NHỚ THẦY HOÀNG HỮU ĐƯỜNG (thuannv)
Thầy Hoàng Hữu Đường là ngôi sao rực sáng trong vòm trời các ngôi sao khoa Toán ĐHTH và Toán học Việt nam. Tôi vẫn nhớ những bài giảng tuyệt vời của thầy năm sơ tán ở Đại Từ - Bắc Thái 1968-69. Tôi mãi mãi lưu giữ hình ảnh gia đình hạnh phúc của thầy với cô Nga và cu “Mật” ở căn nhà cạnh thư viện khoa khi sơ tán về làng Tiên Hội, Đông Hội, Đông Anh năm học 1969-70. Thầy cũng dạy nhiều giờ cho lớp K16 toán và cơ chúng ta.
Rất tiếc là thầy ra đi ở tuổi 52. Năm 2007, Trường và khoa Toán đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 20 năm ngày mất của GS Hoàng Hữu Đường. Xin giới thiệu với cả lớp bài viết sử dụng tư liệu của Hội thảo kỷ niệm này do PGS.TS. Hoàng Quốc Toàn và PGS.TS. Đặng Đình Châu cung cấp năm 2007:
NGƯỜI BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ VÀ TIẾN SĨ KHOA HỌC TRONG NƯỚC
ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Cách đây hơn 20 năm, một bộ óc lớn - một trái tim tràn đầy tâm huyết, khát khao sáng tạo và vượt khó trong lao động khoa học đã ngừng đập khi tuổi đời còn tràn đầy sức sống. Cố GS.TSKH. Hoàng Hữu Đường - người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học trong nước đầu tiên ở Việt Nam - một tấm gương cần cù, miệt mài trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học vẫn mãi mãi soi sáng và dẫn dắt thế hệ chúng ta hôm nay trên những chặng đường nối tiếp. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông, chúng ta cùng dành những tình cảm chân thành nhất của mình để tưởng nhớ đến một người thầy, đến cuộc đời, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của ông trong quá trình xây dựng ngành toán học giải tích ở Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Hữu Đường sinh ngày 19/02/1936 tại Huế, trú quán tại thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng trị. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại khoa Toán trường Đại học Sư phạm Khoa học Việt Nam, năm 1956, Hoàng Hữu Đường là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dù khi còn trẻ, không có điều kiện được ra nước ngoài học tập, trao đổi, nhưng kể từ khi còn là sinh viên cho đến lúc trở thành cán bộ giảng dạy đại học, Ông vẫn luôn tỏ rõ là một tài năng hiếm có. Ở trong nước, với những điều kiện nghiên cứu hết sức khó khăn, không có người hướng dẫn, thiếu sách báo và tài liệu tham khảo, bằng con đường tự đào tạo, với một nghị lực phi thường và lòng say mê cao độ, Hoàng Hữu Đường đã đạt những kết quả đáng trân trọng.
Năm 1974, khi nhà nước chưa ban hành chính thức qui chế của hệ đào tạo trên đại học ở nước ta, Hoàng Hữu Đường là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Toán-Lý trong nước. Và năm 1982 cũng ở giảng đường trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ông lại là người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu tiên ở trong nước.
Giáo sư Hoàng Hữu Đường là tác giả của 36 công trình khoa học đã được công bố trong và ngoài nước bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp. Những công trình quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến lý thuyết véc-tơ đặc trưng do chính giáo sư đưa ra từ năm 1967. Kết quả này đạt được khi giáo sư đang giảng dạy và làm việc ở khu sơ tán, trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Một số giáo sư nổi tiếng của Liên Xô đã đánh giá đó là “những kết quả rất tuyệt vời và là những đóng góp thực sự cho lý thuyết toán học của sự ổn định, ứng dụng trong lý thuyết dao động của các hệ cơ học”. Trong thời gian nghiên cứu và giảng dạy sau đó, giáo sư đã được mời đi trao đổi khoa học tại một số nước châu Âu và làm chuyên gia tại Madagascar. Ông qua đời ngày 27/12/1987 khi mới 52 tuổi.
Trong suốt những năm tháng ấy của cuộc đời, giáo sư Hoàng Hữu Đường luôn gắn bó với tổ bộ môn giải tích. Kể từ năm 1961, khi bộ môn chính thức được thành lập, giáo sư đã cùng các thầy giáo của bộ môn bắt tay ngay vào việc hoàn thiện và biên soạn các giáo trình cơ bản của ngành giải tích toán học. Những giáo trình này không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và cập nhật với sự phát triển chung của ngành giải tích trên thế giới. Mặc dù hiện nay do đặc thù mới trong việc đào tạo, ở khoa Toán - Cơ - Tin học đã có sự hiệu chỉnh, thay đổi giáo trình giảng dạy, nhưng chúng ta vẫn không thể nào quên được các giáo trình giải tích hiện đại mà GS. Hoàng Hữu Đường và GS. Phạm Ngọc Thao đã dày công biên soạn. Như lời của PGS.TS. Trần Huy Hổ đã nói: “Bộ môn Giải tích - nơi khởi nguồn của những cái đầu tiên”, thì việc đưa lý thuyết giải tích hiện đại vào chương trình giảng dạy cho sinh viên khoa toán là một trong những sự kiện đầu tiên đó.
Cố GS.TSKH. Hoàng Hữu Đường là người viết và bảo vệ thành công luận án TS và luận án TSKH trong nước. Thầy cũng là một trong những giáo sư đã hướng dẫn thành công các luận án tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam. Trong số những người đã từng được thầy hướng dẫn viết luận án tiến sĩ hoặc luận văn tốt nghiệp đại học, hiện nay đã trở thành những chuyên gia giỏi như PGS. Cấn Văn Tuất, TS. Tôn Quốc Bình, PGS.TSKH. Nguyễn Văn Minh,…. Nói về những đóng góp trong đào tạo của GS. Hoàng Hữu Đường, GS.TS. Nguyễn Thế Hoàn đã viết: ”Là một nhà toán học nhạy cảm anh mạnh dạn đi tìm hiểu những vấn đề thời sự nhất của toán học mà anh biết được. Khi “nguyên lý cực đại” của Pôntragin ra đời, anh lao vào nghiên cứu bài toán tối ưu và hướng dẫn một số sinh viên thời bấy giờ theo hướng nghiên cứu này. Tuy bản thân anh chỉ viết một công trình về điều khiển tối ưu, nhưng một số học trò của anh sau khi tốt nghiệp đại học đã đi sâu vào hướng nghiên cứu này và trở thành những chuyên gia có tên tuổi mà tiêu biểu là GS.TSKH. Phạm Hữu Sách. Năm 1969-1970, trường Đại học Tổng hợp chuyển về khu sơ tán Đông Anh. Khoa Toán “đóng đô” ở xã Đông Hội. Ở đó, mặc dù cuộc sống kham khổ, vất vả, nhưng anh vẫn say sưa đọc lý thuyết phương trình vi phân ngẫu nhiên và giảng dạy cho sinh viên năm cuối Khoa Toán hướng nghiên cứu mới mẻ này. Vài năm sau, anh chuyển sang nghiên cứu lý thuyết kỳ dị trong phương trình vi phân. Sau đó tuy anh không tiếp tục nghiên cứu phương trình vi phân ngẫu nhiên, nhưng dưới ảnh hưởng của chuyên đề anh dạy, một số học trò của anh đã tiếp tục đi sâu hướng nghiên cứu này và đạt được những kết quả đang kể như GS.TSKH. Trần Văn Nhung với lý thuyết số mũ của phương trình vi phân với tham số ngẫu nhiên; PSG.TSKH. Phạm Trần Nhu với một số kết quả của điều khiển tối ưu các hệ ngẫu nhiên,… Đối với lý thuyết kỳ dị, anh Đường cũng thu được một số kết quả và đã hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ theo hướng nghiên cứu này là Nguyễn Văn Minh và Tôn Quốc Bình”.
GS. Hoàng Hữu Đường là một người nghiên cứu sâu và rộng về phương trình vi phân, nhưng có lẽ bài toán mà ông quan tâm nhất và cũng đạt được nhiều kết quả sâu sắc nhất là bài toán về ổn định nghiệm. Để giải quyết một số trường hợp tới hạn trong lý thuyết ổn định, ông đã xây dựng lý thuyết vectơ đặc trưng, lý thuyết về hệ m - khả qui, m - chính qui.
Sau đó theo hướng nghiên cứu này, giáo sư đã hướng dẫn một số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ như: Đoàn Trịnh Ninh, Cấn Văn Tuất. Cũng cần nói thêm rằng tất cả các kết quả nghiên cứu của giáo sư là do tự tìm tòi, nghiên cứu ở trong nước, không hề được sự hướng dẫn của ai.
Hôm nay, cùng ôn lại những năm tháng và kỉ niệm về thầy Hoàng Hữu Đường, chúng tôi xin được bày tỏ lòng trân trọng đối với những công lao, đóng góp của giáo sư, và tình cảm quí mến nhất đến một người thầy đáng kính. Có thể nói rằng cuộc đời giản dị và khiêm nhường; ý chí vượt khó khăn, ham học, năng động trong nghiên cứu khoa học của giáo sư Hoàng Hữu Đường vẫn luôn để lại cho các thế hệ sau này những kinh nghiệm quí giá. Ông thực sự là tấm gương sáng về tinh thần lao động kiên trì, về khả năng độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu và giảng dạy toán học.
Chúng tôi mong rằng, lớp trẻ hôm nay sẽ nhận biết và tìm thấy qua giáo sư một tấm gương tự học, vượt gian khó để vươn lên đến đỉnh cao trong khoa học; một tấm gương lao động, cống hiến hết mình để xây dựng và phát triển đất nước./.
Xin giới thiệu tiếp những kỷ niệm về thầy Hoàng Hữu Đường của nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ, cựu sinh viên lớp chuyên tu thời sơ tán Đại Từ - Thái Nguyên:
“Đầu tiên tôi học ở khoa Mỏ trường ĐH Bách Khoa. Sau 2 năm học ở đó tôi chuyển sang học toán ở trường Đại học Tổng Hợp. Sau 3 năm học tôi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng Hợp. Sau đó tôi được phân về dạy toán ở trường Mỏ Địa chất (lúc đó mới tách ra từ trường ĐH Bách Khoa).
Tôi còn nhớ ở trường phổ thông tôi không hay được thầy cô yêu quý. Có thể vì mình xấu trai hay tính cách cũng không được nhuần nhuỵ lắm. Lên đại học, tôi học nhiều hơn cả ở trường Đại học Tổng hợp.
Tôi còn nhớ một kỉ niệm sâu sắc với GS Hoàng Hữu Đường (Người nổi tiếng về phương trình vi phân ở Việt Nam. Ông được cả thế giới biết đến với những công trình về vi phân. Ông được Liên Xô cũ mời sang bảo vệ Tiến Sĩ). Ông là một thầy giáo giỏi trong chuyên môn, hăng say nghiên cứu khoa học. Trong phương trình vi phân, trên thế giới không ai không biết thầy Hoàng Hữu Đường. Tôi có để ý thì thấy ông thường dành cả ngày để đọc sách.
Thời kì sơ tán trên Thái Nguyên, thầy giảng về phương trình vi phân và lý thuyết ổn định theo giáo trình của Liên Xô với 500 trang. Một hôm đến lớp cho cả lớp về đọc sách ôn tập khi nào ôn tập xong thì thi. Thầy có bảo: "Anh chị nào giỏi thì tôi cho thi luôn”. Tôi ngứa mồm hỏi: “Em thi luôn có được không ạ”. Thầy đã gật đầu đồng ý.
Tôi đã phải thức suốt đêm hôm đó để đọc hết 500 trang sách bằng tiếng Nga. Đến giờ tôi phải tự hào vì mình nhớ như in 500 trang tiếng Nga chỉ trong một đêm. Hôm sau thầy kiểm tra và đã cho tôi điểm 10. Thầy gọi tôi đến cười rồi bảo “Cậu này giỏi”. Đó là kỉ niệm vui vui của tôi trong suốt thời gian học tập. Rất tiếc bây giờ thầy không còn nữa.”…
Để nhớ về thầy Hoàng Hữu Đường, tôi xin chép ra vài dòng của báo Nhân dân ngày 08/02/2011 bàn về việc chấn hưng nền toán học nước nhà có nhắc đến những đỉnh cao:
“Với sự nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã hình thành được các nhóm nghiên cứu và gây được uy tín với toán học thế giới. Đó là lĩnh vực tối ưu do GS.TSKH Hoàng Tuỵ khởi xướng, lĩnh vực phương trình vi phân của cố GS.TSKH Hoàng Hữu Đường, nhóm Tôpô đại số do GS Huỳnh Mùi xây dựng; là nhóm đại số giao hoán do GS Ngô Việt Trung dẫn đầu ...”
Cuối cùng xin mời các bạn đọc bài viết về thầy Đường của nhà văn Nguyễn Khắc Phê đăng trong trang Web của Hoàng tộc Bích Khê (Triệu Phong – Quảng Trị):
http://www.hoangtocbichkhe.com/vanhoavannghe/104-thay-hhd.html
+
* Bài viết
* Những người thày
* Đăng nhập để gửi bài bình luận
Đệ trình bởi thuannv lúc T5, 08/25/2011 - 15:21. #
GIÁO SƯ HOÀNG HỮU ĐƯỜNG (thuannv)
L.T.S - Hoàng Hữu Đường (Đ.16) thứ nam của Bác sĩ Hoàng Hữu Diệu sinh ngày 19-02-1936 tại Huế,chánh quán thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị.
Đã theo học tại các trường tiểu học Ba Đồn (Quảng Bình), trường trung học Phan Bội Châu (Quảng Bình), trường phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Bạch Ngọc - Nghệ An) và trường đại học khoa học (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp bậc đại học được cử làm cán bộ giảng dạy khoa Toán Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1973 trình luận án Phó tiến sĩ Toán, và năm 1982 người đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán ở trong nước. (Đúng ra ông đã có thể bảo vệ luận án tiến sĩ từ nhiều năm trước đó.)
Ngày 27-12-1987, đã mất đột ngột vì cơn xuất huyết não, hưởng dương 52 tuổi.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Cang, chủ nhiệm khoa toán trường đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh về giáo sư tiến sĩ khoa học Hoàng Hữu Đường, một tài năng của đất nước. (Cửa Việt)
Năm 1955, từ vùng đất kháng chiến ở trong Nam, tôi được về Hà Nội học. Thời ấy Hà Nội chỉ có một thư viện do Pháp để lại là Thư viện Pasquier lấy tên của một thực dân đầu sỏ (một thời là toàn quyền Đông Dương). Thư viện này về sau đổi tên là Thư viện Quốc gia (ở đường Tràng Thi). Trong thư viện có một quyển sách có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi, đó là quyển Les grands mathématiciens (Những nhà toán học lớn). Tôi đọc say sưa cuộc đời và sự nghiệp của các nhà toán học vĩ đại của nhân loại. Đọc xong tôi tự rút ra kết luận: có những nhà toán học có bộ óc tuyệt vời bẩm sinh, sự cống hiến của họ cho khoa học Toán học khiến cho nhân loại muôn đời phải mang ơn, nhưng cũng có những nhà toán học không phải là thiên tài bẩm sinh nhưng do nghị lực phi thường, lòng say mê vô hạn đối với toán học cọng với phương pháp tốt mà tên tuổi trở thành bất tử vì những cống hiến lớn lao của họ cho nền Toán học thế giới. Loại thiên tài bẩm sinh, tôi rất phục nhưng cảm thấy họ xa vời mình quá, nhưng loại sau làm tôi cảm thấy gần gũi, yêu thương và gần như trở thành thần tượng động viên tôi trong suốt cuộc đời đi học.
Năm 1967, tôi là nghiên cứu sinh Toán người Việt Nam đầu tiên tại Trường đại học tổng hợp Bucarest. Giáo sư dạy tôi là một người gốc Do Thái. Những lúc nói chuyện học hành với giáo sư, tôi thường tò mò hỏi trong các học trò của giáo sư ai là người mà giáo sư cho là xuất sắc nhất. Không cần ngần ngại, giáo sư bảo đó là Dan. Và sau đó tôi làm quen với anh ta. Dan là một thanh niên Rumani rất trẻ 18 tuổi, nổi tiếng vì trong 1 năm đã thi đỗ ưu tất cả các chứng chỉ toán của chương trình 5 năm ngành toán trường Đại học tổng hợp Bucarest và được bổ nhiệm làm phụ giảng và không mấy khó khăn anh ta đã đỗ tiếp tiến sĩ 1 và tiến sĩ khoa học khi mới 20 tuổi. Năm 1983. tại Vácsava, tôi đã gặp lại Dan ở hội nghị toán học thế giới và không ngạc nhiên một tý nào khi tôi thấy tên anh trong danh sách các nhà toán học nổi tiếng thế giới được mời thuyết trình 45 phút ở hội nghị. Đây là vinh dự lớn vì ở vùng Đông Nam Á, chưa có ai được mời như vậy. Tôi nghĩ Dan thuộc loại thiên tài bẩm sinh. Đồng thời, ngược lại, hoàn toàn tương phản với Dan là Drêgan, mù hai mắt, không trẻ lắm, nhưng tinh thần cần cù nhẫn nại thật tuyệt vời nên cũng đã thành đạt từ xêmine của thầy tôi. Trong các hội thảo về toán học, khi thuyết minh và nhận xét công trình của Drêgan bao giờ thầy tôi cũng mở đầu: “Tôi phát biểu thay cho Drêgan vì Drêgan không được may mắn có 2 mắt bình thường như chúng ta”. Tôi đã nghe nhiều lần câu ấy nhưng lần nào thầy tôi cũng nhắc lại với tình cảm thương yêu, xót xa nhưng đầy cảm phục đối với người học trò bất hạnh của mình.
Khi về nước, vì cùng chuyên môn học trong ngành Toán nên tôi và Hoàng Hữu Đường thường sinh hoạt chung trong xêmine “Phương trình vi phân” do anh em trong Viện Toán tổ chức. Chúng tôi thân nhau từ đấy. Càng tiếp xúc, làm việc trao đổi chuyên môn với nhau tôi càng quý, càng phục, càng thương anh Đường. Tinh thần làm việc say mê, cần cù nhẫn nại như một con ong của anh, đã hoàn toàn chinh phục tôi. Tôi liên tưởng tới Drêgan và Dan. Đường không giống Dan nhưng tinh thần ham học thì khá gần nhau. Đường chăm còn hơn cả Drêgan nhưng cũng có phần may mắn hơn Drêgan vì không bị khuyết tật. Tôi thấy ở anh có một phần của Dan và một phần của Drêgan. Tôi vinh dự được mời tham gia phát biểu về luận án phó tiến sĩ “lý thuyết số mũ trên của hệ phương trình tuyến tính” của anh năm 1974. Chúng tôi đã quá quen thuộc với công trình này và đã từng ngưỡng mộ nó. Phải nói rằng, với một người ít được may mắn đi ra nước ngoài nhiều lần (trước 1975) như anh mà đạt được kết quả như vậy thật là hiếm. Để hoàn thành công trình này, Hoàng Hữu Đường đã bắt đầu từ những buổi nghe giảng vỡ lòng với giáo sư Ecsốp, trường đại học Lêningrad trong những năm đầu thập kỷ 60. Hoàng Hữu Đường đã được Ecsốp khai tâm từ đó. Về sau là những chuỗi ngày miệt mài không biết mệt đối với tuổi ngoài 20 của anh.
Trên thế giới chỉ có hai nước đầu tiên có tạp chí “Phương trình vi phân” riêng là Liên Xô và Mỹ. Các nước khác hoặc ghép chung chuyên ngành này vào “Giải tích” hoặc về sau này mới có tạp chí riêng. Sự bền bỉ của Đường đã được đến bù xứng đáng. Phần chính của luận án Phó tiến sĩ của anh đã đăng tải ở tạp chí “Phương trình vi phân” của Liên Xô. Tôi chia vui với anh nhưng biết chắc rằng không dừng thành tích của mình ở đó vì Đường đã bị trường phái Lêningrad “mê hoặc” rồi. Cùng chuyên ngành hẹp với nhau nhưng tôi và Đường dùng công cụ toán học khác nhau, mặc dù mục tiêu của chúng tôi không khác nhau mấy. Trong toán học, hiểu nhau sâu là điều không đơn giản. Tuy vậy tôi và Đường khá hiểu nhau. Ở Liên Xô, cũng là Phương trình vi phân nhưng có hai trường phái nghiên cứu khác nhau. Ở Mạc tư khoa, các nhà toán học về ngành này nghiên cứu khác với ngành toán học ở Lêningrad. Hoàng Hữu Đường có lẽ đã đi những bước đầu tiên với Ecsốp. Tôi hay nói đùa: “Đường đã ăn phải bùa mê của Lêningrad”. Luận án tiến sĩ của anh sau này “Lý thuyết Vectơ đặc trưng và ứng dụng để nghiên cứu sự ổn định nghiệm của các hệ phương trình vi phân” đã được bảo vệ thành công năm 1982 ở Hà Nội, chẳng những là vinh dự lớn của anh mà còn là niềm sung sướng tự hào của trường phái Lêningrad nữa.
Tinh thần hăng say của Đường thật đáng “sợ”. Các nhà toán học Pháp đã từng qua làm việc tại Hà Nội đều có chung một cảm giác đó với các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi sung sướng, cảm phục, tự hào về những việc làm mang tính “con ong” của anh. Anh đã kiên nhẫn, tập trung ghi chép lại khá công phu, chính xác các bài thuyết trình của Frêdêric Phạm, Malgrange, Chenciner. Sau này anh tâm sự với tôi là anh muốn mở rộng tầm nghiên cứu của anh về sự “Kỳ dị” do các bài giảng của Phạm, Chenciner gợi ý. Tôi vui lây cái vui, cái hồ hởi của anh và mong đợi những thành công mới của anh.
Bẵng đi một dạo xa anh vì tôi làm việc ở Viện toán Ba Lan. Trong hội nghị toán toàn quốc lần thứ ba tại Hà Nội năm 1985, tôi gặp lại anh và anh đã bàn với tôi nhiều việc trong đó có dự định tổ chức ngày “Toán học Việt Nam” với sự tham gia của các nhà toán học nước ngoài và trong nước. Anh tin tưởng: “Chúng ta đã đông người, đủ sức rồi đấy, phải tổ chức đi thôi”. Tôi tán thành nhiệt liệt dự án của anh, chỉ còn băn khoăn một vấn đề là cơ sở vật chất để tổ chức. Nhưng anh đã vĩnh viễn giã từ chúng tôi, những bạn đồng nghiệp của anh, mang theo bao ước mơ, hoài bão xây dựng ngành Phương trình vi phân của Việt Nam. Tiếc thương anh vô hạn, một gương hiếm có về tài năng và nghị lực đáng để cho bạn đồng nghiệp và học trò anh noi theo, chúng tôi đang cố đi tiếp con đường của anh, hy vọng lần lượt thực hiện những phần mà anh đã tâm đắc với chúng tôi.
TP.Hồ Chí Minh 10 -1989
GSTS. NGUYỄN CANG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét