Đặc điểm của rau cải
Rau cải có rất nhiều loại, nhưng thông dụng nhất là 3 loại:
Cải canh (Brassica juncea (L.) Czern. et Coss), còn gọi là cải xanh, hoàng giới, trựu diệp giới (cải lá nhăn)...
Cải bẹ (Brassica campestris L.), còn gọi là cải dưa, cải sen, do thái, vân đài...
Cải thìa (Brassica alba (L.) Boiss.), còn gọi là cải bẹ trắng, bạch giới, hồ giới...
Theo Đông y: cải canh và cải thìa là những vị thuốc cay, ấm; có tác dụng thông khí trừ đờm, làm ấm tỳ vị và kích thích tiêu hóa; thường dùng để chữa các chứng ho nhiều đờm, suyễn thở, bụng đầy đau, nôn mửa do lạnh. Hạt cải canh và cải thìa cũng là những vị thuốc cay, ấm; thường dùng chữa ho, đờm nghẽn tắc ở cổ họng, suyễn thở, ngực sườn đầy tức đau, ăn vào nôn ngược trở lại (phản vị ẩu thổ), trúng phong không nói được, chân tay đau nhức tê dại, cước khí, ung nhọt, thũng độc, chấn thương sưng đau...
Cải thìa. |
Một số bài thuốc dùng rau cải
Chữa cảm mạo: dùng rễ cải thìa 50g - rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, thái lát, đường đỏ 30g, sắc nước uống trong ngày (Theo Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa ho gà: dùng rễ cải thìa 2 cái, đường phèn 30g, sắc nước uống trong ngày (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Viêm phế quản, suyễn thở: dùng hạt cải canh (sao) 3 - 6g, hạt củ cải (sao) 6 -9g, vỏ quít 6g, cam thảo 6g, sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa viêm loét chân răng: dùng rau cải canh thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, ngày bôi vào chân răng 3 - 4 lần (Thực vật dược dụng chỉ nam).
Xuất huyết do viêm loét đường tiêu hóa: dùng cả cây cải thìa giã vắt lấy nước, hâm cho âm ấm, ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần một chén (khoảng 30ml) (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa viêm loét khoang miệng, viêm lưỡi: dùng rễ cải thìa gọt bỏ vỏ già ở ngoài, thái lát, sao nhỏ lửa cho vàng thẫm, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày lấy bột thuốc bôi vào chỗ bị bệnh 2 - 3 lần. Đã thử nghiệm điều trị 100 ca, kết quả rất tốt: thông thường sau 3 - 4 ngày là khỏi bệnh. Đối với trường hợp vết loét trong khoang miệng đã ăn sâu cần bôi thuốc nhiều ngày hơn (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Kiết lị ra máu, bụng đau, bồn chồn: dùng cải bẹ cả cây, rửa sạch, giã vắt lấy 2 chén nước, hòa thêm 1 chén mật ong vào, hâm nóng uống (Phổ tế phương).
Chữa viêm thận: dùng rau cải canh tươi 150g (khô 50g), đổ ngập nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa 25 phút, sau đó đập 1 quả trứng gà vào, trộn đều, sau khi canh chín thêm chút muối; Mỗi ngày ăn một lần sau bữa cơm trưa, liên tục trong nhiều ngày, hoặc có thể dùng cải canh khô sắc nước uống thay trà (Thực vật dược dụng chỉ nam).
Hành kinh đau bụng do huyết ứ: dùng hạt cải bẹ 9g, hồng hoa 9g, diên hồ sách 9g, đan sâm 15g, xích thược 12g, hương phụ 12g sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Sản hậu đau bụng do huyết ứ: dùng hạt cải bẹ (sao) 6g, đương quy 9g, quế 4,5g; sắc nước uống (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa sản máu hôi ra không ngừng, bụng ngực đau nhói: dùng hạt cải bẹ (sao), quế - hai vị liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, dùng giấm nấu với bột mì thành hồ, trộn với bột thuốc làm thành viên to bằng hạt nhãn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần uống 1 - 2 viên, chiêu thuốc bằng rượu ấm (Tố thực phổ hòa trung thảo dược phương).
Chữa sản hậu chóng mặt: dùng hạt cải bẹ, sinh địa (khô) - hai thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g bột thuốc, gừng tươi 7 lát, rượu, đồng tiện và nước - mỗi thứ nửa chén, sắc cạn còn 7 phần uống (Ôn thị hải thượng tiên phương).
Phụ nữ sau khi sinh ít sữa: dùng cải bẹ cả cây, giã đắp lên vú (Nhật dụng bản thảo).
Chữa ung thũng, hậu bối, nhọt mọc ở cổ: dùng lá cải bẹ sắc nước uống hoặc nấu thành các món ăn. Cũng có thể dùng giấy ẩm bọc cải bẹ, hơ nóng, chườm lên chỗ bị nhọt (Thiên kim phương).
Lương y HUYÊN THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét