Hội ngộ thầy trò Xô - Việt: May là chưa quá muộn!
- Biết đâu, khi ký ức 20 năm qua từng được gói gắm bị khơi dậy, ngay hôm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ tìm cách quay trở lại trường cũ ở nước Nga, thăm lại cô giáo già của mình. Nếu thế, cô giáo Nhina sẽ toại nguyện "được gặp lại Khoa trước khi chết"…
Hoa. Nước mắt. Cả những gì tận trong sâu thẳm nay có dịp trào ra. Không chỉ đối với những ai có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong tối 17- 01 -2010. Và cũng không riêng những ai đã từng ở, học, làm việc hay đặt chân đến Liên Xô cũ (nước Nga và các nước SNG ngày nay). Cuộc hội ngộ, giao lưu của thầy trò Nga - Việt chỉ hơn 4 tiếng đồng (được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3, Đài truyền hình Việt Nam tối 17/12010) như thể là có một bàn tay diệu kỳ bật mở cái hòm ký ức đẹp đẽ, thiêng liêng của nhiều người Việt.
Cuộc hội ngộ xúc động của thầy trò Xô - Việt |
Những câu chào, câu chúc bằng tiếng Nga здравствуйте!, привет!, Желаю вам счастливого ... thân thuộc ngày nào cũng bật ra trở lại khi họ bước chân đến đây, gặp lại không gian Nga, kỷ niệm Nga, bạn bè Việt, thầy cô Nga một thủa... Có nhiều, nhiều người tóc đã điểm bạc, mắt chân chim bỗng dưng hồn nhiên, thơ trẻ. Bỗng dưng thấy mình giàu có tinh thần trở lại khi được sống lại với âm nhạc Nga thực sự qua những giọng ca của những nghệ sĩ Nga đích thực; khi được gặp lại những tâm hồn Nga từ những người thân thương đến từ đất nước bạch dương mà họ một thời gắn bó.
Có vẻ như những gì của cuộc sống bon chen thường ngày là phù du, là không thật bởi những gì mà tôi vừa chứng kiến trong khoảnh khắc này, tại không gian của Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong đêm nay (17 -01 - 2010) là tình cảm CHÂN THỰC – điều quý giá và tưởng chừng như không còn nữa
Cô giáo người Nga cách đây 30 năm từng áp má mình vào trán một sinh viên Việt Nam để xem "Em có còn sốt không?". Ảnh Phan Minh |
Có một đồng nghiệp trẻ nói với tôi: "Thế hệ chúng em khó mà giải thích được tại sao những thầy cô Liên xô ngày đó lại có thể yêu học sinh Việt Nam đến như vậy được? Nếu chỉ là tình thân hữu nghị thì cũng khó có thể bền lâu và ruột thịt đến như vậy?”.
Người Nga có một câu ngạn ngữ ý là: “Ăn một bát muối mới hiểu hết lòng nhau”, tình thân Xô – Việt hơn nửa thế kỷ chắc chắn đã đầy hơn một bát muối để làm khăng khít tình thầy trò không biên giới.
Thêm một lý do nữa, rất giản dị và chân thực: Tình thầy trò Xô – Việt là sự gặp gỡ đặc biệt giữa “văn hóa Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga” và đạo lý “ơn thầy” của người Việt.
Một cô giáo người Nga áp má mình vào trán một sinh viên Việt Nam để xem "Em có còn sốt không?". Một giáo sư hơn 40 năm sau vẫn còn giữ từng trang viết tay ghi địa chỉ liên lạc của nghiên cứu sinh Việt Nam và nhớ tên tuổi từng người. Một cô giáo dạy tiếng Nga 84 tuổi nhắn qua màn hình với nhà thơ Trần Đăng Khoa: ’"Khoa ơi, hãy trở lại thăm trường. Mọi thứ nơi đây vẫn còn nguyên như khi em ở đây. Cô sẽ chưa chết cho đến khi em quay trở lại...".
"Bà già yêu quý" của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắn với cậu học trò rằng: "Cô sẽ chưa chết cho đến khi em quay trở lại"... Ảnh Phan Minh |
Biết đâu, vì lời nhắn, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ quay lại trường Gorky sau 20 năm xa cách. Ảnh Phan Minh |
Những cái tên Anna, Nhina, Nikolai ... đã trở thành nỗi nhớ chung của học sinh Việt về nước Nga. Họ là biểu tượng của tâm hồn Nga, tính cách Nga. Tâm hồn ấy, tính cách ấy đã làm nên điều kỳ diệu là tình thân Việt - Nga; đã nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim và nghị lực họ - những người may mắn được trải qua tuổi thanh xuân của mình ở đất nước Liên xô.
Và không chỉ thế, điều kỳ diệu đó còn có sức lan tỏa mãnh liệt tới cả những người khi chưa từng một lần được đặt chân tới đất nước của bạch dương nơi có những ngôi nhà gỗ, cỗ xe tam mã, chiếc ấm Samôva.. ( Tất nhiên không thể không kể đến công lao cầu nối của văn học Nga với những tên tuổi lừng danh thế giới như Puskin, Anton Sekhop, Lev Tolstoy là những sứ giả tiêu biểu). Tôi là một người trong số đó. Hơn nửa đời người, lần đầu tiên tới Nga, bỏ mặc tất cả những lời cảnh báo về đầu trọc Nga và sự kỳ thị, tôi đã đi qua những đường phố Moscow và Saint - Peterburg bằng nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu tiên biết về nước Nga bằng việc ngắm tranh Mùa thu vàng của Levitan. Thấy thân thuộc và yêu thương như mấy chục năm qua từng gặp nước Nga qua văn học và âm nhạc.
Những bức ảnh lưu niệm của trường Internat trong thời gian khóa học đầu tiên của các lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô. Trong ảnh giữa, người đứng cạnh Bác Hồ chính là bà Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Phan Minh |
Trong khoảng khắc hòa vào 3000 người từng trải qua tuổi thanh xuân tại Liên xô tại buổi hội ngộ, tôi cũng đã rơi nước mắt khi chứng kiến câu chuyện thầy trò cảm động của họ. Cũng thấy ngộp thở hồi hộp khi nhà thơ Trần Đăng Khoa nhìn xuống từng hàng ghế để mong có hạt dẻ thứ 2 trong ba điều ước là nhìn thấy cô giáo già của mình bỗng dưng hiện ra, bước ra sân khấu…Khi điều kỳ diệu không xảy ra, nhiều khán giả khắp đất nước Việt đã khóc, đã mất ngủ để cầu mong có hạt dẻ thứ ba dành riêng cho cô giáo già người Nga...Biết đâu, khi ký ức 20 năm qua từng được gói gắm bị khơi dậy, ngay hôm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ tìm cách quay trở lại trường cũ ở nước Nga, thăm lại cô giáo già của mình. Nếu thế, cô giáo Nhina sẽ được toại nguyện "được gặp lại Khoa trước khi chết"…
Có những khi những lo toan thường nhật, những điều bình thường (và cả tầm thường nữa) làm chúng ta không còn tin có những giấc mơ, không còn nuôi giữ những ký ức thiêng liêng. Và vì thế, dù không phải là cựu sinh viên, học sinh Liên xô, tôi vẫn muốn nói lời cám ơn với chương trình "Thầy trò ngày gặp lại". Chỉ tiếc rằng, giá mà những người trong cuộc thực hiện chương trình này 10 năm, hoặc 20 năm trước chẳng hạn. Khi mà thầy trò tóc chưa bạc nhiều đến vậy. Khi mà ký ức không bị rơi rớt nhiều đến thế. Để có nhiều hơn những con người tin vào giấc mơ đẹp.
Lương Thị Bích Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét