Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Phan Đức Chính - Người thầy của nhiều tài năng toán học trẻ

Thầy tôi
In bài này
Phan Đức Chính - Người thầy của nhiều tài năng toán học trẻ
Thứ Sáu, 03/12/2010, 02:20 CH | Lượt xem: 588
Phan Đức Chính - Người thầy của nhiều tài năng toán học trẻ

"Mấy chục năm đã trôi qua rồi đấy! Tôi đã dạy hàng nghìn học sinh chuyên Toán" - thầy Chính kể - "Học trò nhiều quá, lại ở rải rác khắp nước, tôi không sao nhớ hết! Tuy nhiên, có hai người rất thành đạt, tôi cảm thấy rất tự hào; đó là GS.TSKH Đào Trọng Thi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và GS.TSKH Trần Văn Nhung - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo...".

"Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"

Tôi muốn mượn hai câu thơ Tố Hữu trong bài thơ "Việt Bắc" để nói lên nỗi hoài nhớ của mình khi trở lại thăm Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) vào một ngày cuối đông lạnh giá năm 2005, khi Khối vừa được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhìn con "sông" cuồn cuộn chảy hôm nay, tôi bỗng hồi tưởng lại những ngày đầu cách đây hơn bốn thập kỷ, khi Khối mới là một mạch nguồn róc rách giữa chốn rừng sâu vùng Đại Từ, tỉnh Bắc Thái...

PGS.TS toán học Phan Đức Chính là người đã gắn bó với Khối từ những "ngày đầu rừng rú", "khi lửa mới nhen"...

Phan Đức Chính tốt nghiệp đại học năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi. Anh thuộc thế hệ các nhà khoa học được đào tạo ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954), cùng khóa với các nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Đàm Trung Đồn, Vũ Thanh Khiết, các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, các nhà toán học Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Thừa Hợp, Nguyễn Bác Văn...

Xuất thân từ một gia đình có công nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm, năm 1961, anh Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp danh tiếng. Mấy năm ở Matxcơva, Phan Đức Chính vừa viết luận án tiến sĩ, vừa cùng thầy là Giáo sư G. E. Shylov biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Độ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính". Đó là cuốn sách toán đầu tiên mà người Việt Nam là một đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô. Trở về nước năm 1965, anh Chính giảng dạy tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về các chuyên đề: tích phân Stieltjes, nhóm Lie, đại số Lie, nhóm Abel hữu hạn, nhóm Galois…, những chuyên đề mà hiện nay, theo anh Chính, không còn ai giảng dạy ở bậc đại học nữa.

Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người dành nhiều tâm huyết cho công tác giáo dục và đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhất là tài năng toán học. Thủ tướng chỉ ra từ giữa những năm 1960: "Nhiều ngành khác thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không phải bạc đầu đâu, ta có thể đi nhanh". Để có thể "đi nhanh", Thủ tướng nêu lên phương hướng rất rõ ràng: "Nếu trong tất cả các trường phổ thông từ cấp I lên cấp II, ta có cách gì phát hiện phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (...), nâng đỡ cho các em phát huy tài năng của các em thì rồi đây ta sẽ có những nhà toán học trẻ có tài năng ghê gớm. Đối với ngành Toán, phải làm như vậy mới kịp người ta".

Thủ tướng muốn mở những lớp chuyên ngay từ cấp II, và dạo ấy, đã từng có nhiều lớp chuyên ở cấp II, như các lớp chuyên Toán của Hà Nội đặt tại trường Trưng Vương, được các thầy Tôn Thân, Lê Mộng Ngọc, Vũ Hữu Bình dạy Toán.

TS. Phan Đức Chính trở về nước đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson cho máy bay, tàu chiến đánh phá rộng khắp miền Bắc Việt Nam. Nhưng, cũng đúng vào năm tháng ấy, GS. Lê Văn Thiêm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và TS. Hoàng Tụy, Chủ nhiệm Khoa Toán, nói với TS. Phan Đức Chính:

- Thủ tướng vừa chỉ thị: Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các lớp Toán đặc biệt dành cho những học sinh cấp III có năng khiếu rõ nét. Anh hãy giúp một tay...

Chủ trương của Thủ tướng được GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp; GS. Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục; cũng như GS. Ngụy Như Kontum, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hết lòng ủng hộ.

Thế là, ngoài việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, từ nay, thầy Chính còn được giao thêm nhiệm vụ dạy các em học sinh cấp III chuyên Toán, một nhiệm vụ "lắt nhắt", mất nhiều thời gian.

"Đầu năm học 1965 - 1966, vượt qua những chặng đường bom đạn, các em học sinh cấp III mới 15 - 16 tuổi từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc nước ta tập trung về bãi Phúc Xá (Hà Nội), rồi được đưa lên nơi Trường sơ tán ở Đại Từ (Bắc Thái) - thầy Chính kể - Lớp học của các em là ba gian nhà tranh, vách nứa nằm giữa xóm Đình, gần Khoa Toán và Hiệu bộ. Các khoa trong trường cử những thầy giáo ở trình độ cao mà lại giàu nhiệt huyết đến dạy các em. Thầy vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm về giáo trình, phương pháp. Trò học rất vui, rất say mê. Đến khóa 2, đội tuyển học sinh chuyên Toán Đại học Tổng hợp đoạt 9 trong tổng số 10 giải của kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia. Thật là một thành công quá mức mong đợi! Ngoài việc học, các em "toán con" ngày ấy còn phải vào rừng chặt nứa vác về sửa sang lớp học, đốn củi nộp cho nhà bếp, không khác gì các anh, các chị sinh viên lớn tuổi, to khỏe hơn. Giờ đây nhớ lại, tôi cảm thấy thương các em quá chừng! Còn bé bỏng thế, mà đã phải sống xa nhà!...".

GS.TSKH Đào Trọng Thi, một cựu học sinh Khối THPT chuyên Toán khóa 2, kể lại: "Chúng tôi được gọi về trường, lúc đó đang sơ tán lên huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Con tàu thời chiến rời Hà Nội khi thành phố mới lên đèn đưa chúng tôi đến ga Quán Triều. Nhà trường ưu tiên cho một chiếc xe con ra ga đón. Chúng tôi thay phiên nhau, lúc cuốc bộ, lúc ngồi xe, vượt qua ba mươi cây số đường rừng trong đêm tối như bưng. Lớp học dựng trên một cái gò giữa cánh đồng hoang, chung quanh là núi cao xanh thẫm. Vào rừng đốn gỗ về đóng bàn ghế đơn sơ. Rồi đào hầm trú ẩn, hào giao thông chạy xuyên qua lớp học... Nhớ những đêm giá buốt giữa rừng Việt Bắc, ngồi quây quần bên bếp lửa, chờ chín nồi sắn luộc, ăn cho đỡ đói lòng. Rồi những buổi trưa hè nắng gắt, lên núi cao kiếm củi trở về muộn, đói lả người mà vẫn gánh trĩu vai. Nhớ những cái Tết xa nhà... Và những lần cuốc bộ ra ga về phép... Lạ lùng thay, chính trong những năm tháng khó khăn vất vả đến tột cùng ấy, tôi lại dám ôm ấp ước mơ trở thành... nhà toán học! Dưới tán rừng Đại Từ, chẳng mấy chốc mọc lên hàng trăm lớp học cho các anh chị sinh viên các khoa, và cả cho các em "toán con" bé nhỏ. Rồi phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ở, nhà ăn. Những lý thuyết khoa học hiện đại được giảng dạy trong mấy dãy "nhà lá ba gian/ nứa ghép hàng đôi làm bàn học/ chống trả mấy mùa mưa ngàn, mấy mùa gió lốc...".

Chính trong mấy năm sống và học tập giữa thung lũng Đại Từ, bên dãy Tam Đảo và dãy Cù Vân, ngoài việc trau dồi kiến thức toán học, những học sinh chuyên Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã học được nhiều điều vô cùng quý báu trong môn học khó nhất - "môn học làm người".

*

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Các trường đại học lần lượt trở về Hà Nội.

Mùa hè năm ấy, TS. Hoàng Tụy, có mặt tại Matxcơva đúng vào dịp diễn ra Olympic Toán quốc tế lần thứ 15. Hôm ấy V. A. Skvortsov, một người bạn của anh Tụy và cũng là thành viên Ban tổ chức, mời anh tham gia Đoàn chủ tịch buổi lễ bế mạc. Nhân đó, anh Tụy trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp nước bạn về khả năng Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 sẽ diễn ra tại Berlin (CHDC Đức). Khó khăn chính là: Liệu nước chủ nhà có vui lòng tài trợ chẳng những tiền ăn, ở tại CHDC Đức trong thời gian dự thi, mà cả tiền vé máy bay đi, về cho Đoàn học sinh Việt Nam? Anh Tụy hỏi người đồng nghiệp Đức. Ông này rất sốt sắng tán thành.

Trở về Hà Nội, TS. Hoàng Tụy xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để báo cáo. Thủ tướng đồng ý, nhưng nói thêm: "Chỉ có một điều tôi đòi hỏi các anh là đừng để Việt Nam ta đứng cuối bảng!"

Mùa hè 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục nước ta "mạo hiểm" cử một đội tuyển gồm 5 học sinh (nếu đủ, đội tuyển phải gồm 8 học sinh) đi dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức tại Berlin (CHDC Đức), do thầy Lê Hải Châu và TS. Phan Đức Chính lãnh đạo. Năm 1973, lần đầu tiên đội tuyển Cu Ba dự Olympic Toán quốc tế ở Matxcơva, chỉ được tặng 1 bằng khen. Thế mà bạn đã vui vẻ lắm rồi. Sang năm 1974, Việt Nam ta dự Olympic Toán quốc tế, với niềm hy vọng mong manh giành 1 huy chương đồng. Thế nhưng, kết quả thật không sao tưởng tượng nổi! 5 học sinh dự thi thì 4 đoạt huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ thiếu 1 điểm thì giành huy chương đồng.

2 giờ chiều ngày thứ hai, 15.7.1974, giữa thủ đô Berlin, Hội đồng thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức lễ trao giải thưởng cho các thí sinh. Thay mặt Hội đồng thi và Ban tổ chức, GS. Herbert Tisser đọc tên các học sinh đoạt giải và mời lên lĩnh bằng và huy chương. Đến chữ Hoàng Lê Minh, ông đọc rất chậm, có lẽ vì tiếng Việt khó phát âm. Nhưng đến quốc tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì rõ ràng ông cố ý nhấn mạnh. Tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài, hết đợt một, tiếp đợt hai. Từ hàng ghế học sinh, nhanh nhẹn mà không vội vàng, Hoàng Lê Minh bước lên bục đoàn Chủ tịch. GS. Wolfgang Engels, Chủ tịch Hội đồng thi quốc tế, nghiêng người bắt tay thân mật, rồi trao cho Minh bằng giải nhất và tấm huy chương vàng trước ống kính của các nhà nhiếp ảnh, quay phim. Ai cũng muốn ghi lại hình ảnh người học sinh Việt Nam vóc dáng bé nhỏ nhưng nét mặt thông minh, trầm tĩnh. Ai cũng ngạc nhiên bởi lẽ thật khó tưởng tượng nổi từ một đất nước bị máy bay chiến lược B52 của Mỹ kẻ ô vuông ném bom trải thảm, từ những mái trường sơ tán học dưới ánh đèn dầu đến dự thi Olympic Toán quốc tế, học sinh Việt Nam lại có thể đoạt giải, kể cả giải nhất!

Thật khó lòng nói hết nỗi vui sướng của người thầy khi thấy học trò của mình thành công.

Từ mùa hè năm 1974, năm nước ta bắt đầu dự thi Olympic Toán quốc tế đến mùa hè năm 2005, các học sinh trong khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN) đã mang về cho đất nước 58 tấm huy chương trong đó có 20 huy chương vàng. Dự thi toán quốc tế 2 năm liền (khi học lớp 11, rồi lớp 12), 4 học sinh trong Khối giành 8 huy chương vàng: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo.

Số nước dự Olympic Toán quốc tế trong những năm gần đây lên tới hơn 80. Tuy vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn được xếp - không chính thức, vì không có giải đồng đội - vào nhóm 10 nước dẫn đầu.

Trong báo cáo đọc tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII hồi tháng 10.2005, TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm khối, cho biết: 400 học sinh cũ của khối đã trở thành tiến sĩ, và 30 người khác đạt học vị cao hơn - tiến sĩ khoa học. Nhiều người đã trở thành giáo sư, nhà khoa học có tiếng như Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Lê Hồng Vân, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn... Đối với một trường trung học phổ thông không nhiều học sinh, đó quả là những sự kiện nổi bật.

Đúng là nước ta chưa có một trường đại học nào ở đẳng cấp quốc tế. Song, ở bậc trung học, thì chúng ta đã có một số trường mà tiêu biểu là Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đạt đẳng cấp quốc tế.

Một ngày trước Tết Bính Tuất, tôi lại đến thăm PGS. Phan Đức Chính, một người bạn "cố tri" tại nhà riêng của ông bên bờ Hồ Tây. Ông đã về hưu, cột sống bị vôi hóa, người gầy, xanh, chòm râu cằm lưa thưa. Nhưng, khi nhắc đến những tháng năm dạy phổ thông chuyên Toán, ông vẫn say sưa, đầy cảm xúc: "Trong đời, tôi chẳng mấy khi rơi nước mắt. Ấy thế mà, vào mùa hè năm 1974, lần đầu tiên dẫn 5 em học sinh ta đi thi toán quốc tế ở Berlin, giành một lúc 4 giải, kể cả giải Nhất, Nhì, tôi không sao ngăn nổi dòng nước mắt cứ trào ra...".

Hàm Châu [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
Dang tuan Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét