Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Giáo dục đại học: Đổi mới thụt lùi?

06:31 | 30/09/2011

Giáo dục đại học: Đổi mới thụt lùi?

> Nhất thiết phải cải cách giáo dục

TP - Một số đổi mới của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam thời gian qua có thể khiến chất lượng đào tạo đi xuống. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: M.H
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: M.H.


Năm ĐH công lập sẽ được thí điểm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, tổ chức biên chế, tài chính, nhân sự. Việc này có tác động như thế nào tới chất lượng giáo dục ĐH?

Tôi cho rằng, những quy định về quyền tự chủ của các trường trong dự thảo luật GDĐH là quy định cởi mở nhất từ trước tới nay. Nếu được thông qua, thì đến đầu năm 2013, không chỉ năm trường mà tất cả các trường đều tự chủ. Như vậy, việc để năm trường thí điểm thực hiện quyền tự chủ trong vòng một năm tới liệu có còn cần thiết và có gấp gáp quá không?

Nếu thận trọng hơn, nên có lộ trình; quyền tự chủ sẽ được xác lập theo những mức độ khác nhau, tùy năng lực của các trường. Điều quan trọng là phải có cơ chế để giám sát việc này.

Điều kiện tiên quyết nào để thực hiện quyền tự chủ trong các trường ĐH?

Trước hết, các trường phải có hội đồng trường, trong đó có sự tham gia của đại diện chủ sở hữu và các thành phần xã hội. Trong 450 trường ĐH, CĐ mới chỉ 8 trường có hội đồng trường, hoạt động èo uột. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham gia hội đồng, nhưng doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà dự họp hay đóng góp gì. Còn chính quyền và cộng đồng dân cư gần như không thể có tiếng nói nặng ký đối với kế hoạch, nội dung, phương pháp đào tạo và cách thức điều hành công việc của các trường.

Ngoài ra, phải có cơ chế kiểm định chất lượng đào tạo. Hiện nay, nước ta chưa có một tổ chức kiểm định nào, trừ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT vừa làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, vừa thực hiện nghiệp vụ tổ chức thi và kiểm định chất lượng.

Từ nay đến lúc có hệ thống kiểm định chất lượng, các trường phải tự kiểm định chất lượng rồi tự công bố. Đó mới là đánh giá trong. Muốn khách quan, phải có cả đánh giá ngoài.

Nhưng dù có hình thành được hệ thống kiểm định chất lượng thì với một hệ thống mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, cộng thêm yếu tố tiêu cực thường rất phổ biến trong xã hội hiện nay, liệu kết quả kiểm định của các tổ chức kiểm định có đảm bảo tin cậy không? Với những quy định trong dự thảo Luật GDĐH về kiểm định chất lượng, tôi chưa tìm thấy câu trả lời.

Bởi vậy, tôi chia sẻ với lo lắng của nhiều người là việc trao quyền tự chủ cho các trường, từ xác định chỉ tiêu tuyển sinh đến xây dựng chương trình đào tạo, in, cấp bằng… Không có lộ trình hợp lý và cơ chế giám sát hữu hiệu sẽ khiến chất lượng giáo dục ĐH đã thấp lại càng thấp thêm.

Tự chủ, nhìn một khía cạnh nào đó cũng chính là một mô hình “thị trường hóa” giáo dục ĐH, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Với quan niệm truyền thống của người Việt Nam, nghề dạy học là nghề rất thiêng liêng. Nhiều nhà giáo dục hàng đầu kiên quyết phản đối khái niệm thị trường giáo dục. Nhưng chúng ta không thể duy ý chí được vì thực ra Việt Nam đã có thị trường giáo dục rồi.

Một số nước đã sang Việt Nam liên kết mở trường. Hầu hết các trường ngoài công lập của ta hiện nay đều hoạt động theo kiểu doanh nghiệp. Ngay ở trường công, cũng có những bộ phận hoạt động theo lợi nhuận. Bởi vậy, có thừa nhận thực tế này mới có chính sách đúng để điều chỉnh được.

Theo tôi, điều đáng bàn hơn là chất lượng của thị trường này. Mô hình đào tạo ĐH hiện nay có nhiều đổi mới nhưng rất phức tạp. Rất nhiều chương trình liên kết với nước ngoài là liên kết với những trường rởm, tức là những trường được phép thành lập như một doanh nghiệp nhưng không được công nhận chất lượng. Chính vì vậy, mới có chuyện người học được cấp bằng thạc sỹ, tiến sĩ của trường Mỹ mà không cần biết tiếng Anh!

Hoạt động của nhiều trường tư rất manh mún, vốn đầu tư rất nhỏ. Có trường tay không bắt giặc, xin được quyết định mở trường là chiêu sinh ngay mà không thèm có cơ sở vật chất, chỉ đi thuê. Tuyển sinh được là lại vốn rất nhanh. Như thế có khác gì lò luyện thi? Bức tranh ĐH của ta hiện nay giống như nhà ở đô thị cũ, diện tích chừng 30 - 40m2, ở thì được, nhưng về sau thành phố muốn giải tỏa để làm đẹp thì không có cách gì giải quyết vì không đủ tiền đền bù.

Nhằm tạo ra những mô hình mới làm hình mẫu cho GDĐH Việt Nam, gần đây, Nhà nước lập ra năm trường ĐH kết hợp với nước ngoài, gọi là ĐH xuất sắc. Tôi không tin vào hiệu quả của mô hình này, dù kinh phí bỏ ra rất lớn, đối ứng của phía Việt Nam cũng tới 200 triệu USD/trường. Tính ra năm trường đầu tư hết 1 tỷ USD, cộng thêm phần tài trợ quốc tế chắc chắn đây thuộc dự án phải đưa ra Quốc hội xem xét.

Năm 2010, một đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đi khảo sát một trong năm trường vào khóa đầu tiên. Khi đó, cả trường có 28 học sinh. Học phí 15.000 USD/người/năm. Để khuyến khích, Nhà nước đóng thay cho mỗi em 7.500 USD/năm.

Trong khi các em đó không thuộc đối tượng chính sách như gia đình có công với nước hoặc dân tộc thiểu số. Hơn nữa, học sinh vào các trường đó thường không phải học sinh xuất sắc. Nhà nước đầu tư như thế có đúng chỗ, đúng đối tượng không?

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng (thực hiện)

Sẽ thu lại quyền tự chủ nếu yếu kém hoặc vượt rào

(GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)

Ông Bùi Văn Ga
Ông Bùi Văn Ga .


Trong bối cảnh hệ thống giáo dục ĐH của nước ta hiện nay chưa đồng đều, có những trường đã có bề dày kinh nghiệm lâu năm nhưng có những trường mới được thành lập; có những trường có đội ngũ mạnh và kinh nghiệm quản lý tốt nhưng có những trường đội ngũ cán bộ giảng dạy còn mỏng và quản lý chưa vững vàng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các trường trước mắt cần theo năng lực quản lý thực tế của từng trường.

Trong thực tế, các Đại học Quốc gia, đại học vùng, trường đại học trọng điểm đã được giao quyền tự chủ rất cao. Và mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao với những cơ chế đặc thù cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Số lượng các trường được giao quyền tự chủ sẽ tăng dần theo năng lực quản lý và chất lượng đào tạo của họ.

Điều 26 của dự thảo Luật GDĐH nhấn mạnh: “Cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân với điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, với cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và với kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học”.

Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH là không đồng loạt, mà có lộ trình, đồng thời nếu cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động theo các quyền đã giao thì các quyền đã được giao sẽ bị thu hồi.

Hồ Thu (ghi)

Nên cho các trường tự mở ngành

(Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)

Dự thảo Luật GDĐH trao thêm quyền tự chủ cho các trường nhưng cần mở rộng hơn nữa. Đó là cho phép các trường mở ngành, từ trước đến nay quyền này thuộc về Bộ và xin phép rất khó khăn. Đương nhiên, Bộ sẽ kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên rồi mới cho phép mở.

Tuy nhiên, 2 tiêu chí này không phải hoàn toàn được như Bộ quy định, có nhiều trường có nhiều giáo viên kê khai tên dạy ở nhiều trường. Bộ nên kiểm tra lại việc này và không cho phép làm như vậy mà phải tính toán giáo viên quy đổi một cách cụ thể và nghiêm túc.

Mặc dù Dự thảo Luật GDĐH đã mở cho các trường nhiều hơn quyền tự chủ, nhưng vẫn nằm trong cơ chế xin - cho, nên bỏ bớt.

Bộ cho thành lập quá nhiều trường ĐH và mở nhiều ngành trùng lặp, trường nào cũng đào tạo kinh tế, tài chính, ngân hàng… Thậm chí có những ĐH lớn chuyên đào tạo khoa học cơ bản cũng nhảy vào đào tạo những ngành ăn khách kể trên.

Bộ GD&ĐT cần tính đến việc quy hoạch lại ngành nghề đào tạo của các trường một cách rõ ràng: ĐH lớn để đào tạo các ngành khoa học, ngành sư phạm thì chỉ đào tạo các ngành đó; các chuyên ngành hẹp để các trường khác làm. Bộ đã thả lỏng một thời gian, bây giờ rối ren và phải xem xét chấn chỉnh hàng chục năm, nhưng phải có biện pháp cứng rắn và thông qua Luật GDĐH sẽ có thể làm được.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường đào tạo theo địa chỉ; các trường này tự xác định điểm chuẩn, học phí, địa điểm tuyển sinh… Có trường ĐH mở lớp đào tạo theo địa chỉ cho tỉnh A nhưng 2/3 sĩ số lớp là sinh viên Hà Nội với mức học phí không rẻ. Bộ cũng cần kiểm tra và buộc các trường phải công khai, minh bạch và bình đẳng với các trường khác.

H.T (ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét