Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Còn mãi nghĩa tình thầy trò Xô-Việt

Còn mãi nghĩa tình thầy trò Xô-Việt
Thứ ba, 19/01/2010, 09:07 (GMT+7)

Theo thống kê tới thời điểm này, Liên Xô (cũ) đã giúp Việt Nam đào tạo khoảng hơn 52.000 cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chương trình “Thầy trò Xô-Việt” đã được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức nhằm tôn vinh tình cảm gắn bó thầy Xô - trò Việt và mối quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Xô Viết (cũ) trong hơn nửa thế kỷ qua, cũng như mối quan hệ đặc biệt Việt-Nga...

Học trò Việt Nam: Biết ơn bằng cả tấm lòng

Với các cựu lưu học sinh của chương trình “thầy trò Xô-Việt”, đây là cơ hội hiếm có trong đời để họ thể hiện tình cảm, tấm lòng của mình. Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn tâm sự: “Lần nào trở lại Nga tôi cũng về thăm lại Trường Lomonoxop, thăm lại 2 khoa Báo chí và Tâm lý, trở lại với cảnh cũ người xưa bao giờ cũng cảm nhận những tình cảm rất thiêng liêng. Những thầy cô giáo già đã từng dạy, đào tạo và bồi dưỡng tôi không bao giờ quên. Tôi vẫn thường liên lạc với thầy giáo của mình là Iasen Nhicolai evich Zaxuxki - Giáo sư tiến sĩ, trưởng khoa Báo chí rất nhiều năm, năm nay thầy đã khoảng 85 tuổi”, Thứ trưởng chia sẻ.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các thầy cô cũ tại chương trình

Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì tâm sự: “Tôi có kỷ niệm sâu sắc nhất với 2 người thầy. Với một người thầy, vợ ông ấy đã nói: ông ấy yêu anh đấy. Lúc nào cũng nói đến anh. Nếu anh là phụ nữ thì tôi phải ghen với anh. Với một ông thầy là viện sĩ, ông ấy tin tưởng tôi và luôn khen ngợi tôi ở bất cứ chỗ nào đến mức làm tôi ngượng. Ông ấy tin tôi đến mức khi tôi đưa bài nghiên cứu đăng báo, ông không đọc và ký cho đi đăng. Nếu tòa soạn họ yêu cầu cắt ngắn, ông không đọc lại và ghi vào đề nghị tòa soạn đăng nguyên văn. Đây là bài báo nổi tiếng của tôi có tiếng vang ở Liên Xô thời đó.

Hình ảnh làm tôi nhớ mãi là tấm lòng Nga, tâm hồn Nga. Nghe thì có vẻ mơ hồ nhưng rất thật. Thậm chí tôi cảm giác như sờ nắm được”. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đã rất xúc động với những ký ức về 2 cô giáo Sophia và Emma: “Theo nghĩa đen, cô đã dắt tay tôi vào thế giới mênh mông của tiếng Nga. Không từ điển, không sách giáo khoa... cô đã dắt tay chúng tôi đi quanh lớp để dạy. Cô cũng cầm tay dắt chúng tôi vào thế giới văn hóa phong phú của nước Nga. Qua cô, chúng tôi đã biết Puskin, Lev Tolstoi... biết thế nào là tâm hồn Nga. Tâm hồn Nga đã đồng hành với chúng tôi suốt cả cuộc đời, đóng góp, xây dựng đất nước...”.

Thầy cô Xô Viết: Yêu thương bằng cả trái tim

Tình cảm của những người học trò Việt Nam càng được phản chiếu rõ hơn trong tình cảm nồng ấm của các thầy cô giáo Xô Viết. Hơn ai hết, các đoàn phóng viên của VTV (cũng là lưu học sinh tại Nga) khi sang Nga và Ucraina tìm gặp lại thầy cô giáo cũ của những thế hệ lưu học sinh Việt Nam để làm các phóng sự về tình thầy trò Xô Việt được cảm nhận trọn vẹn về mối ân tình đặc biệt này.

“Trong những ngày thực hiện nội dung chương trình ở Nga và Ucraina, hình ảnh quen thuộc với chúng tôi là một ông giáo ăn mặc rất lịch sự đứng bên đường, chờ chúng tôi. Khi chúng tôi lên đến căn hộ của họ thì thấy bà giáo cũng đã mặc chỉnh tề, ngồi đợi sau một bàn tiệc vô cùng thịnh soạn”, nhà báo Kim Ngân của VTV nhớ lại.

“Họ khoe với chúng tôi những bức ảnh đen trắng chụp trẻ em đang lẫy, phía sau là những dòng địa chỉ của học trò cũ gửi sang từ Việt Nam cách đây nhiều chục năm. Qua những bức ảnh đó, người thầy Xô Viết an lòng bởi họ biết những cô cậu học trò Việt Nam năm nao giờ đã lập gia đình, có con, thậm chí lên ông lên bà. Trong hành trang kỷ niệm của các thầy cô là ngồn ngộn những lá thư và cả những bài luận, tất cả đều phẳng phiu, tinh tươm như mới được lưu giữ từ ngày hôm qua dù nét chữ trong tất thảy kỷ vật đều nhuốm màu xưa cũ. Những người mà chúng tôi tìm đến phần nhiều đều trên dưới 80 tuổi. Có người đang gần đất xa trời. Nhưng tất thảy họ đều minh mẫn khi nhắc về những học trò người Việt”, nhà báo Kim Ngân kể lại.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10-1954, Bác Hồ cử 3 đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Mátxcơva học tập, đào tạo nhân tài. Nay sau bao nhiêu năm đã qua, bà bảo mẫu người Nga Nina Anatolievna Iratova đã từng dạy dỗ 100 thiếu nhi đầu tiên sang Nga năm 1954 vẫn đong đầy nỗi nhớ cũng như những ấn tượng ban đầu đối với cả trăm đứa con Việt về những ngày đầu tiên đón các em nhỏ Việt Nam.

Còn Giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic, Trường Tổng hợp kỹ thuật Donhet, thầy giáo của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thì chia sẻ những câu chuyện và kỷ vật rất thú vị liên quan đến người học trò mà thầy yêu mến: những bức ảnh, bức tranh về Việt Nam, những bức ảnh về những học trò của thầy trong đó có hình ảnh thời thanh niên sôi nổi của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Cô giáo Zubes Doia Petrovna, giáo viên tiếng Nga đã nghỉ hưu hiện đang sống ở Ucraina, hiện trong nhà cô vẫn còn treo những đồ lưu niệm của các sinh viên của mình. Trong câu chuyện khi nhắc về sinh viên Việt Nam và đặc biệt khi xem băng mà các nữ học sinh gửi sang thăm hỏi cô giáo, cô giáo và chồng đã nhiều lần khóc...

Thời gian sẽ đi qua. Nhiều thầy-trò Xô-Việt cũng sẽ rời xa cuộc sống này khi đã đi hết cuộc đời mình. Nhưng tình thầy trò Xô-Việt sẽ còn mãi và vẫn đang được các thế hệ học sinh Việt Nam hôm nay tiếp nối, trân trọng.

LÂM NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét