Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Đôi nét về ăn Tết xưa trên các vùng miền đất nước

Đôi nét về ăn Tết xưa trên các vùng miền đất nước
Mâm ngũ quả ngày Tết - Ảnh: K.H
(TNO) Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày vô cùng thiêng liêng, trọng đại!

Chính vì lẽ đó mà cho dù là người thuộc tín ngưỡng tôn giáo nào, giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị… trong nhà, ngoài sân đều được quét dọn gọn gàng, sạch sẽ; trên vách thì trang hoàng tranh Tết bao gồm tranh lẻ, tranh bộ (tứ bình, truyện thơ…). Tươm tất nhất là trên bàn thờ gia tiên với mâm ngũ quả, nơi mọi người bằng cả lòng thành kính của mình sẽ trọng thể đón rước ông bà về sum họp với gia đình, cầu xin phù hộ độ trì con cháu năm mới luôn “tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”.

Đón Tết, nhà nhà đều rất ý thức, sắp xếp “chương trình ăn Tết” rất chi là chu đáo. Họ tranh thủ trồng bông vạn thọ, lặt lá mai cho cây trổ hoa đúng Tết; xuống giống ở mấy công đất gò để thu hoạch sớm, vì còn phải tự tay xay, giã (chứ không mua, mượn hoặc xay ở nhà máy xay xát) hầu có lúa thơm, nếp dẻo “nấu mâm cơm” với những món truyền thống đặc trưng dâng cúng ông bà. Đây vừa là một cách báo cáo thành quả lao động vừa tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu, và cũng nhằm thể hiện cao nhất đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đối với tiền nhân, ­những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ vốn vô cùng gian lao vất vả. Việc nuôi heo, gà phải tính toán sao cho đến Tết thì vừa đủ cân, đủ ký để chế biến trăm món ngon, cũng không ngoài cái ý “trước cúng sau ăn”.

Trong “ba ngày này”, bà con, bạn bè lũ lượt thăm viếng, chúc tụng nhau những điều tốt lành. Nhà nào cũng đầy ắp những thức, món “chuyên đề” về Tết. Thế là những bữa tiệc thân mật gia đình được dọn ra, đâu đâu cũng la liệt rượu, mồi, vừa ngập tràn tình cảm vừa vô cùng “hoành tráng”, bởi có thể nói nhà ai cũng sáng trưa chiều tối không bao giờ vắng khách.

Đãi thiệt tình, ăn thiệt bụng nên không thể không… ngán! Nếu trên bộ ván bóng loáng, bên tách trà sen, trà lài nghi ngút khói, các cụ vẫn say sưa nhắc chuyện “hồi nẵm”, thì ngoài sân, các cháu bé đang hớn hở trong bộ quần áo mới, tay không rời miếng bánh, miếng kẹo, và các cô gái đương xuân vẫn mãi nhỏ nhẻ đề tài mứt ngon, trái ngọt…, còn cánh thanh niên bao giờ cũng rôm rả rượu nghĩa, rượu tình, nên… say khướt. Tết mà!

Tết Nguyên đán là lễ hội hoành tráng nhất trong năm. Nếu phần lễ cực kỳ nghiêm chỉnh, thì phần hội lại vô cùng cởi mở! Thật vậy, trong “ba ngày này” trong dân gian không ai đòi nợ, phía chính quyền (xưa) cũng cởi mở đến mức “làm ngơ” trước một số sinh hoạt vui chơi giải trí, kể cả… cờ bạc!

Trong Nam, Trịnh Hoài Đức ghi trong Gia Định thành thông chí: “Ngày Nguyên đán bất kể là kẻ sang hèn, lớn nhỏ, đều no say vui chơi, tuy người nghèo trong thôn dã cũng đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi, nhà nào cũng đều đua tranh cờ bạc vui chơi đủ trò không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi”.

Nội dung bài Ăn Tết truyền tụng trong dân gian cho thấy hoạt cảnh rộn ràng của dân quê trong mấy ngày lo Tết. Họ là những nông dân quê mùa nên cuộc sống rất giản dị và chật vật, nhưng không ai không dồn mọi nỗ lực cho ngày Tết.

Cũng lễ mễ đủ điều, nhưng trong điều kiện sẵn có của một cộng đồng mộc mạc và nghèo túng miền thôn dã, những hình ảnh lo Tết xưa như giã nếp, phơi lúa, xay bột, quết bánh phồng, rọc lá gói bánh, chèo ghe đi chợ mua mứt, mua trà, giấy hồng đơn viết liễn, chia thịt heo (hoặc đổi lúa lấy thịt), đốt pháo, nhậu nhẹt say sưa đến nỗi “sai con vợ vác cây nêu đem cặm ngoài hè”... đều hiện ra tỏ rõ như một bức tranh sống thực - ít lắm cũng đã trăm năm cách ngày nay.


Trồng nêu ngày Tết - Tranh dân gian

Tất nhiên xong Tết, cảnh thiếu hụt, nợ nần phải chồng chất lên thêm. Khốn khổ, chật vật lại vây kín để rồi cảnh đầu tắt mặt tối vẫn hoành hành kiếp nghèo như mọi thuở. Câu kết của bài vè nói lên tâm trạng người nghèo mỗi lần Tết đến, hết sức “thấm thía”: “Tôi lạy bác nội đừng trông tới Tết”.

Trước hơn, ngoài Bắc, vào năm 1685, Samuel Baron (là con của thương nhân Hòa Lan và một phụ nữ Bắc Kỳ - sinh ở Hà Nội khoảng gần giữa thế kỷ thứ XVII) trong cuốn sách của mình nhan đề là Description du Tonquin (Sự mô tả xứ Bắc Kỳ), in năm 1865 tại Fort Saint-Georges ở Madras (Ấn Độ) tác giả có đề cập tới việc người Bắc Kỳ ăn Tết dưới một tiểu đoạn nhan đề là “Ngày Tết”: Thú tiêu khiển chính yếu của họ là ngày lễ Tết, thường diễn ra vào ngày 25 tháng Giêng, và được ăn mừng trong thời gian ba mươi ngày. Đó là thời gian mà mọi thú vui đều na ná giống nhau, ở nơi công cộng cũng như trong các gia đình. Người ta dựng lên các rạp hát nhỏ ở các góc phố. Tiếng nhạc nhã nổi lên ở khắp mọi nơi. Ai nấy đều ăn uống và chơi bời bê tha tới bến. Dù nghèo đến đâu đi nữa, không có một người Bắc Kỳ nào lại không bày trò thiết đãi bạn bè, dù có bị rơi vào hoàn cảnh phải đi khất cái trong suốt cả năm.

Theo tục lệ, người ta kiêng không đi ra khỏi nhà vào ngày đầu năm, ngoài ra còn phải cửa đóng then cài, vì sợ có thể gặp điều gì sẽ mang lại sự không may mắn trong cả năm. Vào ngày mùng hai, mọi người đi thăm viếng chúc Tết bạn bè, cũng như đi chúc Tết những người bề trên... Nhưng năm mới thực sự bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng và được ăn mừng trong một tháng tròn.

Có một số người lại coi là năm mới bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp (tuần trăng cuối cùng) khi chiếc Quốc ấn được bỏ vào trong một cái hộp trong một tháng tròn - thời gian mà mọi hành động của luật pháp đều được đình lại, các tòa án đều đóng cửa, các con nợ không thể bị bắt giữ, các khinh tội như cãi cọ, ẩu đả, ăn cắp vặt đều không bị trừng phạt, và ngay cả việc trừng phạt các trọng tội cũng được tạm hoãn lại, tuy nhiên người ta vẫn cẩn thận bắt giữ các thủ phạm và đem giam chúng lại. (Dẫn lại từ Vũ Anh Tuấn, Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI).

Tết, ngoài cái thú mời nhau thưởng thức các món ngon truyền thống, hầu như trên mọi miền đất nước ai ai cũng rất mê múa lân, đánh đu, đá gà, đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm…

Họ cũng tham gia những cuộc vui chơi mang tính đỏ đen, mà để nhằm chiêm nghiệm việc hên xui trong những ngày đầu năm đầu tháng, bởi theo cách hiểu của họ:“đầu năm sao thì cả năm vậy”, cho nên tuy vẫn ăn thua bằng tiền nhưng không sát phạt - vui là chính (trẻ con đặt bầu cua, chơi cờ chó, cờ quan, cờ triệu phú…, người lớn đánh bài cào, người cao tuổi đánh cờ tướng…); chưng hoa trái (hoa nở rộ đúng Tết hay trổ muộn, hoặc mau tàn héo; trái ngon hay méo, úng…); văn nhân thì viết câu đối đỏ mừng Xuân, trịnh trọng khai bút đầu năm (ý nghĩa và nét bút bay bướm hay ngập ngừng), bói dân gian: xẻ dưa hấu (chín đỏ hay “lòng tôm”); nghe tiếng con vật kêu đầu tiên lúc giao thừa (chuột kêu: có điềm lành; chim cú kêu: có tang…); tên của người đến nhà đầu năm (tốt, đẹp hay bình thường); tuổi (khách đến, đối với chủ gia thuộc về “tam hạp” hay “tứ hành xung”?); thành phần xã hội, thái độ (giàu sang hay rách rưới, có địa vị hay không, vui hay buồn…).

Tùy từng vùng miền, tập quán làm ăn, thành phần xã hội… mà các loại trò vui dân gian đều được tiến hành với nội dung, hình thức khác nhau, nhưng có thể nói một cách chung nhất, tất cả các thú vui trong ngày Tết, không đơn thuần mang tính giải trí mà đó chính là những trò chơi mang “tính thiêng”, nói lên ước nguyện của mình, mong cầu quốc thới dân an, trong gia đình người mạnh khỏe, ruộng rẫy được mùa, mua may bán đắt…

Thành ra cái “phần hồn” của Tết đều hàm chứa những nét đẹp rất đáng yêu.

Nguyễn Hữu Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét