Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Bức tranh sáng của mốt Việt

Thứ tư, 6/1/2010, 13:10 (GMT+7)

Ngày 22/11, lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF) đã diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa, Hà Nội. Đây là một bước ngoặt lớn của ngành thời trang Việt Nam trong quá trình vươn ra thế giới.

AFF là một tổ chức tự nguyện của Hiệp hội thời trang các nước châu Á, hợp tác với nhau để tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực thời trang của các nước thành viên, xây dựng và phát triển ngành thời trang khu vực với những giá trị gia tăng xuất khẩu ra thế giới.

Liên đoàn Thời trang châu Á ra đời tháng 12/2003 với 3 thành viên sáng lập là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong hai năm 2007, 2008, AFF lần lượt kết nạp Singapore và Thái Lan. Năm 2009, sau khi xem xét các điều kiện, 5 thành viên này chấp nhận kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 6 của tổ chức này.

Cánh cửa rộng mở

Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế vừa qua, mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều song ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu và sức tiêu thụ tại thị trường nội địa ngày một gia tăng. Tuy nhiên, điểm sáng nhất trong ngành dệt may thời trang năm 2009 là sự kiện Việt Nam gia nhập Liên đoàn Thời trang châu Á. Nó khẳng định uy tín của ngành dệt may thời trang Việt Nam trước các quốc gia khác trong khu vực.

Với sự gia nhập vào AFF này, thời trang Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thời trang châu lục, đây sẽ là cơ hội để ngành thời trang Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực, cùng hợp tác xây dựng hình ảnh chung của ngành thời trang châu Á vươn ra thế giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc học tập và hợp tác với các nước thành viên có ngành thời trang phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang trong nước và tạo dựng nguồn lực chuyên môn ổn định.

Nhận xét về "cái được" lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập AFF, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội thời trang Việt Nam cho rằng, Việt Nam trở thành thành viên AFF cũng như việc một nước "nghèo" được chia sẻ thông tin từ các nước "giàu". Với trên một triệu lao động đang làm việc trong ngành sản xuất dệt may, trên 2.000 công ty may và đội ngũ thiết kế thời trang ngày càng mạnh cả về số lượng và chất lượng thì việc gia nhập Liên đoàn Thời trang châu Á chính là bàn đạp cho ngành thời trang Việt Nam tăng tốc.

Thách thức trước cửa hội nhập

Rõ ràng, sự gia nhập vào Liên đoàn Thời trang châu Á là một cơ hội rất lớn cho ngành thời trang nước nhà khẳng định vị thế của mình trong "sân chơi" khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên cơ hội bao giờ cũng đi liền với những thách thức.

Từ những "sân chơi" lẻ tẻ trong nước ra một đấu trường lớn hơn, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam hàng năm mang về nhiều ngoại tệ nhất nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu riêng cho mình. Ngay cả với thị trường trong nước, các mặt hàng dệt may nội địa cũng không mấy được ưa chuộng. Do đó, nhiệm vụ xây dựng một thương hiệu uy tín cho thời trang Việt Nam là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Dệt may Việt Nam từ trước đến nay vốn nặng về gia công mà chưa có những thiết kế tinh xảo, chưa có sự sáng tạo. Nguyên nhân của điều này là do Việt Nam chưa có được các trường lớp đào tạo thời trang chuyên nghiệp. Việc đi lại học tập ở nước ngoài rất tốn kém nên rất ít nhà thiết kế ở nước ta được đào tạo bài bản. Số lượng nhà thiết kế đúng nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay và một số nhà thiết kế lại chọn cách copy các mẫu thời trang nước ngoài thay vì những sáng tạo của riêng mình. Đây là một hạn chế rất lớn đối với thời trang Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới.

Một vấn đề quan trọng nữa không chỉ riêng đối với ngành thời trang mà là vấn đề chung cho mọi lĩnh vực trong quá trình hội nhập là tính dân tộc. Làm thế nào để thời trang Việt Nam đi ra thế giới mà vẫn giữ được nét riêng, vẫn đậm đà bản sắc dân tộc? Nó đòi hỏi các nhà thiết kế của Việt Nam phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với văn hóa truyền thống, để trong dòng chảy chung đó mình hòa nhập mà vẫn không bị hòa tan.

Trước một cánh cửa mới, dù khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng nếu giải quyết được những mặt hạn chế trên và biết nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta có thể hi vọng vào sự sáng lên của thời trang Việt trong thời gian tới.

Vương Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét