GS. Ngô Bảo Châu: 'Tôi hơi bất ngờ'
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Ngô Bảo Châu, người mà công trình toán học vừa được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009, cho BBC Việt ngữ hay, ông bất ngờ trước tin này.
"Quả thực là tôi bất ngờ. Tôi nghĩ ở đây có thể có một yếu tố ly kỳ nào đó khiến Time quan tâm chăng, vì bài toán này đã được ông Langlands đặt ra cách đây suốt 30 năm như những giả thuyết và người ta đã không chứng minh được nó,"
"Và bây giờ khi bổ đề cơ bản đã được chứng minh, thì người ta thở phào nhẹ nhõm," Giáo sư Châu nói với BBC hôm 13 tháng 12 từ Hoa Kỳ.
Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng.
GS. Ngô Bảo Châu
Ngày 9/12/2009, Tạp chí Time đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langlands (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) bên cạnh một loạt các phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại.
Một số sáng chế khác mà công trình "Bổ đề cơ bản" của Giáo sư Châu được xếp bên cạnh là: Ardi - thủy tổ của loài người, Giải mã gene di truyền ở người, Phát hiện nước trên mặt trăng, Hệ thống ngoại tuyến nguyên tử, Máy gia tốc hạt lớn v.v...
"Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng," ông Châu, Giáo sư toán học tại Đại học Paris Sud 11 của Pháp chia sẻ.
"Theo tôi hiểu, Tạp chí Time đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia các ngành khác nhau về đâu là những bài toán, công trình khoa học nổi bật của năm, và một số người đã đưa công trình của tôi cho Time để họ biết."
'Không lý giải được'
Mặc dù làm việc ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua, Giáo sư Châu, người từng được được mời làm Giáo sư tại Pháp khi mới 32 tuổi, vẫn theo dõi sát tình hình phát triển ở Việt Nam.
Ông cho biết đã hơn nửa năm, bức thư của ông ngày 29/5 từ Mỹ, gửi Quốc hội Việt Nam, kiến nghị về dự án Bauxite vẫn chưa nhận được câu trả lời.
"Tôi không lý giải được vì sao, nhưng tôi vẫn hy vọng đến một ngày nào đó, Quốc hội sẽ có câu trả lời chính thức cho bức thư mà tôi viết."
Giáo sư Châu, người đang được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Hoa Kỳ) cũng cho biết quan điểm của mình về việc giới trí thức đóng góp, phản biện về dự án khai khoáng của Chính phủ trong suốt năm nay.
Mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác.
GS. Ngô Bảo Châu
"Tôi không nghĩ tới chuyện vấn đề có thể đảo ngược được hay không. Nhưng chuyện phát biểu ý kiến, tôi nghĩ, mỗi người đều có quyền suy nghĩ độc lập," đồng chủ nhân giải thưởng về toán học Clay 2004 nói.
Trong bức thư gửi Quốc hội Việt Nam, ông Châu đề cập tới chính sách mà ông gọi là "thực dân mới" của chính quyền Trung Quốc liên quan tới khai thác khoáng sản trên quy mô toàn cầu và cảnh báo về dự án Bauxite tại Tây Nguyên: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh."
Nhà toán học trẻ tuổi cho rằng mặc dù không phải chuyện gì cũng nên có ý kiến, "những chuyện như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu làm sai thì không sửa được."
"Vì vậy, mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác."
'Không biết lắng nghe'
Ứng viên được đề cử cho Giải thưởng Fields 2010, tương đương với "Nobel", trong ngành toán học, cũng bình luận về hành vi, ứng xử của giới có trách nhiệm khi nhận được các đóng góp của giới trí thức. Ông nói:
"Còn đối với những người đã được những người khác có ý kiến mà không tiếp thu, thì đấy là trách nhiệm của họ."
Ông Châu cũng cho hay ông có theo dõi sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), một Viện nghiên cứu và phản biện chiến lược của tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A đứng đầu, giải thể sau khi Viện này cho rằng một quyết định quản lý khoa học của Chính phủ ban hành năm nay là bất hợp lý.
Nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác.
GS. Ngô Bảo Châu
"Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở."
"Bởi vì chỉ muốn nghe những ý kiến mà mình muốn nghe thì không bao giờ có thể làm đúng được."
Tuy nhiên ông Ngô Bảo Châu tin rằng các ý kiến đóng góp tâm huyết và thẳng thắn của các trí thức trong và ngoài nước đối với các chính sách phát triển của đất nước vẫn có tác dụng nhất định:
"Có thể trong một thời điểm nào đó, nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác," ông khẳng định.
Ông Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, là Giáo sư Đại học Paris 11, thành viên Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, Hoa Kỳ, nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay năm 2004, là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Báo cáo viên toàn thể tại Đại hội toán học Thế giới, đồng thời là ứng viên được đề cử cho giải thưởng danh giá về toán học Fields 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét