Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

PHÚT "TRẢI LÒNG" CỦA GS NGUYỄN LÂN DŨNG, ĐẶNG HÙNG VÕ

PHÚT "TRẢI LÒNG" CỦA GS NGUYỄN LÂN DŨNG, ĐẶNG HÙNG VÕ


GS.TS Nguyễn Lân Dũng: “Ngày 20/11 tôi viết thư tay hoặc đến tận nhà để chúc mừng các thầy cô”

Tôi có lẽ là một trong số rất ít người đã học qua 4 trường Sư phạm (Sư phạm Sơ cấp Việt Bắc, Sư phạm Sơ cấp Khu học xá Nam Ninh, Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh, Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội). Tôi cũng có lẽ là người trẻ nhất (cùng anh Nguyễn Văn Hiệu) tốt nghiệp Đại học Sư phạm khi chỉ mới 18 tuổi. Vì còn quá trẻ nên tôi được phân công về dạy ở Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Không ngờ đây là nơi toàn cán bộ đi học.

Nhiều học sinh của tôi hồi ấy (Khóa III) về sau trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy...). Sau một năm tôi được điều về Trường Đại học Tổng hợp và tham gia giảng dạy tại đấy từ Khóa I đến ngày về hưu (trên nửa thế kỷ). Sau đó, tôi tiếp tục tham gia công tác đào tạo tiến sĩ và chỉ đạo nghiên cứu khoa học với tư cách là chuyên gia cao cấp của Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nôi. Con đường hướng tôi đến ngành sư phạm chính là do quá trình đào tạo này.

20/11 tôi viết thư tay hoặc đến tận nhà để chúc mừng các thầy cô.

Ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trước hết đó là ngày tôi nghĩ đến công lao của các thầy cô giáo đã có công tận tụy dạy dỗ chúng tôi qua các cấp, tôi viết thư hoặc đến tận nhà để chúc mừng. Tiếc thay, cho đến hôm nay số thầy cô dạy lớp chúng tôi không còn đủ, số lượng đếm trên các ngón của một bàn tay!

Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của người bạn học suốt cấp 2 và cấp 3 với tôi - nhà văn Ma Văn Kháng. Trong cuốn hồi ký mới xuất bản anh đã viết: “Lâu nay khi nói về đào tạo nhân tài, theo như tôi hiểu các nhà giáo dục cách tân thường nhấn mạnh quá đáng đến việc phát huy tính tích cực của học sinh. Tôi nghi ngờ điều này. Trước sau tôi vẫn đinh ninh: Tất cả là từ ông thầy”. Đối với tôi thì đúng là như vậy.

Lớp chúng tôi may mắn ngay từ bậc phổ thông đã được học với các thày giáo giỏi giang và mẫu mực, đó là các thày Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hữu Tảo...

Lên Đại học khi mới giải phóng Thủ đô các thầy giáo của chúng tôi (Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long, Trương Cam Bảo...) đã phải tự học cấp tốc tiếng Nga (qua sách tiếng Pháp) để có thể chuyển tải các kiến thức mới nhất trong các giáo trình biên soạn rất nhanh để dạy cho chúng tôi. Các thầy là tấm gương tự học, tấm gương yêu khoa học, tấm gương đạo đức nghiêm túc còn mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi mặc dầu hầu hết các thầy đã về cõi vĩnh hằng.

Tôi được phân công dạy môn Vi sinh vật học - một chuyên ngành tôi chưa biết một chữ nào. Noi gương các thầy, tôi đã tự học một lúc hai ngoại ngữ để dịch sách và tìm đến các giáo sư bên trường Y để học hỏi thêm (các GS Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịnh, Trần Thị Ấn) dù đó là các GS chỉ chuyên sâu về y học.

Trên nửa thế kỷ dạy học thì tất nhiên có biết bao nhiều kỷ niệm. Cũng mừng vì hầu hết là các kỷ niệm vui chứ hầu như không có những kỷ niệm buồn. Tôi ghi nhớ lời khuyên của GS Đặng Văn Ngữ: Dạy Đại học em phải chú ý đến ba điều: “học ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu khoa học và từng bước xây dựng sách giáo khoa”.

Tôi vui mừng đã làm theo được ba lời khuyên này. Tôi không được đào tạo ở nước ngoài nhưng có thể tham khảo được sách vở với 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa). Tôi đã xây dựng được đơn vị nghiên cứu ngày một vững mạnh (từ Phòng nghiên cứu chuyên đề cấp Trường, đến Trung tâm nghiên cứu cấp Bộ, đến Viện nghiên cứu cấp Nhà nước. Tôi đã đưa Hội Ví sinh vật học và Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật tham gia được vào các hệ thống quốc tế (IUMS và WFCC). Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được Giáo trình Vi sinh vật học dùng chung cho nhiều trường Đại học, mặc dù đã được tái bản nhiều lần nhưng gần đây chúng tôi viết mới lại hoàn toàn theo các tài liệu tham khảo gần đây nhất

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: "Ngày 20/11, chúng ta cần phải tôn vinh hơn nữa"

Hơn 21 năm trực tiếp đứng trên bục giảng, lại tham gia vào những nhiệm vụ khác nhau nhưng đối với GS.TSKH Đặng Hùng Võ ngày 20/11 đối với ông thực sự đặc biệt. Nhắc đến ngày lễ Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, trong ông lại trào dâng những xúc cảm.

Đầu tiên tôi học ở khoa mỏ trường ĐH Bách Khoa. Sau 2 năm học ở đó tôi chuyển sang học toán ở trường Đại học Tổng Hợp. Sau 3 năm học tôi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng Hợp. Sau đó tôi được phân về dạy toán ở trường Mỏ địa chất ( lúc đó trường ĐH Mỏ địa chất là khoa địa chất trường ĐH Bách Khoa mới tách ra). Tôi phải học tiếp về kĩ thuật để sau này làm về kĩ thuật theo sự phân công của nhà trường.

20/11, chúng ta cần tôn vinh hơn nữa các thầy cô giáo.

Tôi còn nhớ ở trường phổ thông tôi không hay được thầy cô yêu quý. Có thể vì mình xấu trai hay tính cách cũng không được nhuần nhuỵ lắm. Lên dạy đại học, tôi học nhiều hơn cả ở trường Đại học Tổng hợp.

Tôi còn nhớ một kỉ niệm sâu sắc với GS Hoàng Hữu Đường (Người nổi tiếng về phương trình vi phân ở Việt Nam. Ông được cả thế giới biết đến với những công trình về vi phân. Ông được Liên Xô Cũ mời sang bảo vệ Tiến Sĩ). Ông là một thầy giáo giỏi trong chuyên môn, hăng say nghiên cứu khoa học. Trong phương trình vi phân, trên thế giới không ai không biết thầy Hoàng Hữu Đường. Tôi có để ý thì thấy ông thường dành cả ngày để đọc sách.


Thời kì sơ tán trên Thái Nguyên, thầy giảng về phương trình vi phân và lý thuyết ổn định theo giáo trình của Liên Xô với 500 trang. Một hôm đến lớp cho cả lớp về đọc sách ôn tập khi nào ôn tập xong thì thi. Thầy có bảo: "Anh chị nào giỏi thì tôi cho thi luôn”. Tôi ngứa mồm hỏi: “Em thi luôn có được không ạ”. Thầy đã gật đầu đồng ý.

Tôi đã phải thức suốt đêm hôm đó để đọc hết 500 trang sách bằng tiếng Nga. Đến giờ tôi phải tự hào vì mình nhớ như in 500 trang tiếng Nga chỉ trong một đêm. Hôm sau thầy kiểm tra va đã cho tôi điểm 10. Thầy gọi tôi đến cười rồi bảo “Cậu này giỏi”. Đó là kỉ niệm vui vui của tôi trong suốt thời gian học tập. Rất tiếc bây giờ thầy không còn nữa.

Tôi đã trực tiếp đứng trên bục giảng hơn 21 năm và hiện giờ vẫn tham gia công tác giảng dạy. Đối với tôi ngày 20/11 có một ý nghĩa đặc biệt. Theo tôi chúng ta cần tôn vinh cao hơn nữa đạo đức của người thầy vì hiện nay ở một số nơi có vẻ như đạo đức thầy cô có vẻ như bị suy giảm.

Cũng có báo chí và nhiều ý kiên phản ánh. Chúng ta cần đề cao hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa khi đánh giá đạo đức của thầy cô. Khi mà được tôn kính người ta sẽ khó dám làm những điều gì khuất tất.

Bản thân tôi, đối với tất cả những việc làm của mình, tôi đều thấy yên tâm, thoải mái. Những gì thuộc phạm vi về công việc, nghề nghiệp chưa bao giờ tôi cảm thấy áy náy.

Phạm Thịnh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét