Yêu nước và bóng đá
Trước giờ bóng lăn trong trận chung kết bóng đá nam Sea Games 25, cả Việt nam chắc ăn đội tuyển U-23 sẽ đoạt huy chương vàng sau 50 năm chờ đợi.
Thật khó tả đầy đủ cái không khí chiến thắng chắc ăn ấy. Những điểm bán cờ và các băng-rôn cá nhân mọc đầy đường phố. Và hơn thế nữa những quán ăn, quán nhậu kê bàn tràn ra lề đường, trong khi những dòng xe hối hả chạy cho kịp đến điểm hẹn màu đỏ. Cái màu đỏ biểu tượng cho chiến thắng chắc ăn này còn vào đến tận buổi ăn của các gia đình bình thường, mặc áo đỏ, nuốt vội miếng cơm, sẵn sàng đi bão mừng chiến thắng.
Một chủ tiệm bán computer trên đường Võ Văn Tần nói với mấy người cậu, dượng, chú, bác của mình qua điện thoại rằng, hôm nay không thể đến quán nhậu coi đá banh như đã hứa lúc xem trận đá với Singgapore. Anh nói: Tính vừa nhậu vừa coi như bữa trước cho VN hên, nhưng con vợ nó muốn cháu coi ở nhà. VN thắng, chở mẹ con nó đi ăn mừng Việt Nam vô địch, Việt nam số 1.”
Những người chủ gia đình VN hôm nay đều xuất thân từ những thế hệ “yêu nước qua bóng đá.” Trước năm 1975, không hề có thế hệ cuồng nhiệt yêu bóng đá và yêu nước như vậy, dù bóng đá thời đó khác, phương tiện truyền tải bóng đá đến với công chúng khác, nhưng rõ ràng là trình độ bóng đá thời đó so với mặt bằng bóng đá khu vực hiện nay ở thế bề trên.
Mặt trời đỏ có hình trái banh đã làm nên những cơn sóng cuồng nhiệt từ cái nền tâm lý dân tộc bị ức chế. Nhưng chưa bao giờ lòng yêu nước thông qua chiến thắng bóng đá đáp ứng được khát vọng đám đông, nếu không nói là bị dùi vào thất vọng qua hai trận chung kết Sea Games 23 và 25.
Mỗi lần thua ở những trận chung kết chắc ăn như vậy, ai cũng biết là hàng triệu người hâm mộ sẽ đổ lỗi cho cầu thủ, huấn luyện viên, liên đoàn bóng đá…và sau đó là mỗi người qui lỗi cho chính sự ngây thơ lồng ghép khiêng cưỡng tình yêu nước qua bóng đá. Không ai nhắc một từ nào về sự cố ý kích động yêu- nước- bóng- đá của các phương tiện truyền thông VN. Nhưng người ta vẫn nhớ những cụm từ dành cho cuộc chiến dành độc lập được áp vào bóng đá VN như: “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.” “ Việt Nam quyết thắng.” “ Chiến thắng huy hoàng.”…Tất cả những cụm từ mang nghĩa to tác trên đều cố tình giấu từ bóng đá, để chỉ còn lại Việt Nam quyết thắng và Việt Nam chiến thắng…
Bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo, tự hào khi bước lên bục nhận huy chương vàng trong tiếng quốc ca, không có nghĩa là thông qua đó để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước - bóng đá cực đoan.
Trên thế giới có thể có cuộc chiến giữa hai dân tộc do nguyên nhân đá banh nhưng đó chỉ là cá biệt, người ta chỉ ghi dấu son của thể thao khi là phương tiện ngoại giao như trường hợp đấu bóng bàn giữa Mỹ và Trung Quốc…Ở bình diện quốc tế, tinh thần thể thao chân chính là tinh thần nối kết hoà bình - hữu nghị giữa các dân tộc. Bảo vệ danh dự màu cờ sắc áo, tự hào khi bước lên bục nhận huy chương vàng trong tiếng quốc ca, không có nghĩa là thông qua đó để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước - bóng đá cực đoan.
Một trí thức sống ở Sài Gòn nói: "Một huấn luyện viên có thể dùng tâm lý yêu nước để động viên cầu thủ, cầu thủ có thể ra sân với trái tim dân tộc nồng nàn. Nhưng chơi thể thao, chơi bóng đá mà dồn hết gánh nặng khủng khiếp về trách nhiệm dân tộc lên vai vận động viên, thể thao với tâm lý ấy thì tội quá. Có thắng người ta cũng trối chết còn thua thì như lãnh án tội đồ.”
Thể thao là một phương tiện để loài người rèn luyện thể lực và tinh thần. Ai cũng biết rằng để đi đến thắng trận trong một cuộc đấu thể thao, người vận động viên bên cạnh tài năng, cái tối cần phải có là tình trạng tâm lý tốt. Với đà cực đoan yêu nước bằng bóng đá này, nhiền người tiên đoán thắng trận chung kết bóng đá giải AFF có lẽ là trường hợp đầu tiên và cuối cùng. Việt Nam sẽ không bao giờ có thể chiến thắng trong những trận chung kết bóng đá ở các giải đấu quan trọng tương lai, khi bản thân người thi đấu đã bị làn sóng đỏ yêu nước bóng đá kiểu cực đoan làm tê liệt cái đầu và đôi chân.
Nếu muốn chứng minh phẩm chất Việt Nam, hãy hướng đến những nội dung xã hội toàn diện hơn.
Một người đàn bà nội trợ nói về trận cầu đã thua hôm qua như sau: "Ở chợ người ta nói Việt Nam bị lời nguyền rồi, đá chung kết là thua. Mà thua vô duyên lắm, lần trước là do cái lưng của ông Singapore, lần này là do cái ngực đốt lưới nhà. Tôi thì không tin. Tôi thấy thiên hạ làm rần rần như trận giặc, cầu thủ họ đá làm sao được.”
Các bình luận viên truyền hình Việt Nam khi oán trách đội hình U 23 Việt Nam đá trận chung kết không thanh thoát bằng trận đá bán kết. “Thanh thoát” sao được! Hãy nhìn lại những đội tuyển trong khu vực mà xem, họ đá trận chung kết đâu phải vì “quyết tử cho tổ quốc vinh quang.” Thể thao và bóng đá ngày nay càng gần hơn với tinh thần một loại hình giải trí. Vận động viên thể hiện tài năng cá nhân và phẩm chất dân tộc trước tiên bắt đầu từ niềm vui được chơi và được phục vụ cộng đồng
Cứ mỗi mùa thi đấu quốc tế là lặp đi lặp lại hiện tượng những dòng người cuồng mê đổ ra đường mừng chiến thắng bóng đá, rồi lồng ghép tinh thần yêu nước, hội chứng yêu nước kiểu đó là điều ngớ ngẩn. Nếu muốn chứng minh phẩm chất Việt Nam, hãy hướng đến những nội dung xã hội toàn diện hơn và nhất là chứng minh sự vượt trội của tinh thần quốc gia - dân tộc trong những giá trị văn minh và nhân quyền.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét