Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Người bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trong nước đầu tiên ở Việt Nam

Người bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trong nước đầu tiên ở Việt Nam

Cách đây hơn 20 năm, một bộ nhà khoa học lớn - một trái tim tràn đầy tâm huyết, khát khao sáng tạo và vượt khó trong lao động khoa học đã ngừng đập khi tuổi đời còn tràn đầy sức sống. Cố GS.TSKH Hoàng Hữu Đường - người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học trong nước đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc đời và những đóng góp của ông gắn liền với quá trình xây dựng ngành toán học giải tích ở Việt Nam.

GS. Hoàng Hữu Ðường sinh ngày 19/2/1936 tại Huế, trú quán tại thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng trị. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại khoa Toán trường ÐH Sư phạm Khoa học Việt Nam, năm 1956, Hoàng Hữu Ðường trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dù còn trẻ, không có điều kiện được ra nước ngoài học tập, trao đổi, nhưng kể từ khi còn là sinh viên cho đến lúc trở thành cán bộ giảng dạy đại học, ông vẫn luôn tỏ rõ là một tài năng hiếm có. Ở trong nước, với những điều kiện nghiên cứu hết sức khó khăn, không có người hướng dẫn, thiếu sách báo và tài liệu tham khảo, bằng con đường tự học, với một nghị lực phi thường và lòng say mê cao độ, Hoàng Hữu Ðường đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Năm 1974, khi Nhà nước chưa ban hành chính thức qui chế đào tạo sau đại học ở nước ta, Hoàng Hữu Ðường là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Toán-Lý trong nước. Và năm 1982 cũng ở giảng đường trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, ông lại là người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu tiên ở trong nước.

GS. Hoàng Hữu Ðường là tác giả của 36 công trình khoa học đã được công bố trong và ngoài nước bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp. Những công trình quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến lý thuyết véc-tơ đặc trưng do chính giáo sư đưa ra từ năm 1967. Kết quả này đạt được khi giáo sư đang giảng dạy và làm việc ở khu sơ tán, trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Một số giáo sư nổi tiếng của Liên Xô đã đánh giá đó là “những kết quả rất tuyệt vời và là những đóng góp thực sự cho lý thuyết toán học của sự ổn định, ứng dụng trong lý thuyết dao động của các hệ cơ học”. Trong thời gian nghiên cứu và giảng dạy sau đó, giáo sư đã được mời đi trao đổi khoa học tại một số nước châu Âu và làm chuyên gia tại Madagascar. Ông qua đời ngày 27/12/1987 khi mới 52 tuổi.

Trong suốt những năm tháng ấy của cuộc đời, GS. Hoàng Hữu Ðường luôn gắn bó với Tổ Bộ môn Giải tích. Kể từ năm 1961, khi bộ môn chính thức được thành lập, giáo sư đã cùng các thầy giáo của Bộ môn bắt tay ngay vào việc hoàn thiện và biên soạn các giáo trình cơ bản của ngành giải tích toán học. Những giáo trình này không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và cập nhật với sự phát triển chung của ngành giải tích trên thế giới. Mặc dù hiện nay, do đặc thù mới trong việc đào tạo, ở Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ÐHKHTN, đã có sự hiệu chỉnh, thay đổi giáo trình giảng dạy, nhưng chúng ta vẫn không thể nào quên được các giáo trình giải tích hiện đại mà GS. Hoàng Hữu Ðường và GS. Phạm Ngọc Thao đã dày công biên soạn. Như lời của PGS.TS Trần Huy Hổ đã nói: “Bộ môn Giải tích - nơi khởi nguồn của những cái đầu tiên”, thì việc đưa lý thuyết giải tích hiện đại vào chương trình giảng dạy cho sinh viên khoa toán là một trong những sự kiện đầu tiên đó.

Cố GS.TSKH Hoàng Hữu Ðường là một trong những giáo sư đã hướng dẫn thành công các luận án tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam. Trong số những người đã từng được thầy hướng dẫn viết luận án tiến sĩ hoặc luận văn tốt nghiệp đại học, hiện nay đã trở thành những chuyên gia giỏi như PGS. Cấn Văn Tuất, TS. Tôn Quốc Bình, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh... Nói về những đóng góp trong đào tạo của cố GS. Hoàng Hữu Ðường, GS.TS Nguyễn Thế Hoàn đã viết: “Là một nhà toán học nhạy cảm anh mạnh dạn đi tìm hiểu những vấn đề thời sự nhất của toán học mà anh biết được. Khi “nguyên lý cực đại” của Pôntragin ra đời, anh lao vào nghiên cứu bài toán tối ưu và hướng dẫn một số sinh viên thời bấy giờ theo hướng nghiên cứu này. Tuy bản thân anh chỉ viết một công trình về điều khiển tối ưu, nhưng một số học trò của anh sau khi tốt nghiệp đại học đã đi sâu vào hướng nghiên cứu này và trở thành những chuyên gia có tên tuổi mà tiêu biểu là GS.TSKH. Phạm Hữu Sách. Những năm 1968-1970, Trường ÐH Tổng hợp Hà Nội chuyển về khu sơ tán Ðông Anh. Khoa Toán “đóng đô” ở xã Ðông Hội. Ở đó, mặc dù cuộc sống kham khổ, vất vả, nhưng anh vẫn say sưa đọc lý thuyết phương trình vi phân ngẫu nhiên và giảng dạy cho sinh viên năm cuối Khoa Toán hướng nghiên cứu mới mẻ này. Vài năm sau, anh chuyển sang nghiên cứu lý thuyết kỳ dị trong phương trình vi phân. Sau đó tuy anh không tiếp tục nghiên cứu phương trình vi phân ngẫu nhiên, nhưng dưới ảnh hưởng của chuyên đề anh dạy, một số học trò của anh đã tiếp tục đi sâu hướng nghiên cứu này và đạt được những kết quả đang kể như GS.TSKH Trần Văn Nhung với lý thuyết số mũ của phương trình vi phân với tham số ngẫu nhiên; PSG.TSKH Phạm Trần Nhu với một số kết quả của điều khiển tối ưu các hệ ngẫu nhiên… Ðối với lý thuyết kỳ dị, anh Ðường cũng thu được một số kết quả và đã hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ theo hướng nghiên cứu này là Nguyễn Văn Minh và Tôn Quốc Bình”.

GS. Hoàng Hữu Ðường là một người nghiên cứu sâu và rộng về phương trình vi phân, nhưng có lẽ bài toán mà ông quan tâm nhất và cũng đạt được nhiều kết quả sâu sắc nhất là bài toán về ổn định nghiệm. Ðể giải quyết một số trường hợp tới hạn trong lý thuyết ổn định, ông đã xây dựng lý thuyết vectơ đặc trưng, lý thuyết về hệ m - khả qui, m - chính qui.

Sau đó theo hướng nghiên cứu này, giáo sư đã hướng dẫn một số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ như: Ðoàn Trịnh Ninh, Cấn Văn Tuất. Cũng cần nói thêm rằng tất cả các kết quả nghiên cứu của giáo sư là do tự tìm tòi, nghiên cứu ở trong nước, không hề được sự hướng dẫn của ai.

Cuộc đời giản dị và khiêm nhường; ý chí vượt khó khăn, ham học, năng động trong nghiên cứu khoa học của GS. Hoàng Hữu Ðường vẫn luôn để lại cho các thế hệ sau này những kinh nghiệm quí giá. Ông là tấm gương sáng về tinh thần lao động kiên trì, về khả năng độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu và giảng dạy toán học.

Hướng Dương [Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 217, năm 2009]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét