Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Nhà giáo lên báo, nhà báo lệch lạc?

Nhà giáo lên báo, nhà báo lệch lạc?

Cập nhật lúc 08:29, Chủ Nhật, 24/01/2010 (GMT+7)
,

- Hiện nay, trên mặt báo thường xuất hiện thông tin về những hành động thô bạo giữa thầy và trò.

Câu chuyện "sinh viên tạt axit vào thầy giáo" vừa qua đi thì sự kiện "trò đánh thầy bị ngất" lại tới. Việc "cô phạt cả lớp 400 roi", "thầy giáo phạt học sinh thụt dầu" mới nguôi, lại tiếp chuyện "20 nữ sinh không thuộc bài bị thầy đánh".

Báo chí đưa những thông tin tiêu cực có làm cho bức tranh học đường xấu đi? Hay những sự việc như thế này đang gia tăng trong xã hội và báo chí lên tiếng cảnh báo? VietNamNet đã tìm gặp các nhà báo và nhà giáo để nghe ý kiến.

Học sinh tặng hoa cho thầy, cô trong ngày khai giảng ở Trường TH Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Minh Quyên

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội): "Báo chí có chút lệch lạc"

thaySon.jpg
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn.

Hiện tượng trò đánh thầy, thầy đánh trò được phản ánh nhiều trên báo chí. Nhưng dựa vào hiện tượng cụ thể đó để khẳng định cho cái gì đó chung nhất trong toàn xã hội thì tôi sợ rằng như vậy là quá sớm.

Báo chí phản ánh các sự kiện tiêu cực, tôi không dám nói đạo đức báo chí xuống cấp. Nhưng tôi đã từng nói với các nhà báo, nhiệm vụ chính của báo chí là định hướng.

Khi đứng trước hiện tượng của xã hội, anh có 2 cách để phản ánh: phản ánh trực diện và lấy cái tốt để xóa cái xấu. Tại sao, trong lúc này chỉ đưa ra những cái xấu mà không đưa ra nhiều tấm gương, nhiều mô hình mà ở đấy người ta giáo dục tốt, giải quyết được xung đột. Cho nên, ở đây tôi cho rằng có một chút lệch lạc trong vấn đề phản ánh của báo chí.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nhà không quét, sao hết rác?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Nếu nói là do báo chí đưa nhiều thông tin bạo lực học đường làm sự việc thêm căng thẳng thì không đúng. Tôi nghĩ là báo chí không thể tự đưa được mà là bản thân sự việc này ngày càng nhiều trong xã hội.

Hiện tượng thầy đánh trò, trò đánh thầy so với các hiện tượng khác trong xã hội không phải là nhiều. Nhưng báo chí lên tiếng để cho người ta phải chấn chỉnh, cảnh báo cho xã hội.

Khi báo chí đưa thông tin có hai mặt: Tích cực là cảnh tỉnh, báo động cho mọi người biết tình trạng của nó là như vậy. Đó là cần thiết và là nhiệm vụ của báo chí.

Nếu trước hiện tượng đó mà báo chí không nêu, rất nhiều người sẽ không biết để đánh giá đúng thực trạng, sự nghiêm trọng của nó. Rất nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà xã hội học, phụ huynh... coi báo chí là kênh thông tin để hiểu thêm những hiện tượng xã hội và con em mình.

Song, đúng là cũng có nhiều khi báo chí có thể làm đậm hơn, nghiêm trọng hơn là đẩy nó đi đến mức “to chuyện” thêm một chút. Ví dụ vài học sinh đánh nhau thì gọi là "giang hồ, xã hội đen", trong khi những đứa học trò đó đã đến mức gọi như vậy hay chưa? Cách dùng từ ngữ như vậy nặng quá. Điều này các nhà báo cần rút kinh nghiệm.

Không nên cho rằng khi nói hiện tượng xấu quá, xã hội phức tạp quá sẽ làm cho bức tranh xã hội đen tối mà không đưa tí gì cả. Nhưng khi đưa những thông tin này cũng nên hạn chế ở một mức nào đó bằng việc nhìn cái lợi chung mà làm.

Nhà báo Nguyễn Thị Trâm (Báo Giáo dục và Thời đại): Vấn đề là "động cơ" của nhà báo ra sao

Mô tả ảnh.
 Nhà báo Nguyễn Thị Trâm

Gần đây, báo chí phản ánh khá nhiều những vụ việc liên quan đến đạo đức thầy trò xuống cấp, thậm chí nhiều báo cùng phản ánh một sự việc tiêu cực, trong khi những việc biểu dương thì rất ít. Sự phản ánh thiên lệch đó trong giáo dục, ở khía cạnh nào đó khiến cho xã hội cảm thấy giáo dục đang đi xuống.

Báo nào cũng mong muốn nhiều bạn đọc. Trong khi bạn đọc lại lại thích đọc thông tin giật gân. Thị hiếu này thúc đẩy nhà báo thực hiện để tồn tại. Tại sao việc tích cực lại không được khai thác rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng? Tôi nghĩ trách nhiệm cũng thuộc về cả cơ quan quản lý báo chí và quản lý ngành trong việc phổ biến thông tin.

Tuy nhiên, báo chí chạy theo phản ánh những việc đó, không hẳn là đạo đức báo chí cũng xuống cấp.

Vấn đề là liều lượng như thế nào và sự toàn diện, khách quan cũng như động cơ của nhà báo khi phản ánh thông tin.

Cũng cùng một sự việc tiêu cực, với nhà báo có động cơ xây dựng, người ta cũng nghĩ khác. Nhưng có người không có động cơ xây dựng, chỉ nghĩ đến mục đích làm cho mình nổi tiếng, nhiều người đọc đến mình và tờ báo bán được nhiều hơn...

Cuối cùng thì vẫn là đạo đức, quan điểm, năng lực của nhà báo trước các hiện tượng, sự việc của xã hội.

Trước đây, những sự việc này xuất hiện ít trên báo chí, không có nghĩa là không có chuyện thầy đánh trò. Lúc đó, báo chí chưa phát triển. Bây giờ, thông tin phát triển, cởi mở hơn và quy luật hơn, thông tin "đạo đức thầy trò" xuất hiện dày đặc hơn nhưng cũng không nghĩa là đạo đức nhà báo đi xuống.

Thầy Nguyễn Quý Xuân (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội): Cái tốt hiếm khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin

Mô tả ảnh.
Thầy giáo Nguyễn Qúy Xuân.

Báo chí khi đưa tin để cảnh bảo và lên án, nhưng đôi khi không để ý đến cái mà người ta gọi là tác dụng phụ, đưa lên đồng loạt và nhiều lần, khiến mọi người nghĩ giáo dục đi xuống nhiều quá.

Làm sao phải đưa ra để trong bài báo mọi người rút kinh nghiệm. Nhưng cũng phải phân tích để cho thấy đấy chỉ là hiện tượng cá biệt. Còn cái tốt hiếm khi thấy báo chí đồng loạt đưa tin. Tác dụng phụ đôi khi thành tác dụng chính.

Đạo đức báo chí có đi xuống? Theo tôi, người điều hành báo chí bản thân cũng là một con người và các phóng viên phải nhận thức được đó là thiểu số hay đa số. Mục đích viết bài báo để câu khách hay để giáo dục, để cảnh báo, nhắc nhở hay mong muốn của người phóng viên làm cho ngành giáo dục tốt lên hay chỉ là muốn đưa một cái tít giật gân, câu khách làm báo của mình bán chạy hơn.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Nên có tiếng nói của các chuyên gia

Là một người trong nghề và cũng với tư cách bạn đọc, tôi thấy có những vụ việc xảy ra trong cuộc sống và báo chí đưa tin, cảnh báo là cần thiết.

Thông thường, khi có sự kiện thầy đánh trò, trò đánh thầy, các báo chỉ đưa tin, sau đó có nhiều ý kiến phân tích. Tuy nhiên, theo tôi, nên có thêm sự xuất hiện của các chuyên gia tâm lý, sư phạm, để chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Làm được như vậy sẽ có ích hơn cho người đọc. Tránh tình trạng, hôm nay báo đưa tin một vụ, mai lại một vụ, ngày kia lại một vụ to hơn... người đọc báo theo đó cũng dễ bị stress.

Mở báo ra, người ta nghĩ báo chí lại nói chung chung, nào là do đạo đức học trò bây giờ không tốt, nào là ảnh hưởng của bạo lực, thanh niên hư hỏng...; nói tới ông thầy thì nói tới nền giáo dục hoặc là do thầy bị áp lực... Những lý luận suông như vậy thì ai nói cũng được.

Cũng trò đánh thầy, thầy đánh trò nhưng mỗi sự kiện một khác. Vì thế, người đọc muốn biết từng trường hợp cụ thế: Ông A bị áp lực ra sao? Tại sao ông hành động như thế? Mối quan hệ thầy trò trước nay như thế nào?... Từ cái cụ thể rồi mới tìm ra cái lý luận chung. Không thể lấy lý luận suông áp đặt cho từng trường hợp cụ thể.

Sau khi đưa tin, báo chí nên có ý kiến của chuyên gia nhiều chiều, bạn đọc cũng có ý kiến nhiều chiều để hiện lên toàn vẹn vấn đề và người đọc họ tự suy ngẫm.

Nhà báo Hà Thạch Hãn: Trò đánh thầy là trái đạo, thầy đánh trò càng không thể chấp nhận

Nhà báo Hà Thạch Hãn.
Nhà báo Hà Thạch Hãn.
Trước đây, những vụ phụ huynh đánh thầy, trò đánh thầy cũng có nhưng không nhiều, tất nhiên thầy bạo hành trò càng hiếm hơn. Nhìn chung, những vụ hành xử theo đúng nghĩa "xã hội đen" trong quan hệ thầy - trò rất ít xảy ra, nếu không muốn nói là rất cá biệt.

Vì vậy, khi xuất hiện những vụ việc như thế, báo chí bao giờ cũng đi đầu. Vai trò của báo chí là phát hiện và nếu thấy nó đi ngược lại với những chuẩn mực của xã hội thì lên án, định hướng dư luận có thể bằng chính kiến riêng hoặc có thể thông qua nhận định, phân tích từ các chuyên gia, đoàn thể xã hội, các ngành chức năng... Tất nhiên, cũng có những vụ việc cần phải huy động sự tham gia của đông đảo bạn đọc để cùng trao đổi, phân tích, kể cả tranh luận nhằm làm sáng tỏ hơn một vấn đề nào đó.

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thông tin nhiều chiều để bạn đọc có thể nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, thấu đáo hơn.

Như vụ việc thầy giáo Võ Hải Bình (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) gần đây, báo chí một mặt không đồng tình khi thầy giáo để học sinh nhận hình phạt thụt dầu, nhưng mặt khác muốn minh thị cho bạn đọc rằng những công việc nặng nề hiện nay của người thầy cũng đang là một thứ áp lực không nhỏ.

Tất nhiên, chỉ xem đó như một tác nhân để tham khảo chứ không nên xem là yếu tố biện minh, không đổ vấy bởi đối tượng mà dư luận lên tiếng suy xét ấy đang phụng sự cho một nghề hết sức cao quí và đầy lòng tự trọng: nhà giáo. Và vì là một nghề nhiều tự trọng như thế nên khi phán xử cần phải xem xét nhiều chiều, nhiều góc cạnh, khách quan và tuyệt đối không để bị tác động bởi động cơ nào, ý chí nào.

Cuối cùng, xưa hay nay, tôn sư trọng đạo vẫn là một đạo lý thiêng liêng, là phần hồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có.

Ai trong cuộc đời cũng có một góc đáng nhớ về một thời đi học, về nghĩa thầy trò ắp đầy kỷ niệm đẹp và sáng trong. Trò đánh thầy đã là trái đạo, thầy đánh trò lại càng không thể chấp nhận. Cho nên, ở đâu hay bất kỳ lúc nào, hễ có hiện tượng hành xử thô bạo trong quan hệ thầy trò - dù từ một phía, hai phía hay nhiều phía cũng đều cần kịch liệt lên án. Điều đó cần được xem như là một phản ứng tự nhiên của mọi người, của xã hội để kịp thời ngăn chặn, hạn chế những vụ việc tương tự, trong đó vai trò của báo chí là rất lớn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn sinh năm 1950, tốt nghiệp khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc; dạy Văn từ năm 1973 đến 1982 bắt đầu làm công tác quản lý. Năm 2000 là Phó Ban tuyên giáo Hòa Bình; năm 2001 là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo TW); năm 2005 đến nay là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, nguyên quán Bến Tre, lớn lên tại Hà Nội. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo và là giảng viên Khoa Truyền thông - Báo chí (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM). Ông là cây bút phóng sự tên tuổi và và có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng văn học và báo chí.

Nhà báo Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1955, tốt nghiệp khoa Sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1; từ năm 1978-1988 là giáo viên cấp 3; từ năm 1988 đến nay công tác tại Báo Giáo dục và Thời đại.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh năm 1944, quê tại Hà Tây. Bắt đầu viết văn vào những năm 1960 và chuyển sang làm báo chuyên nghiệp những năm 1970. Bà nổi tiếng với các tác phẩm thuộc thể loại ký nhân vật. Từ năm 2002 đến nay, bà cho ra đời một loạt sách viết về các nhà tình báo huyền thoại, nổi tiếng nhất là tác phẩm: Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời. Hiện bà đã về hưu nhưng vẫn dành phần lớn thời gian để đọc sách và viết lách.

Nhà báo Hà Thạch Hãn sinh năm 1968, nguyên quán tại Quảng Trị. Là một cây bút thành danh và từng có nhiều năm kinh nghiệm phụ trách mảng giáo dục, hiện nay anh là Phó Tổng Thư ký Tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

  • Minh Quyên - Bảo Anh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét