Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Tiền lương: Giảm “bầu sữa” ngân sách

TIỀN LƯƠNG: CẦN SỚM CẢI CÁCH (*)
Tiền lương: Giảm “bầu sữa” ngân sách

Thứ Năm, 22/09/2011 21:41
Nếu các đơn vị khu vực sự nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính sẽ giảm gánh nặng cho việc điều chỉnh lương khu vực hành chính

Các bệnh viện, trường đại học tự chủ tài chính là một xu thế được dự liệu trong lộ trình cải cách tiền lương. Trong ảnh: Cán bộ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM với công việc hằng ngày Ảnh: Tấn Thạnh
Dù đã kết thúc lộ trình giai đoạn 1 cải cách tiền lương song mức lương ở cả hai khu vực hành chính - sự nghiệp và doanh nghiệp (DN) đều chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

* Phóng viên: Ông nhận định ra sao về mức lương tối thiểu (LTT) vùng trong các DN sẽ tăng từ ngày 1-10 sắp tới?

- Ông Mai Đức Chính: Theo một khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu ở khu vực 1 là 3,4 triệu đồng và khu vực 4 cũng đã là 2,6 triệu đồng/người/tháng. Theo mức tăng dự kiến vào ngày 1-10 tới đây, mức cao nhất mới chỉ là 2 triệu đồng. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại cũng khó để nâng lên nữa vì còn phải tính tới khả năng chi trả của DN.

Mức LTT vẫn được coi là mức trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn, bình thường. Bởi trong thực tế, tại một số KCN ở TP lớn, nếu trả mức quá thấp thì DN cũng không tuyển được lao động. Nếu DN coi NLĐ là “vốn quý” thì phải chăm lo cho NLĐ đủ mức sống để tái tạo sức sản xuất và có một chút tích lũy. Hiện nay, mức lương chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu.

* Từ thực trạng tiền lương hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam có những đề xuất gì trong cải cách tiền lương để bảo đảm quyền và lợi ích cho NLĐ?

- Hiện mức LTT chung của các DN khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đã ngang bằng nhau. Vì thế, việc quan trọng nhất là hướng tới mục tiêu điều chỉnh LTT, thu nhập của công nhân từng bước tiệm cận mức sống tối thiểu. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất sửa Bộ Luật Lao động theo hướng làm sao để DN không dựa vào mức LTT để trả lương thấp cho NLĐ. Trong thời gian tới đây, thỏa ước lao động tập thể có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Bộ Luật Lao động sửa đổi cần quy định rõ việc thương lượng của NLĐ với DN để lập thỏa ước lao động tập thể là bắt buộc. Việc này cần phải có sự tham gia của Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các DN trong việc thực hiện trả LTT và các khoản phụ cấp theo quy định.

* Tiền lương của cán bộ công chức (CBCC) cũng rất thấp khiến cuộc sống của một bộ phận CBCC hết sức khó khăn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay?

- Nguồn trả lương cho CBCC là từ ngân sách Nhà nước. Bộ máy hành chính Nhà nước “phình” rất lớn, trở thành gánh nặng cho ngân sách. Hiện số người hưởng lương từ ngân sách là hơn 2 triệu người nên việc trả lương càng trở nên khó khăn.

* Theo ông, trong lộ trình cải cách tiền lương, cần làm gì để giảm gánh nặng này?

- Tiếp nối lộ trình cải cách tiền lương, từ năm 2012, cần phải tách bạch lương của khu vực sự nghiệp công ra khỏi mức lương của khu vực hành chính để Nhà nước tập trung lo cho khu vực hành chính, đặc biệt là khu vực khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đây là những vùng mà đời sống của CBCC hết sức khó khăn.

Còn các đơn vị sự nghiệp như các bệnh viện, trường đại học nên tự chủ về tài chính, nhất là ở các TP lớn. Nhiều nơi dù là đơn vị sự nghiệp có thu, có lợi nhuận song vẫn tiếp tục uống “bầu sữa” ngân sách Nhà nước. Nếu các đơn vị khu vực sự nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính thì việc điều chỉnh lương khu vực hành chính sẽ giảm gánh nặng hơn nhiều. Ở nước ngoài, nhà nước cũng chỉ trả lương cho khu vực hành chính chứ không nhiều thành phần như ở Việt Nam.

Có những giảng viên đại học, bác sĩ thu nhập mấy chục triệu đồng/tháng song vẫn nhận lương đều đặn hằng tháng. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này cũng chưa thể minh bạch được nên chưa thể đưa vào chính sách. Một phép tính đơn giản, nếu nhân lực đang hưởng lương Nhà nước của ngành y tế (khoảng 1,3 triệu người) và ngành giáo dục (khoảng hơn 300.000 người) giảm 50% và dành số tiền này để tăng thu nhập cho các đơn vị khó khăn, các địa phương vùng sâu, vùng xa thì đời sống sẽ được cải thiện rất nhiều.

* Hệ thống thang, bảng lương hiện nay đã lỗi thời, theo ông cần sửa đổi ra sao?
- Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng dự kiến sẽ được đưa vào lộ trình cải cách tiền lương tiếp theo. Việc cải cách cần theo hướng nâng hệ số trung bình. Ví dụ, lương cử nhân ra trường hiện đang là 2,34 thì sau này nâng lên thành 3 và mức cao nhất có thể nâng từ 11 hiện nay lên 14.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:

Phải tính tới khả năng chi trả của doanh nghiệp

Việc tăng LTT được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như GDP, CPI và mức tiền công trên thị trường của một số công việc giản đơn. Kết quả phương pháp xác định mức LTT (chi phí tối thiểu cho bản thân NLĐ và chi phí nuôi con) dựa trên điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố và có thể bảo đảm được mức sống tối thiểu và tiền lương thực tế của NLĐ.

Trước khi đưa ra mức điều chỉnh, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tính toán đến sự tác động của lương mới tới NLĐ và DN. Không chỉ NLĐ mà DN cũng rất khó khăn trong thời điểm này. Việc tăng lương cũng phải tính tới khả năng chi trả của DN. Việc điều chỉnh LTT trực tiếp ảnh hưởng tới vấn đề việc làm. Nếu lương cao quá, DN không chịu được thì họ buộc phải tính toán đến khả năng cắt giảm lao động, cơ hội việc làm của NLĐ cũng phần nào bị thu hẹp. Về khả năng “chịu đựng” của các DN, các DN lớn ít bị ảnh hưởng song với các DN nhỏ, điều chỉnh LTT đồng nghĩa với khó khăn. DN sử dụng vài ngàn hay vài chục ngàn lao động thì gánh nặng về lương rất lớn, nhất là các DN gia công may mặc, da giày…
Nguyễn Quyết thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét