Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Chuyện của ba người gốc Việt…

Chuyện của ba người gốc Việt…

Năm 2009 là năm của khá nhiều điều kỳ lạ.

Nào là chuyện cả thế giới chạy mướt mồ hôi, sôi nước mắt hòng thoát ra khỏi lưỡi hái của vị thần khủng hoảng kinh tế. Nào là vị “tổng thống chiến tranh” Barack Obama – TT Mỹ da đen đầu tiên, vừa gửi tiếp 34.000 quân sang để tiếp tục chiến tranh ở Afghanistan, nhưng lại vừa đến Oslo để nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Nào là chuyện 17.000 người từ 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung về Copenhagen (Đan Mạch) để mong mỏi có một điều: Cứu trái đất khỏi thảm họa “Ngày tận thế” vì sự biến đổi mang tính hủy diệt của khí hậu trái đất…

Ông Philip Roesler

Ông Philip Roesler là người gốc Việt đầu tiên thành bộ trưởng ở Đức

Thế nhưng, có lẽ đối với người Việt Nam chúng ta – dù đang sống ở bất cứ nơi đâu dưới gầm trời này, thì chuyện thành đạt của ba người gốc Việt là đáng để ngẫm suy, đáng để trăn trở nhiều nhất.

Đó là Phillip Roesler, nguyên là một đứa trẻ mồ côi ở Khánh Hòa, nay là đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế của Cộng hòa Liên bang Đức; là Jacqueline Nguyễn – người được Thượng viện Hoa Kỳ đồng thuận bỏ phiếu chấp nhận là Thẩm phán Liên bang hôm 1.12 để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ hết sức quan trọng này; và, tin mới nhất ngày 10.12.2009, tờ báo có uy tín Time, đã bầu chọn GS Ngô Bảo Châu, với công trình Bổ đề cơ bản chương trình Langland là một trong 10 phát minh quan trọng nhất của năm!

Có lẽ, kể từ khi thế kỷ XXI bắt đầu, chưa bao giờ người Việt lại tự hào nhiều hơn thế khi ở 3 quốc gia khác nhau – Đức, Mỹ và Pháp, đều đồng thuận tôn vinh và trao trọng trách cho những người Việt như là sự mặc nhiên khẳng định giá trị tinh hoa (élite) của trí tuệ và nhân cách Việt.

Những thành công đó, dù quy chiếu hay “soi” xét dưới bất kỳ góc độ nào cũng đủ để chứng minh rằng những gì cần nhất cho những phẩm cách, năng lực của nền văn minh hiện đại, người Việt Nam chúng ta đều có khả năng để đáp ứng một cách đủ đầy.

Hết vui lại buồn

Đó thực sự là một niềm vui lớn, có ý nghĩa đặc biệt với mọi người Việt – nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, dù vui và tự hào bao nhiêu đi nữa, chúng ta – những người Việt Nam đang sống trên quê hương mình, cũng không khỏi có chút ngậm ngùi…

Có không ít những nỗi buồn liên quan đến chuyện 3 người

Trước tiên, ta chợt nghĩ và chạnh lòng rằng trong Chính phủ chưa có một lãnh đạo cấp bộ, thứ trưởng nào ở lứa tuổi 37-38 như Roesler? Phải chăng ta không dám cất nhắc những tài năng giỏi giang? Phải chăng vì những nguyên nhân khác; chẳng hạn như sự liên thông quyền lực “cận huyết” (từ dùng của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, theo lời của con trai ông, Phan Thanh Nam), đã và đang tạo nên cái căn nguyên bỏ sót nhiều tài năng đích thực?

Người Việt có đủ mọi tố chất cần thiết để xây dựng được một đất nước mạnh giàu. Vậy, tại sao đến bây giờ điều đó vẫn là chưa?

Hà Văn Thịnh

Điều buồn thứ hai liên quan đến lời phàn nàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây mấy ngày. Theo Thủ tướng, ông rất muốn Việt Nam có nhiều luật sư giỏi để đủ sức cạnh tranh với người ta về năng lực; có như thế mới bảo vệ tốt quyền lợi của Việt Nam trong các vụ kiện tụng liên quan đến yếu tố nước ngoài. Jacqueline Nguyễn chắc chắn là một luật sư tài giỏi.

Điều buồn thứ ba là chuyện đất nước có hàng ngàn, hàng vạn TS, GS nhưng công trình khoa học đáng giá hàng năm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, những bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín của nước ngoài thua xa người Thái, người Sing hàng chục dặm. GS Ngô Bảo Châu không chỉ là một trong những người giỏi nhất mà rất có thể, ông sẽ được nhận giải thưởng Fields – được coi là tương đương với giải Nobel trong toán học(!)

Trong 3 người Việt danh giá ấy, Jacqueline Nguyễn là người “già nhất” (44 tuổi), còn Roesler và Ngô Bảo Châu đang sắp sửa bước sang tuổi 38! Quả thực, đó là tuổi quá trẻ trên con đường chính trị và khoa học.

Những nỗi buồn có nhiều lắm bởi nó liên quan đến rất nhiều chuyện như cách thức tuyển chọn và sử dụng hiệu quả tài năng; những sai lầm và thiển cận của hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta đang “góp phần” làm thui chột tài năng; cách dạy và học về luật pháp trong các trường đại học của chúng ta vừa khô cứng, vừa kinh viện và vừa thiếu tính thực tế trầm trọng…

Rất thiết tha tin tưởng rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ nhìn thấy – ghi nhận giá trị đích thực của “chuyện 3 người” để tìm ra cách đi, cách nghĩ đúng đắn, sao cho, một ngày không xa nữa, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có quyền sánh vai với các cường quốc năm châu.

Người Việt có đủ mọi tố chất cần thiết để xây dựng được một đất nước mạnh giàu. Vậy, tại sao đến bây giờ điều đó vẫn là chưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét