Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Giáo hội Công giáo với Năm Thánh

Giáo hội Công giáo với Năm Thánh

Lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện gần Hà Nội

Qua các diễn văn, huấn từ, bài giảng trong dịp lễ Bấm Khai mạc Năm Thánh hôm 23/11 vừa qua tại Sở Kiện, Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến Sám hối - Hòa giải, một trong các chủ đề của Nam Thánh và mời gọi tín đồ sống tâm tình ấy.

Xin lỗi đồng bào

Đặc biệt, cũng qua dịp lễ đại lễ này, ngoài việc xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã xin lỗi anh chị em đồng bào một cách công khai, chính thức và tập thể.

Lời diễn nguyện của nghi thức Sám hối - Hòa giải tại đêm Diễn nguyện Khai mạc Năm Thánh đã nói:

"Chiều hôm nay, toàn thể giáo hội Công giáo Việt Nam muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh. Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi chưa đủ hòa mình và đồng hành. Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chúng tôi chưa đủ quan tâm."

Đã đến lúc người Việt nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến...

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh

Trong bài giảng tại Thánh Lễ Khai mạc, , phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lặp lại lời xin lỗi đó.

"Chúng tôi muốn nói lời xin lỗi với tất cả những ai, cách này hay cách khác, đã không hài lòng về người công giáo và về Giáo Hội Công giáo."

Vì sao phải xin lỗi?

Khiêm tốn nhận mình có lỗi và xin được hòa giải, đặc biệt khi làm điều đó một cách công khai và tập thể, không phải là chuyện dễ dàng và ai hay tổ chức, hoặc đoàn thể nào cũng có thể làm được.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng bỏ hận thù, hiềm khích để hàn gắn những viết thương do xung đột, chiến tranh gây nên, hay để hòa giải, hòa hợp dân tộc thật không dễ dàng chút nào. Vì để có hòa giải thực sự cần phải có can đảm, hy sinh, cần phải bỏ những tính toán, vụ lợi cá nhân, phe nhóm và biết đặt việc chung, lợi ích chung, quyền lợi dân tộc, đất nước lên trên hết.

Biết khó vậy nhưng tại sao Giáo hội Việt Nam lại mạnh dạn nói lên lời xin lỗi một cách công khai và tập thể như vậy trong một dịp đặc biệt của Giáo hội?

Trước hết, mặc dù được mời gọi sống yêu thương, sống hợp nhất, mặc dù được mời gọi nên thánh, nhưng Giáo hội ý thức rằng là phận người, là một cộng đoàn đang trên đường lữ hành, đang sống trên trần thế, với tư cách là cá nhân hay cộng đoàn, Giáo hội không thể không có những sai lầm, thiếu sót.

Hơn nữa, không chỉ ý thức được ‘phận người’ và những bất toàn của mình, Giáo hội cũng hiểu rõ rằng chỉ khi khiêm tốn nhận lỗi của mình và xin được hòa giải, hoán cải, Giáo hội mới có thể trở thành khí cụ bình an, trở nên chứng nhân của Tin Mừng.

Trong Diễn văn Khai mạc Năm Thánh, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn, Chủ tịch HĐGMVN nhấn mạnh:

"Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm thiếu sót đó, chân thành xin Chúa và mọi người tha thứ, để với tâm hồn thanh thản, chúng ta mạnh mẽ tiến lên trên con đường loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng bào của mình."

Vụ xử giáo dân Thái Hà đã gây căng thẳng trong quan hệ Giáo hội và chính quyền

Thông điệp hòa giải

Có phải khi mời gọi nhận lỗi và hòa giải, và hình thức, công khai và xin lỗi tập thể như vậy, Giáo hội cũng ý thức và muốn nhấn mạnh rằng hòa giải là điều mà xã hội, đất nước, thế giới đang cần?

Trong Diễn văn của mình, Đức Hồng y Etchegaray đã nói:

"Hòa giải – đó là một từ mà cả thế giới này đều mong ước và hết sức cần thiết. Bởi thế giới này đang bị chia rẽ bởi biết bao vấn đề khác nhau. Ngày nay có sự khác biệt rất lớn giữa những con người khác nhau."

Những gì đã và đang xảy ra đây đó trên thế giới chứng minh điều đó. Chỉ vì hận thù, hiềm khích, nghi kỵ, ghen tỵ, chỉ vì không dám can đảm thừa nhận sai phạm, thiếu sót hay sai lỗi của mình, chỉ vì không đặt quyền lợi chung lên trên tất cả, bất ổn, xung đột và chiến tranh đã xảy ra.

Lịch sử cũng cho thấy rằng một xã hội, một dân tộc, một đất nước sẽ không có ổn định, sẽ không thể phát triển, giàu mạnh, sẽ không có hòa bình thực sự, nếu thiếu vắng sự hòa giải, hòa hợp.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, đất nước đã ‘thống nhất’ nhưng vì lý do lịch sử, vì cố tình hay vô ý, hình như giữa người Việt với nhau vẫn còn những ngăn cách về chính trị, tôn giáo, địa lý.

Phải chăng đã đến lúc cần dẹp bỏ những rào cản ngăn cách ấy?

Còn Đức Cha Linh thì nêu:

"Đã đến lúc người Việt nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và tư lợi."

"Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia sẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng bước vào tương lai."

Sám hối - Hòa giải không chỉ là điều mà Giáo hội Việt Nam muốn sống trong Năm Thánh 2010 này mà còn là một lời mời gọi, một thông điệp mà Giáo hội muốn nhắn gửi tới mọi người Việt Nam, không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng trong dịp lễ đặc biệt này.

Bài viết thể hiện quan điểm của Đoàn Xuân Lộc, một nhà nghiên cứu theo Công giáo tại Anh Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét