GIÁO SƯ CHỦ NHIỆM KHOA HOÀNG HỮU NHƯ (Nguyễn Duy Tiến)
Email của anh Tiến: Mặc dù anh không phải là người thuộc K16 toán-cơ (lúc các bạn học ở trường ĐHTH 1971-75 là thời kỳ anh đi làm NCS ở Liên Xô), nhưng có lẽ K16 là khoá anh có nhiều bạn nhất. Vì thế, khi vào Website của các bạn, anh đọc khá kỹ và thấy cần tham gia (gửi bài). Sẵn có bài viết về GS. Hoàng Hữu Như, xin gửi các bạn. Cảm ơn. N. D. Tiến
Tôi mạnh dạn viết phần này, vì có lẽ tôi và GS. Như gần nhau, và hiểu nhau trong nhiều năm công tác tại bộ môn Xác Suất và Thống Kê, khoa Toán-Cơ, Đại Học Tổng Hợp (ĐHTH) Hà Nội.
Tôi ra công tác (1965) được hai năm, thì anh Như tốt nghiệp tiến sĩ (1967) ở Liên xô cũ về khoa Toán-Cơ ĐHTH. Anh Như là người cận rất nặng (đeo kính 14 đi ốp). Bề ngoài, Anh trông khắc khổ, luộm thuộm. và hơi khó gần. Tôi gặp Anh vào một ngày cuối thu chớm lạnh ở khu sơ tán: xóm Cầu Găng, xã Văn Yên, Huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Không hiểu sao Anh có cảm tình với tôi và nói chuyện rất chân tình về đủ mọi chuyện: khoa học, đời sống, văn học, tiếu lâm.Thế rồi một hôm họp tổ Xác Suất và Thống Kê (GS. Nguyễn Bác Văn là tổ trưởng), GS. Như đề nghị "tổ ta cần dịch cuốn sách Cramer: Phương pháp toán học trong Thống Kê, từ tiếng Anh ra tiếng Việt". GS. Văn ủng hộ ý kiến này và phân công "anh Nguyễn Khắc Phúc, Đào Hữu Hồ, Nguyễn Duy Tiến dịch, Hoàng Hữu Như và Nguyễn Bác Văn hiệu đính". Lúc bấy giờ, trình độ tiếng Anh của tôi bằng 0, may sao, có bản tiếng Nga và anh Phúc giỏi tiếng Nga. Hai năm sau, cuốn sách cơ bản nhất về Thống Kê được nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp cho ra mắt bạn đọc Việt Nam. Có thể nói anh Như là người rất quan tâm đến công tác đào tạo những cán bộ và sinh viên về Xác Suất & Thống Kê. Việc đầu tiên trong công tác này là biên soạn tài liệu để cán bộ và sinh viên có tài liệu học và tham khảo.
Một hôm anh Như rủ tôi viết giáo trình Xác Suất & Thống Kê. Tôi hơi do dự vì đã dạy môn học này bao giờ đâu. Anh Như động viên tôi và nói "mình đã chuẩn bị tài liệu rồi, cậu chi cần đọc kỹ và viết thêm phần phụ lục (Độ Đo và Tích Phân)" là đủ. Tôi nhận lời, và cùng Anh làm việc miệt mài. Anh Như có thói quen là, vừa làm việc vừa đọc thơ. Tôi còn nhớ bài thơ sau:
Nhớ hồi lên chín lên mười
Chiều chiều hai đứa ra đồi hái sim
Em ngồi trao nón cho anh
Hàm răng tím (ngắt) nét mi thanh em nhoẻn cười.
Xa nhau mười mấy năm rồi
Đồi sim xưa đã thành đồi sắn xanh
Em ngồi nướng sắn cho anh
Hàm răng trắng (toát) nét mi cong em mỉm cười.
Anh ăn củ sắn em lùi
Còn ngon gấp mấy cái hồi ăn sim.
Anh đọc say sưa với giọng Hà Tĩnh, rồi ngồi bình với tôi từng câu, từng chữ trong bài thơ trên. Tôi quên không hỏi Anh, tác giả bài thơ đó là ai. Trong các nhà thơ Việt Nam, anh Như đặc biệt trân trọng Nguyễn Công Trứ. Anh thuộc khá nhiều thơ của Nguyễn Công Trứ, và lấy làm tâm đắc ý tưởng thơ của Cụ: Thơ của cụ không buồn, sảng khoái, yêu tự do pha chút ngang tàng
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữ trời mà reo.
Sau này, Anh còn cộng tác với nhiều cán bộ trong và ngoài Khoa biên soạn nhiều tài liệu khác. Anh là người tin vào lớp trẻ, mạnh dạn trao việc cho họ làm, biết động viên và khích lệ và bản thân anh Như là người luôn học hỏi, cầu thị. Tôi trân trọng Anh ở những nét như thế, mặc dù Anh còn nhiều nhược điểm: Kiến thức của Anh còn hạn chế mà định giải bài toán Fermat, trong nhiều trường hợp Anh còn bảo thủ, cứng nhắc, thích làm công việc quản lý hơn là làm chuyên môn.Một số người cho rằng Anh là người thủ đoạn, lắm mưu kế, gây mất đoàn kết, kéo bè cánh và chuyên môn không vững. Tôi cho rằng anh Như tuy biết không nhiều, nhưng kiến thức của Anh chắc chắn và sâu sắc. Thật vậy, anh Nguyễn Hữu Việt Hưng rất tâm đắc câu chuyện sau đây.
Các Chủ Nhiệm Khoa trong Lễ Kỷ Niệm 45 năm Ngày Thành Lập (1956-2001).Từ phải sang Trái: Phạm Kỳ Anh; Đặng Huy Ruận; Phạm Trọng Quát; Trần Văn Nhung; Hoàng Hữu Như; Hoàng Tụy; Phan Văn Hạp; Nguyễn Duy Tiến
Năm 1973-74, anh Hưng học năm thứ ba (cùng lớp với anh Đặng Hùng Thắng), môn Xác Suất do thầy Hoàng Hữu Như dậy. Hôm ấy, thầy Như xác định một đại lượng nào đó, là tích phân trên nửa mặt phẳng giới hạn bởi một đường thẳng nằm nghiêng trên mặt phẳng toạ độ. Do đặc điểm của quá trình tính toán, đại lượng này được xác định bởi một tích phân kép, lấy theo x trước rồi sau đó lấy theo y. Tiếp đó, thầy Như đổi thứ tự hai tích phân để hợp nhất nó với một tích phân khác. Định lý Fubini cần được áp dụng, các hàm biểu thị cận của tích phân cần được xác định. Thầy Như đã giảng đi giảng lại việc đổi thứ tự tích phân đến 2 lần, nhưng một số sinh viên là cán bộ, bộ đội chuyển ngành vẫn không hiểu. Ông nheo nheo mắt, tìm cách diễn đạt, rồi ông nói, giọng Hà Tĩnh đặc sệt: "Lấy tích phân cũng thể như người ta quét nhà, quét dọc quét ngang, miễn sao quét cho sạch". Cả lớp ngớ ra, không còn ai thắc mắc gì nữa. Trong nhiều lần nói chuyện vui, anh Hưng thường hay kể lại cho chúng tôi câu chuyện trên. Anh bảo rằng anh nhớ câu nói độc đáo của thầy Như chính xác đến từng từ, rồi anh cố bắt chước giọng Hà Tĩnh để nhắc lại. Anh cho rằng tất cả hồn vía của định lý Fubini được thầy Như diễn đạt tuyệt vời trong sáng bằng một câu thật dân dã. Thỉnh thoảng anh cao hứng bình luận rằng thầy Hoàng Hữu Như là người giảng định lý Fubini hay nhất trong những người mà anh từng nghe và những sách anh từng đọc. Anh cho biết, trong nhiều lần giảng Calculus cho sinh viên một số đại học Mỹ, anh đã dùng cách diễn đạt của thầy Như, trong đó anh thay quét nhà bằng việc hút bụi với một Vacuum. Cách diễn đạt đó đạt hiệu quả bất ngờ. Sinh viên Mỹ rất thích, họ chỉ phản ứng vui: "Chẳng ai hút bụi từng hàng thẳng băng như cách mà ông nói".
Tôi còn nhớ, khi viết sách, Anh đề nghị tôi chứng minh một bất đẳng thức về moment, tôi không chứng minh được, Anh đã mày mò tìm ra cách chứng minh và nhắc nhở tôi phải làm việc nghiêm túc hơn. Có thể nói, những người đã từng làm việc với Anh (Đào Hữu Hồ, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Bác Văn) đều nhận thấy Anh là người được đào tạo bài bản, có nhiều ý tưởng sáng tạo, biết tích lũy kiến thức. Tuy nhiên, sau này khi Anh đã lớn tuổi, Anh có những ý tưởng bất thường. Anh cho rằng bài toán Fermat là bài toán sơ cấp, nên phải có lời giải sơ cấp, và bản thân Anh cùng với một cán bộ trẻ trong khoa đã thuyết trình ở bộ môn một số buổi về ý tưởng giải bài toán Fermat bằng công cụ sơ cấp. Hoặc như, do bị bệnh nên Anh rất ca ngợi phương pháp dùng sữa dê và củ ráy. Có lần Anh nói với tôi là: trong Toán học Anh là người bình thường, nhưng rất có thể Anh sẽ nhận giải Nobel về y học. Anh còn định nuôi lợn theo phương pháp mới, nuôi giun làm thức ăn cho gia cầm và vân vân. Thế nhưng, trong những ý tưởng kỳ lạ ấy, Anh đã giúp tôi một việc mà tôi và con trai tôi biết ơn Anh suốt đời. Vào cuối những năm 70, con trai tôi, Nguyễn Duy Kiên, bị bệnh viêm giác mạc mùa xuân (một căn bệnh về dị ứng theo mùa của mắt). Một hôm Anh đến thăm tôi ở 34 Điện Biên Phủ Hà Nội. Sau khi hỏi thăm bệnh tình của cháu Kiên, Anh khuyên tôi nên đến chỗ ông lang Trí châm cứu. Vì đã mất nhiều công mà bệnh của cháu vẫn không khỏi, tôi và cháu Kiên "liều một lần" xem ra sao. Kết quả thật tốt đẹp, cháu Kiên khỏi hẵn bệnh cho tới ngày nay. Cháu Kiên vẫn còn nhớ chuyện đó, bố con tôi không bao giờ quên lời khuyên quí báu đó của Anh và biết ơn ông lang Trí suốt đời.
Về mặt con người, anh Như gần gũi với cấp dưới hơn là với cấp trên. Quả thật, Anh quan tâm tới đời sống của cán bộ trong khoa, thăm hỏi gia đình họ khi họ gặp khó khăn. Anh còn biết động viên và khích lệ những người yếu chuyên môn làm việc. Anh là người thủ lĩnh biết hy sinh những lợi ích vật chất trước mắt, dám nghĩ dám làm. Tôi còn nhớ những năm 80, Anh đã chịu khó xây dựng "Xí nghiệp" làm sơn, làm phích, rồi đến làm nước mắm vất vả và quyết tâm như thế nào. Nhờ thế, một số cán bộ đỡ vất vả hơn về điều kiện vật chất. Khi làm nước mắm, Anh đã bị chi bộ nhắc nhở là "mê tín", vì anh Như để cho người chủ làm nước mắm làm lễ khá là cầu kỳ và ngang nhiên trong khu vực của trường. Trước tình hình đó Anh nói: Anh chấp nhận tất cả yêu cầu của người chủ, miễn là làm sao họ dạy cho Khoa biết làm nước mắm. Một số cán bộ trong Khoa và tôi hết sức bất bình về chuyện này. Tôi còn giễu Anh là biến Khoa thành chỗ hôi hám, và đi lạc mục tiêu của Khoa. Anh còn định sản xuất van săm xe đạp và vân vân. Tuy nhiên, cần lưu ý là, anh Như làm lãnh đạo Khoa từ 1970-1991 (phó Chủ nhiệm Khoa 1970-1981, Chủ nhiệm Khoa 1981-1991), thời kỳ đất nước ta có nhiều biến động và khó khăn nhất, đặc biệt là đời sống vật chất. Việc phải làm những việc không gắn với chuyên môn để tồn tại là điều tất yếu. Trong hoàn cảnh như thế, việc Khoa đã xuất bản được 3 tập cuốn sách "Một số phương pháp chọn lọc giải Toán sơ cấp" (sách được tái bản nhiều lần, và cho tới nay vẫn được xem là cẩm nang cho học sinh và giáo viên phổ thông) đã đem lại một số tiền nhất định cho Khoa và cán bộ trong Khoa. Phải nói rằng đấy là thành tích tuyệt vời. Nhờ những việc này, Anh chiếm được sự tín nhiệm của đa số cán bộ trong khoa. Mặt khác, Anh lại không được hai bộ trưởng tin dùng. Đặc biệt, một số lãnh đạo cấp trên cho rằng, anh Như là phần tử gây mất đoàn kết. Tôi đã có lần tâm sự với Anh: một chủ nhiệm khoa không được lòng một thủ trưởng thì đã khó làm việc lắm rồi, Anh có tới hai bộ trưởng liên tiếp không tin dùng thì theo tôi Anh nên chuyễn công tác. Anh yên lặng không nói gì. (Có tin đồn là Anh được bộ đề cử làm hiệu phó trường Mỏ, nhưng anh Như từ chối.)
Anh là người yêu khoa Toán theo cách của Anh. Anh rất tự hào là trong thời kỳ Anh làm chủ nhiệm Khoa đã tổ chức thành công bảo vệ tiến sĩ (lần đầu tiên) rồi tiến sĩ khoa học (cũng lần đầu tiên) cho cố GS. Hoàng Hữu Đường và GS. Nguyễn Thừa Hợp. Tôi còn nhớ hồi gặp nhiều khó khăn khi giữ anh Đặng Hùng Thắng ở lại làm cán bộ Khoa, anh Như đã suy nghĩ và tìm ra một giải pháp tuyệt vời. Đó là giữ anh Thắng ở lại Khoa với tư cách cán bộ nghiên cứu (trường hợp duy nhất của Đại Học Tổng Hợp). Nhờ thế mà ban Giám Hiệu Đại học Tổng Hợp chấp nhận, và anh Thắng được ở lại khoa (sau đó, anh Thắng trở thành cán bộ giảng dạy là công việc nội bộ của Khoa). Anh quyết tâm xây dựng tổ Đại số-Hình học-Tôpô; và là người giới thiệu anh Đào Trọng Thi vào Đảng. Anh còn xây dựng tổ Toán Sinh, Toán trong khoa học Xã hội. Đặc biệt, khi ở Hà Lan và Đan Mạch về Anh rất say sưa với Tin học (Anh còn đề nghị Khoa Toán-Cơ đổi tên tất cả các bộ môn bằng cách cho thêm đuôi Tin học vào: Cơ-Tin học, Xác Suất & Thống Kê-Tin học và vân vân, nhưng ý tưởng này không được hội đồng Khoa Học Khoa thông qua).
Năm 1991, Anh là người giới thiệu (mặc dù với tư cách cá nhân) anh Trần Văn Nhung thay Anh làm chủ nhiệm khoa. Từ đó, Anh Như rời khỏi Khoa và kiếm sống ở Ba Lan (dường như không can thiệp vào công việc nội bộ của Khoa). Năm 1997 anh Như về nghỉ hưu (đúng 65 tuổi).
Tất cả những điều trên chứng tỏ Anh là một chủ nhiệm khoa tâm huyết, có năng lực, nhiều ý tưởng và luôn luôn đổi mới (mặc dù đôi khi Anh hơi quá tự tin vào những ý đồ bất thường). Trong suốt thời gian làm chủ nhiệm khoa, Anh sống trong sạch, không nhận một vinh danh nào.
Tuy nhiên, Anh là người vừa bảo thủ vừa cấp tiến và không ưa những ai có ý kiến phản đối Anh. Đối với cấp dưới Anh khiêm nhường bao nhiêu, thì ngược lại Anh không nể phục các cấp lãnh đạo bấy nhiêu. Anh thực sự yêu quí và nâng đỡ những ai đã tuân theo ý kiến chỉ đạo của Anh, trong khi đó lại có những ý kiến phản đối thẳng thừng một số việc làm của cấp trên, đôi khi Anh có định kiến với một vài người. Anh sẵn sàng giúp và nâng đỡ một số cán bộ năng lực hạn chế, trong khi Anh không tranh thủ được một số cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi của Khoa. Đặc biệt, Anh và một số Việt kiều, như GS. Lê Dũng Tráng, GS. Frederic Phạm, có quan hệ không tốt, điều này làm cho họ mất thiện cảm với Khoa trong một thời gian dài. Trong thời gian Anh đương nhiệm, quan hệ giữa Khoa và Viện Toán không gắn bó, và thiếu sự cộng tác vốn có lợi cho cả hai. Mặt khác, Anh là người chủ trì đề án VH 25 và tạo được điều kiện cho nhiều cán bộ của Khoa đi học tập và trao đổi khoa học ở Hà Lan (mặc dù Anh phải đưa đi một số thuộc dạng chính sách). Anh Nguyễu Hữu Công là kết quả tốt nhất trong công tác này (anh Công đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Hà Lan, và sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở Việt Nam).
Tôi còn nhớ, mùa đông 1983, các anh Hồ Sĩ Đàm, Phạm Trọng Quát, Hoàng Chí Thành và tôi đón anh Như từ Hà Lan sang Ba Lan. Theo sáng kiến của anh Đàm, chúng tôi những người đang học tập ở Ba Lan sẽ mua vé máy bay cho cán bộ của Khoa sang Ba Lan dự hội nghị hoặc trao đổi khoa học (những người muốn đi phải hoàn lại tiền vé để chúng tôi mua vé cho những người sau). Anh Như hoan nghênh sáng kiến này và tạo điều kiện để cán bộ trong Khoa đi nước ngoài bằng cách đó. Chúng tôi và một số anh trong Khoa (như anh Huỳnh Mùi, anh Trần Văn Nhung) bỏ tiền mua vé, và chịu trách nhiệm đón tiếp những người của Khoa từ trong nước sang. Anh Hồ Sĩ Đàm phấn khởi lắm và nói vui với tôi là: Lịch sử Khoa sẽ ghi nhận chuyện này. Anh Huỳnh Mùi là người đầu tiên bố trí được nhóm Tôpô-Đại số (gồm cố GS. Nguyễn Đình Ngọc, anh Nguyễn Hữu Việt Hưng, anh Phạm Việt Hùng, anh Nguyễn Việt Dũng) sang Ba Lan trao đổi khoa học (tháng 5/1984) rất thành công. Tiếp theo là nhóm Phương trình Vi phân của cố GS. Hoàng Hữu Đường và anh Trần Văn Nhung (gồm anh Tôn Quốc Bình, anh Nguyễn Văn Minh). Có những tháng cán bộ từ Khoa sang Ba Lan đông tới mức mà có người nói rằng "Khoa Toán kéo nhau sang Ba Lan để Họp Khoa". Cá nhân tôi thì rất vui vì anh Như cấp tiến đến như thế: Anh đã thu xếp lo chạy các thủ tục cần thiết (thời đó khó khăn và phức tạp lắm) hết sức tốt đẹp. Cuối cùng, tôi rất thương Anh, vì lẽ cuối đời Anh sống cô đơn. Một số người trước đây được Anh nâng đỡ, đối xử với Anh hơi lạnh lùng. Lúc Anh lâm bệnh (hè 2008) ít người thân cũ ở bên Anh. Trông Anh nằm trên giường bệnh, tôi và anh Phạm Kỳ Anh hết sức xót xa. Tôi nghĩ, con người sống với nhau phải có tình thương, nghĩa tử là nghĩa tận cơ mà.
Hơn một năm sau (04/12/2009, tức là ngày 18/10 âm lịch) Anh qua đời, đúng vào lúc tôi đang viết những điều tốt lành về Anh. Mấy hôm nay trời trở lạnh, tôi bỗng dưng chợt thấy có lỗi với Anh, vì bài viết về Anh còn dang dở. Đúng rồi, anh Như mất vào tháng 12. Cầm điện thoại hỏi anh Linh, chủ nhiệm Khoa, ngày mất của GS. Hoàng Hữu Như. Thật may, là anh Linh đã cung cấp cho tôi ngày tháng (dương và âm lịch) GS. Như qua đời. Tôi nhớ năm 1991, tôi và anh Trần Văn Nhung vào Nghệ An công tác, được các anh ở khoa Toán Đaị học Vinh cho đi thăm mộ Nguyễn Du. Lúc về, chúng tôi vào thăm nhà cụ Nguyễn Công Trứ. Tôi bùi ngùi, xót xa khi thấy nhà cụ Trứ tiêu điều đến thế. Thắp hương lạy cụ, nhà thơ tài hoa và hơi có chút bất cần đời, mà hậu thế ít người ghi nhận (vào thời điểm đó, 1991). Tôi viết bài này thay nén nhang thắp tưởng nhớ nhân ngày giỗ thứ nhất của anh Như. Cầu mong hương hồn Anh siêu thoát thành cây thông đứng giữa trời mà reo.
Thay cho lời kết
Tôi đề nghị ban chủ nhiệm khoa Toán Cơ Tin học, trường ĐHKHTN, ĐHQGHN làm ảnh chân dung của GS. Lê Văn Thiêm (1918-1990) và GS. Hoàng Hữu Như (1932-2009) treo ở Văn Phòng Khoa. Các tổ bộ môn cần có một sổ vàng lưu giữ ảnh của những thầy giáo đã qua đời của mỗi tổ để tại phòng làm việc (chẳng hạn, tổ Giải Tích cần lưu giữ ảnh của GS. Hoàng Hữu Đường, PGS. Võ Đức Tôn, TS. Mai Thúc Ngỗi, cử nhân Trần Thiệp).
Hà Nội tháng 12/2010.
Nguyễn Duy Tiến
Lý lịch sơ lược của Giáo sư Hoàng Hữu Như
Sinh ngày 06-08-1932.
Quê quán: Thôn Đông Thái, xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Trước năm 1950: là học sinh trường phổ thông Huỳnh Thúc Kháng;
Từ 1950-1956: là bộ đội chống Pháp;
Từ 1956-1959: là sinh viên khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội;
Từ 1959-1962: là sinh viên khoa Toán Cơ Đại học Lômônôxốp Matxcơva (Nga);
Từ 1962-1964: là cán bộ giảng dạy khoa Toán Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội;
Từ 1964-1967: là nghiên cứu sinh tại trường Lômônôxốp Matxcơva chuyên ngành xác suất thống kê;
Từ 1967-1997: là cán bộ giảng dạy khoa Toán Cơ Tin học Đại học Tổng hợp Hà Nội; trong đó:
+ Từ 1970-1980: là phó chủ nhiêm khoa;
+ Từ 1981-1991: là chủ nhiệm khoa;
Bảo vệ tiến sỹ năm 1966, được công nhận PGS năm 1980 và GS năm 1991; đã công bố 8 bài báo về xác suất thống kê. Viết và cộng tác viết 4 cuốn sách về xác suất thống kê, dịch một bộ ba tập giải tích, dịch và cộng tác dịch một từ điển Toán và cuốn Xử lý số liệu thống kê.
Khen thưởng:
+ Huân chương chiến thắng hạng ba;
+ Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất;
+ Huy hiệu vì thế hệ trẻ;
+ Danh hiệu Nhà Giáo Ưu Tú (2009).
Nghỉ hưu từ năm 1997, ở tại phòng 207, nhà A, tập thể ĐHTH, đường Cẩm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (cho đến lúc mất, 2009).
+
* Bài viết
* Những người thày
Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét