Hẳn những ai đã dự Lễ hội hoa “Chào năm mới 2009” thì năm nay sẽ thấy ấm lòng hơn. Hi vọng rằng sự nền nếp này sẽ được duy trì trong những ngày tiếp sau đó để sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thành công tốt đẹp, để khẳng định bản chất và phong thái hào hoa của người Hà Nội hôm nay.
Thu Hiền
Tối qua, Hội đồng Biên tập Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định công nhận kỷ lục đối với 3 tác phẩm trưng bày trong Lễ hội hoa Hà Nội năm 2009, đó là:
- Tác phẩm "Thiên đô chiếu" được làm từ chất liệu gỗ khảm trai của tác giả Nguyễn Văn Năm, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội).
- Tác phẩm "Bình sen mây" của nghệ nhân Nguyễn Văn Quang, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Nội).
- "Áo dài hoa" của nghệ nhân hoa quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét