Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Nguyên PTT Nguyễn Khánh: Tôi rất lo về lối sống của dân ta

Nguyên PTT Nguyễn Khánh: Tôi rất lo về lối sống của dân ta

Không ít người quan niệm về lẽ sống, mục đích sống khác trước, chỉ chăm lo lợi ích cá nhân chứ không chú ý tới lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của xã hội, không hy sinh, đóng góp công sức của mình cho đất nước- Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Chủ tịch danh dự Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Không phải mọi cái đều tốt đẹp!

Là chủ tịch danh dự Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ông đánh giá sự quan tâm, nhận thức của người dân hiện nay về văn hóa, về di sản văn hóa... có gì khác so với thời gian ông là Phó Thủ tướng?

- Hồi làm Phó Thủ tướng theo dõi văn hóa, tôi thấy nhiều người có quan niệm đặt văn hóa sau kinh tế, phụ thuộc vào kinh tế, nhiều cơ quan nhà nước không chú ý thật sự đến điều kiện thực tế để xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Lúc bấy giờ, nhiều người, nhiều nơi không hứng thú làm văn hóa, thường để hết công sức vào việc làm ăn, sinh sống, tăng thu nhập cho cá nhân và gia đình, cho địa phương, nghĩa là các hoạt động kinh tế.

Bây giờ văn hóa được coi trọng hơn trước nhiều, đã được xác định là mục tiêu và động lực của phát triển. Trong nhận thức của các cơ quan, cán bộ của Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội đã hiểu rằng văn hóa là sức mạnh của một dân tộc, một quốc gia. Chính sức mạnh ấy tạo nên những thắng lợi, những chiến công của nhân dân ta, dân tộc ta cả trong thời chiến lẫn thời bình. Văn hóa là con người, là sự hiểu biết, ý thức, nhiệt tình... của con người với cuộc sống riêng cũng như cuộc sống chung của toàn xã hội. Nhận thức của xã hội, cũng như của các cơ quan phụ trách văn hóa về di sản văn hóa cũng đã rõ hơn và sâu hơn. Truyền thống văn hóa của ông cha đang được khơi dậy. Những vấn đề về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được các cơ quan của Đảng, nhà nước, các đoàn thể ở trung ương và nhân dân ở từng địa phương, từng làng bản coi trọng.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh. Ảnh: nhabaovacongluan.vn

Tuy vậy, không phải mọi cái đều tốt đẹp. Nước ta còn rất nhiều vấn đề về xây dựng văn hóa mới, xây dựng con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam trên con đường phát triển tiến tới xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Tôi tán thành quan điểm đặt vị trí của văn hóa tương đương với hoạt động kinh tế, vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Có con người mạnh về vật chất và tinh thần, có môi trường văn hóa - xã hội tốt đẹp thì mới có đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nhận thức có thay đổi, nhưng sự quan tâm đến văn hóa và di sản văn hóa đã được thể hiện đúng cách chưa, hay vẫn chỉ ở bề nổi, mang tính thành tích? Ví dụ, cũng khôi phục lễ hội nhưng bản chất tốt đẹp của lễ hội lại mất đi? Vào đền, chùa lại chen chúc chỉ để cầu danh lợi? Trùng tu di tích ồ ạt theo kiểu xây mới, phá đi những giá trị lâu đời?

- Nhân dân ta, Nhà nước ta đã ngày càng chú trọng việc tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử-văn hóa cũng như xây mới các công trình văn hóa, đó là bước tiến, là thành công lớn.

Việc các nhà văn hóa, nhà sử học... cũng như người dân lên án, phê phán hành vi phá hoại, làm hư hỏng các di sản ấy chứng tỏ người dân đã có ý thức, hiểu biết rõ hơn về văn hóa và di sản văn hóa, cả di sản vật thể và di sản phi vật thể. Dư luận lên án thái độ của những người không có ý thức xây dựng quê hương đất nước, không có lòng tự trọng, không thấy tự hào về đất nước có truyền thống vẻ vang và đang trên đường phát triển mạnh.

Trong những di sản văn hóa mà ta phải bảo vệ, phát huy, theo tôi quan trọng nhất là xây dựng con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp. Tổ tiên, ông cha ta đã để lại truyền thống hết sức cao quý, bao nhiêu đời nay dạy con cháu nếp sống tử tế, đứng đắn, phúc hậu, trung thực, lòng nhân ái, và sâu xa hơn nữa là yêu tổ quốc, yêu đồng bào... Bây giờ, khi đất nước đang đổi mới, đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa, di sản văn hóa là cái phải được trân trọng, giữ gìn cho thật tốt, lấy giá trị của truyền thống tốt đẹp khắc phục những thái độ, hành vi không đúng đang hàng ngày diễn ra trước mắt chúng ta.

Tiêu cực diễn ra khắp nơi, nhưng...

Festival hoa Đà Lạt 2010. Ảnh: Ngọc Nguyê

Ông có lạc quan quá không? Dường như điều kiện vật chất có tốt lên nhưng trong văn hóa ứng xử đang có sự xuống cấp, thiếu sự tôn trọng truyền thống, tôn trọng những di sản của quá khứ?

Tôi có lạc quan, nhưng không chủ quan đâu. Không thể không thừa nhận là các hiện tượng tiêu cực đã và đang diễn ra nhiều, ở khắp nơi. Không ít người quan niệm về lẽ sống, mục đích sống khác trước, chỉ chăm lo lợi ích cá nhân chứ không chú ý tới lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của xã hội, không hy sinh, đóng góp công sức của mình cho đất nước. Điều kiện khách quan của thời kỳ hòa bình, phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa thế giới với những ảnh hưởng mặt trái của thị trường, ảnh hưởng văn hóa không tốt ở nước ngoài tác động vào một bộ phận không nhỏ nhân dân, đặc biệt là thanh niên. Điều đó là có thật, và đáng lo ngại.

Chính vì thế mà ta càng phải hết sức đề cao truyền thống văn hóa, di sản văn hóa Việt nam. Mỗi người hãy nghĩ mình là con cháu những ai, ông cha ta đã làm những gì, đã dạy con cháu thế nào để tạo nên những thế hệ người Việt Nam anh hùng, tài giỏi, có đức độ, được thế giới kính trọng.

Tuy hiện tượng tiêu cực diễn ra khắp nơi, dưới nhiều hình thức, nhưng theo tôi, nhìn tổng thể thì nhận thức, ý thức văn hóa của người Việt Nam tốt hơn trước nhiều. Chúng ta phải tiếp tục phát huy, nâng cao những tiến bộ, nhận thức và hành vi có văn hóa của người Việt Nam ở các lĩnh vực, các địa phương, đồng thời nghĩ cách khắc phục cho được những thái độ, hành vi không tốt. Tôi nhận thấy ở các đô thị hành vi tiêu cực bộc lộ nhiều hơn ở nông thôn, và đó là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đã không biết giữ gìn, không biết tự trọng, cũng là trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các đoàn thể của dân không làm tốt việc giáo dục tuyền truyền cho mọi người về những giá trị của con người Việt Nam xưa và nay. Đúng ra là có tuyên truyền, động viên nhưng thiếu những biện pháp, những việc làm thiết thực, có hiệu quả để khuyến khích những hành vi tốt, đấu tranh chống những hành vi phản văn hóa.

Đại lễ hoành tráng mà môi trường văn hóa kém thì...

Chúng ta đã bước vào năm của Đại lễ 1000 năm Thăng Long, với những hoạt động chính thức đầu tiên là Lễ hội Phố hoa Hà Nội, Festival Hoa Đà Lạt... Dường như Đại lễ 1000 năm Thăng Long vẫn đang được nhìn theo cách là năm của lễ hội, của những công trình mới kỷ niệm. Theo ông, đâu là giá trị tinh túy nhất của 1000 năm TL, và mỗi người nên kỷ niệm 1000 năm theo cách nào?

- Tinh thần đề cao 1000 năm Thăng Long với ý thức tự tin, tự hào về dân tộc mình để làm những công việc lớn như bây giờ đang làm và sắp làm là rất tốt. Những công trình kinh tế, văn hóa, phúc lợi xã hội được xây dựng là những công việc rất cần thiết phải làm để phát triển đất nước theo những kế hoạch, chủ trương của Đảng và Nhà nước, lại được gắn với ý nghĩa kỷ niệm 1000 Thăng Long để thực hiện với ý thức, trách nhiệm và nhiệt tình cao hơn, có chất lượng tốt hơn.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bằng một đại lễ, không phải của riêng Hà Nội mà của cả nước là đúng rồi. Nhưng tôi nghĩ cái gốc của đại lễ này không phải là những công trình, những lễ hội, đó chỉ là những việc làm cụ thể. Cái gốc sâu xa của đại lễ Thăng Long - Hà Nội 2010 phải là bộc lộ rõ hơn cái giá trị của con người Việt Nam, của con người Thăng Long - Hà Nội, phải xây dựng con người Hà Nội cho xứng với vị trí và giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Xây dựng thủ đô ngàn năm văn hiến thì trước hết phải xây dựng con người của thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại. Phải khắc phục được những yếu kém, tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân Hà Nội, khắc phục sự mất trật tự kỷ cương, lối sống ích kỷ, tranh giành...

Đại lễ 1000 năm Thăng Long đang đến gần, Ảnh: gfcexpo.com

Tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long hoành tráng mà con người Hà Nội vẫn tiếp tục có những hành vi xấu, không văn hóa, mà để cho môi trường văn hóa của Hà Nội tiếp tục kém thì không thể gọi là thành công.

Trong dịp chuẩn bị và tiến hành đại lễ 1000 năm, cùng với các công trình có chất lượng cao, với những lễ hội lành mạnh, vui tươi để bày tỏ sự tôn kính ông cha, bày tỏ lòng tự hào về lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phải làm ráo riết việc giáo dục con người, đấu tranh phê phán quyết liệt chống các hành vi tiêu cực. Tôi tán thành ý kiến của một số nhà nghiên cứu về Hà Nội là các cơ quan lãnh đạo thành phố Hà Nội cần mở cuộc vận động xây dựng Người Hà Nội văn minh - thanh lịch - hiện đại. Hà Nội phải dẫn đầu cả nước trong công cuộc xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị văn minh và hiện đại.

Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn

Để Hà Nội thật sự là thành phố văn minh thì người đứng đầu mỗi tổ chức, mỗi gia đình... có vai trò rất quan trọng?

- Đây thật sự là vấn đề bức bách. Giải quyết nó phải bằng những việc làm rất thiết thực và thích hợp, ở từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, từng cơ quan và tổ chức. Làm có chiều sâu, chứ không phải là những hoạt động theo phong trào, càng không thể là việc làm hình thức. Thay đổi tư tưởng, nếp sống là rất khó, giữ gìn truyền thống, nhưng gắn truyền thống với hiện đại, với đổi mới theo hướng công bằng, dân chủ, văn minh lại càng khó. Nhưng đây là một sự nghiệp tư tưởng - văn hóa nhất thiết phải làm, đòi hỏi ý thức trách nhiệm, trí tuệ và công sức rất nhiều và rất cao của mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi khu dân cư, của các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở Hà Nội, với sự hỗ trợ rất tích cực của các cơ quan trung ương.

Tôi thấy cần định rõ yêu cầu cần đạt tới của Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đến hết năm 2010 ta sẽ "điểm" kết quả thế nào? Là số lượng và chất lượng các công trình, các lễ hội, hay sự tiến bộ, mức độ tiến bộ chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, của người Hà Nội cả nếp sống văn hóa và đời sống vật chất, sự tiến bộ rõ rệt của môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa.

Điều mấu chốt là khơi dậy cho được lòng tự trọng trong mỗi người dân, tự trọng mình là người Việt Nam, là người Hà Nội, sống trên đất thủ đô. Mất đi sự tự trọng ấy thì sẽ hành động phi văn hóa ngay. Mỗi đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ nhà nước phải gương mẫu. Đây không phải chỉ là đạo lý, là lý thuyết, mà thực tế từ kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến đã cho ta bài học sâu sắc: sự gương mẫu của những người lãnh đạo, của các đảng viên là động lực rất mạnh để toàn dân tự nguyện chịu đựng hy sinh gian khổ, đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi.

Về biện pháp thì phải vừa tuyên truyền giáo dục, vừa xử lý bằng pháp luật và kỷ luật của tổ chức rất nghiêm minh. Những việc làm phi pháp phải được trừng trị nghiêm khắc. Tôi tán thành ý kiến của nhiều người rằng ở ta dân chủ chưa được tốt, nhưng tệ hại hơn là kỷ cương phép nước bị xem nhẹ, hiệu lực của pháp luật, hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước không đủ mạnh.

Tôi hy vọng rằng tới đây sẽ không có những hoạt động theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", làm rầm rộ lúc đầu rồi yếu dần, nhạt dần, không có hiệu quả đáng kể. Sẽ không còn những cách làm chỉ có bề nổi, không có chiều sâu, không có văn hóa. Đã nói là phải làm, đã làm gì thì làm đến nơi đến chốn. Đó mới là văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét