Có nên bỏ 20 hay 30 triệu đồng mua chất xám?
- Không nhiều “nhân tài” trở về quê hương lập nghiệp theo chủ trương thu hút của tỉnh Nghệ An. Mổ xẻ nguồn cơn của “căn bệnh”, tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ - Lê Thanh Nga cho rằng không nên bỏ ra 20 hay 30 triệu để lấy chất xám kiểu "nhỏ giọt".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiến sỹ làm chân… điếu đóm?
Là tiến sỹ văn học trẻ nhất xứ Nghệ, ra trường nhiều đơn vị mời chào; Nếu gật đầu ngay tắp lự sẽ có công việc “béo bở”, đùng đùng lại chuyển về Nghệ An công tác với đồng lương “còm cõi”, anh có thấy điều này hơi khó hiểu?
(Cười). Hồi đó mình đang học ở Hà Nội thì có bài gửi cho Tạp chí Sông Lam (Cơ quan chủ quản Hội VHNT Nghệ An đóng ở TP Vinh) viết về Bác Hồ. Chị Phước (TBT tạp chí) có ưng bài viết này. Thời điểm ấy, do tạp chí thiếu chân thư ký toà soạn nên chị Phước đặt vấn đề về làm.
Có vẻ như mọi chuyện “xuôi chèo mát mái” quá, nhưng nghe bảo anh về theo chủ trương thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An; vừa có công việc lại “ôm một cục”?
TS Lê Thanh Nga cho rằng: Người tài không giải phóng năng lượng sinh… tiêu cực?! |
Thực ra thì mình về đó mọi thứ thuận lợi. Về đó thì hồ sơ nhận ngay. Mình chờ hai tháng thì chính thức nhận công việc. Ngay từ đầu lãnh đạo VHNT đã có cái nhìn ưu ái. Các chế độ, thủ tục chưa đầy 15 ngày là xong rồi… Nói chung mọi thứ rất thuận lợi.
Tiến sỹ văn học ngành lý luận văn học lại làm anh thư ký toà soạn ở một tạp chí bình bình; có vẻ như anh thích làm một “chân điếu đóm” hơn?
Thực ra nói chân điếu đóm không đúng vì làm anh thư ký toà soạn cũng có quyền… !
Nghĩa là ưng “cắt” bài nào thì cắt; vậy anh có cảm thấy đã “xứng tầm” với cái “mác” tiến sỹ của mình?
Có thể là hơi phí. Tất nhiên nếu nói chưa xứng tầm thì không đúng vì có những cái mình chưa làm được. Nhưng việc đọc, biên tập, chọn thì mình làm tốt. Nhưng việc duyệt bản thảo thì cũng cần có chuyên môn một chút... Nhưng có điều ở đây (Tạp chí Sông Lam) mình thấy rất thoải mái vì mọi người rất ưu ái, rất tôn trọng. Họ nhìn, cư xử với mình là người trí thức thực sự chứ không phải là cư xử với công chức dưới quyền.
“Trái khoáy”, “lạc lõng”… có phải là từ để dùng cho “mặt trận tác chiến” hiện tại của mình; Anh vẫn có sự lựa chọn khác là “nhảy việc”- Cái cách mà hiện đang “hót” trong giới trẻ bây giờ?
Nói lạc lõng thì không đúng lắm nhưng vẫn cảm thấy cái gì đó hơi hơi… không được thoải mái. Còn trái khoáy cũng… có nhưng mình học là để giảng dạy và nghiên cứu. Rõ ràng Tạp chí Sông Lam và các tạp chí khác ở địa phương không nơi nào có tính chất lý luận chuyên ngành văn học. Thì biết làm răng (làm sao) được. Mà về đây mọi người cũng rất ưu ái rồi…
Và trả lương tương xứng nữa chứ?
Trả thì lương Nhà nước cứ thế mà hưởng, ăn theo hệ số. Khởi điểm của tiến sỹ là hệ số 3.0 tức là một tháng được 1 triệu 950 ngàn đồng. Sau trừ đi trừ lại, bảo hiểm còn đâu 1,8 triệu đồng/tháng. Và chỉ thế thôi. Ngoài ra mình có viết thêm thì ăn theo nhuận bút…
Chủ trương có tính chiến lược…
Thu hút nhân tài, anh nghĩ sao về chủ trương này, nhất là khi mình lại là đối tượng được hưởng “đặc ân” từ chủ trương này?
Thực ra thì mình thấy chủ trương có tính chất chiến lược xây dựng con người. Mình rất tâm đắc vì khi có chủ trương thì kêu gọi được người ta học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Mình không quan tâm ở chỗ sẽ tạo điều kiện cho ai đó về làm việc để lấy 10 triệu, 20 triệu hay 30 triệu đồng… mà mình quan tâm ở mức độ vừa phải là người đó sẽ đóng góp, xây dựng được tỉnh nhà. Tính nhân văn của chủ trương là đào tạo phát triển con người chứ không phải phát triển kinh tế…
Tôi không phủ nhận điều đó. Tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương thu hút nhân tài hơn 10 năm nay nhưng nhân tài về quê “lập nghiệp” vẫn rất khiêm tốn, có vẻ như họ ngại về thì đúng hơn?
Mình thấy chủ trương là một chuyện nhưng thực hiện là một chuyện khác. Điều quan trọng là khi nhận một người tài về (tạm gọi là người tài đi). Tài hay không thì chưa biết nhưng anh có bằng cấp. Nếu như anh lấy bằng cấp là thước đo tài năng thì anh nhận người tài về thì phải khai thác cho được tài năng của họ. Nếu anh cảm thấy người này làm chỗ nọ không hợp thì anh chuyển đi chỗ khác phù hợp hơn.
Để thứ nhất là khai thác triệt để tài năng của họ. Chí ít anh không nên chỉ bỏ ra 30 triệu đồng để lấy ở chất xám của họ vừa phải theo kiểu nhỏ giọt như những người không lấy triệu nào thì để làm gì? Anh lấy một nhà khoa học về để làm một công chức bình thường…
Để lấy cái “mác” của họ…?
Đó. Như thế thì vẫn không ổn. Hoặc là anh đưa về thả đó cho cơ quan chủ quản sử dụng răng (thế nào) cũng được. Cái đó tỉnh phải theo dõi, quản lý… Và công việc đối với những người thuộc diện thu hút nhân tài cũng phải khác với những công chức bình thường. Và đương nhiên đối với những nhà khoa học lại càng phải khác…
Người tài không giải phóng được năng lượng dễ sinh tiêu cực!
Nói như thế có nghĩa là cách triển khai của chủ trương đang có vấn đề?
Mình nghĩ là đang có vấn đề. Vì mình chưa quen công việc. Mà sử dụng đúng mục đích không những khai thác triệt để những tài năng, đúng với “đồng tiền bát gạo” mình bỏ ra mà còn giúp giải phóng được năng lượng của họ. Những người làm khoa học hay những người tài không giải phóng được năng lượng thì dễ sinh ra tiêu cực…
Nhưng nếu như chủ trương đúng, cách triển khai chệch hướng thì hậu quả sẽ thế nào?
Phức tạp. Sẽ phức tạp. Cái này cũng tuỳ đó. Nếu những người thu hút về mà đòi hơi nhiều quá thì cá nhân họ sẽ rơi vào trạng thái khác. Còn nếu người biết được rồi, người ta thu hút đã ưu ái mình rồi thì mình buộc chấp nhận vì tình đang gặp khó khăn, thiếu thốn…
"Sử dụng người tài, cái đó đương nhiên rồi. Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người ta phát huy"- TS Nga cho biết. |
Phải có “đất dụng võ”!
Tôi hiểu. Nhưng có vẻ như có chủ trương ngon lành, hướng đi oK rồi nhưng cái cách mình đối xử, sử dụng người tài mới quyết định được nhiều điều, chí ít là giữ chân được họ?
Sử dụng người tài, cái đó đương nhiên rồi. Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người ta phát huy. Nhưng nếu người ta có tham vọng quá lớn thì lại là chuyện khác. Cái quan trọng là phải xem lý do người ta đi. Nếu như cơ quan cư xử với họ không tốt thì người ta đi là hiển nhiên rồi. Thì đây không phải là lỗi ở chủ trương. Còn nếu như ngược lại thì do tham vọng của của người tài…
Tuy nhiên, đối với Nhà nước cũng khó đáp ứng hết được mục đích, tham vọng của con người nói chi đến tỉnh. Bởi vì khát vọng của con người thì nhiều lắm. Vấn đề là người tài được thu hút về có quyền yêu cầu cái này cái kia nhưng phải biết chấp nhận. Rằng phải biết có cái khó khăn này khó khăn kia… Nói thế không có nghĩa là 10, 20 hay 30 triệu hỗ trợ là quan trọng… Mà cái chính là phải “có đất dụng võ”… À mà có rồi đấy chứ… nhưng dùng chưa hết.
Ai dùng chưa hết, người tài hay người thu hút?
Là người tài dùng chưa hết. Mình chưa thi thố hết được, chưa có điều kiện.
Bây giờ thằng tốt nghiệp Karatedo đai đen lại đấm với anh đai trắng thì chẳng ra cái gì (cười)…
Xin cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
Anh Lê Thanh Nga sinh năm 1976 ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Vinh, Nga tiếp tục ở lại trường học cao học. Với kết quả luận văn tốt nghiệp đạt điểm 10, anh được Hội đồng Giám khảo xét cho chuyển đề tài luận văn, tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ văn học chuyên ngành Lý luận Văn học tại Viện Văn học Việt Nam. |
Trọng Đức (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét