Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Nhà thơ Vương Trọng và "Hà Nội của tôi"

Nhà thơ Vương Trọng và "Hà Nội của tôi"
Cập nhật lúc 11h50" , ngày 22/12/2009 -

(VnMedia) - Sinh ra ở Nghệ An nhưng lại có tình yêu mãnh liệt với Thủ Đô Hà Nội. Vì thế, trong những ngày cả nước đang hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - nhà thơ Vương Trọng đã hoàn thành tác phẩm khá đồ sộ đối với bản thân, đó là trường ca Hà Nội của tôi.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với thủ đô, tình yêu con người, những góc phố, cảnh vật Hà Nội đã thấm sâu trong người đại tá quân đội Vương Trọng từ lúc nào không hay. Một loạt các tác phẩm thơ, bút ký về Hà Nội đã lần lượt ra đời và đặc biệt nhất, mới đây là Trường ca “Hà Nội của tôi” viết về Hà Nội dưới góc độ chiến tranh đã để lại xúc cảm sâu đậm trong lòng độc giả.

Ảnh minh họa

Nhà thơ Vương Trọng


Cái duyên với nghiệp văn chương

Sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc làng Đông Bích, Đô Lương, Nghệ An. Nơi đó, những đứa trẻ lên cấp hai vẫn có thể mặc quần đùi, đi chân đất 4-5 cây số để đến trường, nơi có lớp học là những nhà tre, lợp gianh, vách nứa. Kháng chiến chống Pháp, làng Đông Bích được chọn làm nơi đặt trụ sở của Hội Văn nghệ cứu quốc Liên khu 4. May mắn được biết đến những văn nghệ sĩ rất nổi tiếng của đất nước như: Thanh Tịnh, Hoài Thanh, Chế Lan Viên... Niềm đam mê sáng tác và thưởng thức văn thơ đã truyền vào cậu bé Trọng từ lúc nào không hay.

Lên lớp 6, Vương Trọng đã thuộc lòng cả tập “truyện Kiều”. Ông kể: “Còn nhớ như in những lần được xem các văn nghệ sĩ tổ chức đọc thơ, bình thơ hoặc biểu diễn văn nghệ ở sân khấu dựng trên ruộng mạ đầu làng,... Dù còn nhỏ nhưng tôi đã say sưa nghe và thuộc từng lời. Có lẽ đó là một trong những mạch nuôi dưỡng nguồn thơ cho đến tận bây giờ”.

Tốt nghiệp Tổng hợp Toán, năm 1965, đại tá Vương Trọng làm thám mã tại Cục Quân báo, làm nhiệm vụ dò tin tức của địch. Những ngày sống ở rừng núi Ba Vì, đóng góp được nhiều nhất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng ông vẫn tranh thủ sáng tác thơ.

Chùm ba bài: "Bài thơ nằm võng", "Hội vật quê tôi" và "Hoa trầu" sáng tác thời kỳ ấy mang đến giải ba cuộc thi Thơ của Báo Văn nghệ Quân đội. Đây có lẽ chính là cái mốc kích thích nhà thơ Vương Trọng sáng tác nhiều hơn. Tháng 4 - 1974, nhờ "sáng kiến" của nhà thơ Chính Hữu điều Vương Trọng đi B sáng tác, ông chuyển về làm việc tại Báo Văn nghệ Quân đội. Những ngày đất nước chìm trong ngút ngàn khói lửa, ở cương vị của một nhà báo, một chứng nhân lịch sử, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ ông đã bất chấp mọi hiểm nguy xông xáo, lăn lộn khắp các điểm nóng của đất nước để "chép sử bằng thơ", ghi lại được nhiều hình ảnh về cuộc chiến đấu ngoan cường và khốc liệt đất nước.

Ký ức về những năm tháng lịch sử

Nảy ra ý tưởng và bắt tay vào viết trường ca “Hà Nội của tôi” từ năm 2003 và hoàn thành năm 2008. Nhưng đến khi nhà nước có cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là dịp Trường ca “Hà Nội của tôi” được tham gia hưởng ứng. Trường ca gần 1.300 câu, gần 10 chương, tuỳ theo nội dung và cảm hứng, ông đã sử dụng linh hoạt nhiều thể thơ: Thơ tự do; thơ lục bát; thơ bậc thang và cả thơ văn xuôi.

Ông tâm sự: “Tôi viết trường ca Hà Nội của tôi không chỉ vì hưởng ứng cuộc thi, mà đó là tình yêu bao la với Hà Nội, và hơn cả là tôi muốn nhắc lại ký ức về một thời oai hùng nhưng cũng nhiều nước mắt của thủ đô, “thành phố vì hòa bình”. Trường ca Hà Nội của tôi đã khái quát một thời kỳ lịch sử từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Thủ đô (1946) cho đến lúc kết thúc chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" của thời kỳ chống Mỹ. Hai mươi bảy năm so với hàng ngàn năm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội thì quả là ngắn ngủi, nhưng đây lại là những năm tháng của một thời kỳ đầy đau thương nhưng rất đỗi anh hùng. Cốt truyện là cuộc đời của cậu con trai của một người lính cảm tử Hà Nội sinh ra vào mùa đông năm 1946 - khi cuộc chiến tranh miền Bắc và đặc biệt là thủ đô Hà Nội đang diễn ra ác liệt. Sau đó, lớn lên cậu bé trở thành một sĩ quan tên lửa bảo vệ vùng trời Thủ đô”.

Ảnh minh họa

Cảm tử quân Hà Nội - một trong những hình ảnh đẹp trong thơ Vương Trọng


Ông đã nhìn Hà Nội trong con mắt vừa của một nhà thơ vừa của một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc. Bởi thế, những giai điệu và ca từ thẳm sâu, tinh tế, hào hoa và chứa đựng tinh thần của lịch sử và văn hóa của thủ đô Hà Nội hiện lên rất thật, rất gần gũi, rất oai hùng và cũng rất Hà Nội. Chỉ có những ngày chiến tranh Hà Nội mới có hình ảnh: "Đêm mẹ đau trở dạ sinh” con trong lúc cha lại đang bận "đục tường thông đường” giữa các nhà trong khu phố cổ. Chỉ có chiến tranh HN mới có hình ảnh: "Những bàn chân đóng dấu bãi sông Hồng/ Mắt ơi đừng ngoái nữa rưng rưng/ Cắn chặt đôi hàm răng/ Thầm hẹn ngày về Hà Nội”.

Với nhà thơ Vương Trọng, người Hà Nội đẹp, thanh lịch nhưng hơn cả là cái đẹp ở tâm hồn, những con người sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của Thủ đô. Bom ba càng trở thành hình ảnh đẹp đẽ tượng trưng cho những người chiến sĩ quyết tử vì Thủ đô những năm 1946. Chiến sĩ cảm tử cầm chắc hy sinh sau khi bom nổ, nhưng đối với mỗi chiến sĩ cảm tử đó lại là niềm vinh dự lớn lao. "Cha dạng chân ngồi lau bom ba càng” trong khi miệng vẫn hát, vẫn rất lạc quan. Biết chồng vì đất nước vì thủ đô, người mẹ dù đau đớn nhưng chỉ "ngoảnh mặt đi/lau nước mắt”. Nghĩa cử đó đã là sự động viên tinh thần lớn của Tổ quốc trước sức mạnh quân sự của địch.

Những người cha ra đi để lại người vợ và những đứa trẻ lớn lên cùng với những tiếng rao đêm "Ai lạc rang, ngô rang, hạt dẻ”, với "Hoa sen thơm tận chợ Ngọc Hà”, "Đền Trấn Vũ gió hồ thổi rượi”, đẹp là vậy, thi vị là vậy nhưng cùng với đó "vẫn giật mình tiếng súng vỡ màn đêm/ xe quân cảnh tăng tốc và tiếng hét”. Những người mẹ ôm con vào lòng không muốn tâm hồn trẻ thơ "nhuộm” tiếng súng. Để rồi những đứa con "mang dòng máu quyết tử chạy râm ran trong huyết quản” lại nối tiếp cha ba lô nhập ngũ mang theo cả tình yêu đất nước, quê hương, thủ đô yêu dấu, với hình ảnh về những ngôi nhà trong khu phố cổ "thấm máu cha cùng đồng đội thuở xuyên tường”, với văn Miếu, hồ Gươm, vườn hoa Thống Nhất, Bách hoá Tràng Tiền... và cả em - cô gái Hà Nội với tà áo dài, "đôi má ửng hơi men”.

Như có sự hẹn trước, năm 1972, cậu bé năm xưa đã vinh dự có mặt trong chiến dịch B52 trên bầu trời Hà Nội. "Điện Biên Phủ trên không" như một thiên phóng sự bằng thơ, mang tính chất sử biên niên, với những thời điểm chính xác tới từng phút, với những con số đã trở thành số liệu lịch sử. Ta đã thắng, nhưng... hình ảnh bom B52 dội đêm 26.12, tất cả đều trở nên hoang tàn, đổ nát. Biết bao gia đình phải chịu cảnh đau thương, tang tóc.

"Người dân xóm nhỏ An Dương/ giấc ngủ nối liền cái chết”, thi hài xếp dọc đê Yên Phụ/Mẹ chết con còn khóc đòi bú”. "Bom rơi vào bữa cơm dân làng Uy Nỗ/ Xác người tung lên cùng xoong nồi, bát đũa...”. Còn bệnh viện Bạch mai, nhiều bệnh nhân chưa kịp sơ tán cùng một số bác sĩ trực chiến bị bom vùi lấp, bệnh viện gần như bị tê liệt, chỉ còn những đống gạch vụn, đổ nát. Những mất mát đó không gì có thể bù đắp được.

Kết thúc câu chuyện là cuộc sống yên bình "Khi gặp bất ngờ tiếng chổi/ Nhẹ nhàng quét bình minh” nhưng tác giả vẫn "Ước chi cha về lại một lần/dạo bước giữa phố phường thanh thản”.

Trong 1.000 năm Thăng Long lịch sử, đã bao lần sự yên bình của thủ đô bị chà đạp là bấy nhiêu lần người dân thủ đô đứng lên tiến hành kháng chiến bảo vệ mảnh đất Thăng Long. Và lần nào cũng vậy, văn hoá Thăng Long và ý chí quật khởi của con người Thăng Long đều chiến thắng. Điều mà Nhà thơ Vương Trọng luôn nhắc với tôi - lớp trẻ được sinh ra trong thời bình: "Để có "Đến tươi xanh thành phố Hoà Bình”, "Máu Hà Nội” đã "trải hồng bao cuộc chiến”. Tôi luôn nghĩ về trách nhiệm công dân của nhà thơ vì thế luôn muốn cho thơ mình có ích. Một bài thơ hay để cho người đời ngẫm ngợi cũng là có ích...”.


Bích Hường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét