|
Từ những nghiên cứu này, người ta thấy rằng đây là khu di tích tôn giáo vĩ đại nhất của người Champa, được Vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) cho khởi công xây dựng từ thế kỷ 4, và đến đầu thế kỷ 14 mới hoàn thành (dưới triều vua Jaya Simhavarman III – Chế Mân).
Do đặc tính lịch sử trên mà quần thể hơn 70 ngôi đền tháp tại Mỹ Sơn mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, tiêu biểu cho từng triều đại. Tuy nhiên, hầu hết các công trình, kiến trúc đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn đều quay mặt về phương mặt trời mọc, là chỗ trú ngụ của thần linh, một vài đền tháp quay mặt về hướng tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết.
Những đền thờ ở Mỹ Sơn được xây dựng bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch. Bên trong đền chính thờ Linga – Yoni, biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính là các tháp thờ nhiều vị thần hoặc các vị vua đã mất. Trải qua ngàn năm dâu bể, hiện nay cả khu di tích còn lại 32 đền tháp, trong đó chỉ có 20 công trình còn giữ được nét kiến trúc ban đầu.
Vết tích một đền thờ
Đến Mỹ Sơn, du khách sẽ được hướng dẫn tham quan các cụm di tích, chia thành các khu vực. Như, khu A gồm một tháp chính và 4 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía đông; khu B có một tháp chính, 3 tháp phụ nằm trên ngọn đồi phía tây; khu C gồm các tháp và di tích nằm ở phía nam, chia thành hai khu là C1 và C2.
Khu C1 phía đông được bao quanh bằng một con suối gồm có 16 kiến trúc, ngoài các tháp chính và tháp phụ còn có một số tượng điêu khắc bằng đá. Khu C2 phía tây, có 26 kiến trúc, tháp chính, tháp phụ cùng một số tượng, phù điêu, các tác phẩm điêu khắc, bia ký bằng đá mang tính tôn giáo. Cuối cùng, khu D có 12 kiến trúc tháp và di tích nằm ở phía bắc.
Bắt đầu từ trên đồi cao ở khu A, khách có thể nhìn thấy bao quát hết khu vực thánh địa Mỹ Sơn. Ẩn nấp trong các tán lá rừng là những ngôi tháp màu đỏ, lung linh và trầm mặc đầy vẻ bí hiểm. Thời gian, chiến tranh, mưa nắng... đã để lại Mỹ Sơn những dấu vết tàn phá, mai một. Những ngôi tháp không còn nóc, những pho tượng không có đầu, cây cỏ chen vai sát cánh với những tấm bia, tạo cho khách cảm giác bùi ngùi. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm này mà Mỹ Sơn luôn thu hút sự tìm tòi khám phá của du khách.
Khu C có lẽ là khu vực tiêu biểu nhất của Mỹ Sơn. Nơi đây các đền tháp, bia ký, tượng đài, phù điêu và các tác phẩm điêu khắc còn nhiều và rất đa dạng. Đây cũng là khu vực có diện tích lớn nhất. Một dòng suối uốn lượn quanh co làm cho nơi này trở thành điểm tham quan hấp dẫn nhiều du khách hơn hết.
Tác phẩm điêu khắc
Bao nhiêu năm đã trôi qua, dù đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng Mỹ Sơn vẫn còn cất giữ nhiều điều bí mật với các nhà khoa học.
Một lần đến với Mỹ Sơn, không chỉ để ngắm cảnh trí nên thơ, huyền bí mà nơi đây còn là chốn du khách có thể theo dòng lịch sử, khám phá sự sáng tạo vĩ đại trong kiến trúc, văn hóa của người xưa.
Kim Duy
(Bài cập nhật từ số báo ngày 27/04/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét