Báo cáo về thực trạng cung - cầu lao động VN của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy thực tế chênh lệch lớn trong thu nhập bình quân của lao động tại VN. Thu nhập bình quân là một trong những biểu hiện của sự phân hóa xã hội. Và vì thế, câu hỏi đặt ra là chênh lệch về thu nhập có thực đang phân hóa xã hội của VN ?

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, lương bình quân cao nhất thuộc về ngành hàng không với mức 13 triệu đồng, ngành dầu khí đứng thứ hai với mức 12 triệu đồng. Ở mức trung bình là tài chính, khai thác than, viễn thông, điện. Thấp nhất về thu nhập bình quân là các ngành thủy sản (1,1 triệu VND), dệt may và da giày (1,3 - 1,4 triệu VNĐ). Tỷ lệ chênh lệch thu nhập bình quân giữa ngành cao nhất và thấp nhất là 10 lần. Vậy thì tỷ lệ này là thấp, hay là cao ?

Xét về hàm lượng công nghệ, yêu cầu trình độ... thì có thể thấy các ngành như hàng không, viễn thông, y tế... đều có yêu cầu cao hơn hẳn so với lao động ngành da dày, dệt may, nuôi trồng thủy sản... Và do đó, đương nhiên phải chấp nhận thực tế thu nhập bình quân giữa các ngành này sẽ chênh lệch, thậm chí chênh lệch lớn. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có hơn 44 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Trong đó, có khoảng 52% lao động đang làm việc trong ngành nông nghiệp. 48% số lao động còn lại đang làm việc trong những ngành phi nông nghiệp như dịch vụ, xây dựng, công nghiệp, vận tải... Tuy nhiên, có trên 70% số lao động chỉ tìm kiếm được những việc làm không ổn định, thu nhập thấp.

Về lý thuyết, xét tương quan giữa lương tối thiểu Nhà nước quy định (650.000 VND/người tháng với DN trong nước, 750.000 VND/người/tháng với DN có vốn FDI) với thực tế thu nhập đã được khảo sát, thì có thể thấy rằng ngay với thu thấp thấp nhất (1,3 – 14 triệu VND/người/tháng) người lao động cũng... đủ sống. Cũng có nghĩa nếu xét trên tương quan này, thì VN hoàn toàn có thể tự hào đã tạo thu nhập cho người lao động vượt trên mức xác định là đủ sống. Nhưng chắc chẳng có ai tự hào về điều đó. Đơn giản vì thực tế được thừa nhận phổ biến là mức lương tối thiểu (LTT) hiện nay không đủ sống. Mức lương tối thiểu do Nhà nước nghiên cứu và ban hành đang được hiểu theo nghĩa người sử dụng lao động không được trả thấp hơn mức quy định, chứ không phải theo nghĩa đảm bảo thu nhập tối thiểu đủ để người lao động tự nuôi thân. Và đây chính là khác biệt có tính chất quyết định tới thu nhập của người lao động ở ta.

Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về LĐ là tiền lương do DN và người LĐ tự thỏa thuận, miễn không thấp hơn LTT là được. Quan điểm này quả thật rất "mở", nhưng chỉ là... lý thuyết. Đáng ngại hơn, với điều kiện xã hội hiện nay, quy định trên lại tạo lợi thế cho nhiều DN trong việc thỏa thuận mức lương đối với người LĐ. Trên thực tế, hầu hết người LĐ, nhất là LĐ công nghiệp thường chấp nhận mức lương do DN ấn định.

Một DN có vốn nước ngoài sử dụng hơn 50.000 LĐ tại Q Bình Tân, TP HCM xây dựng thang, bảng lương với đa số người LĐ có mức lương cao hơn LTT chỉ 8%. Mức lương hiện nay là 1,2 triệu đồng, nhân với hệ số lương 1,08. Từ 1/1/2010, mức LTT tăng lên 1.340.000 đ thì mức lương của người LĐ tăng chưa đến 150.000 đ/tháng. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của giá cả qua hàng năm. Còn đối với DN có vốn trong nước thì mức tăng càng thấp bởi LTT đối với DN trong nước thấp. Đối với những DN trả lương không theo thang bảng lương giống như DN nhà nước thì họ cho rằng không cần phải tăng lương. Lý do họ đưa ra là tiền lương họ thỏa thuận với người LĐ đã cao hơn LTT thì không lý do gì họ phải tăng theo LTT. Thực tế, nhiều DN khi tăng lương cho người LĐ theo LTT thì họ giảm chi phí bằng cách cắt giảm các loại phụ cấp khác. Chính điều này đã gây rất nhiều tranh chấp LĐ trong thời gian qua.

Nói điều này để thấy, báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH về thu nhập bình quân vừa công bố chỉ cho thấy thực tế đáng buồn. Đó là chính sách lương cơ bản của Nhà nước hiện không phản ảnh đúng bản chất của thu nhập người lao động trong xã hội. Vì nếu tính mức thu nhập tối thiểu đủ sống dựa trên mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, thì tuyệt đại đa số lao động tại VN đều có thu nhập bình quân không đủ sống. Sự “cứng” hóa của cơ chế lương tối thiểu đã dẫn tới chênh lệch cực lớn trong thu nhập so sánh giữa các ngành hoạt động. Trong khi lại không phản ảnh được kết luận cơ bản, chênh lệch ấy đã đảm bảo cho bao nhiêu phần trăm lao động toàn xã hội đủ sống với thu nhập bình quân của mình.

Quốc Dũng