Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Khi quan từ chức

Khi quan từ chức
Mai Khôi, thông tín viên RFA
2011-09-19

Dư luận trong giới điện ảnh và cộng đồng đang xôn xao việc hai ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục điện ảnh và ông Lê Ngọc Minh Cục phó cục điện ảnh nộp đơn xin từ chức.

Photo courtesy of dantri

Hai ông Lại Văn Sinh (trái) và ông Lê Ngọc Minh cùng nộp đơn xin từ chức.

TTV Mai Khôi có buổi nói chuyện với Đạo diễn Phan Đăng Di, và nhà sản xuất phim Phước Sang để tìm hiểu ý kiến của người trong giới.
Mất mát lớn về nhiều mặt

Vụ ông Cục trưởng Cục điện ảnh Lại Văn Sinh, và Cục phó, ông Lê Ngọc Minh, đã nộp đơn từ chức lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9 tháng 9 vừa qua. Ông Thứ trưởng Bộ Văn Hoá –Thể Thao và Du Lịch Huỳnh Vĩnh Ái cũng đã xác nhận với báo giới trong nước như vậy.

Vụ từ chức này liên quan đến 42 tỷ thất thoát tại Cục Điện ảnh và số tiền này đang được cơ quan điều tra thụ lý. Vấn đề nóng hổi ở đây không phải là số tiền thất thoát mà là lần đầu tiên tại Việt Nam có một vụ từ chức xảy ra. Báo chí tập trung theo dõi như một sự kiện đáng ghi nhớ cho một thói quen tốt, mặc dù cái giá của bài học này quá đắt đối với người dân: 42 tỷ đồng Việt Nam.

Chúng tôi tìm hiểu, và hỏi thăm nội dung câu chuyện với Đạo diễn Phan Đăng Di, thì được ông trả lời…

“Buồn, vì cái chuyện đó xảy ra cho ngành điện ảnh chị ạ. Ai cũng buồn cả, nó như là một cái chuyện mà không biết là tại sao nó xảy ra, nhưng mà nó lại xảy. Thì cái cảm giác đầu tiên của Di là thấy buồn, và một cái buồn khác nữa là vì ngày xưa Di cũng làm cho cục điện ảnh, chuyện này nó lại xảy ra rất là bất ngờ, và bị sốt như vậy.”

Đó là một vấn đề lớn vì cái chuyện là tại sao mình không quản lý tốt để số tiền đó có thể là làm phim tốt hơn, hoặc là đưa tiếng nói của điện ảnh VN đi xa hơn.
Đạo diễn Phan Đăng Di

Với một khoản tiền 42 tỷ nếu đem so với hoàn cảnh khó khăn của người dân, thì có lẽ sẽ nuôi được hàng trăm ngàn mảnh đời đang cơ nhỡ, hay đầu tư cho việc chính đáng của ngành thì chắc giờ đây điện ảnh VN khác hơn. Tại sao họ lại giết chết những tư duy, đẩy lùi sáng tạo của lớp trẻ đạo điễn khi mà họ đề nghị những dự án mới cho ngành?

“Số tiền 42 tỷ, ai cũng thấy lớn! rõ ràng là một mất mát lớn. Nếu mà số tiền đó mà được dành cho chuyện làm phim thì nó sẽ làm được rất nhiều chuyện, nhưng mà nó đã bị mất rồi. Mất rồi vì một cá nhân khác thì ở đây báo chí cũng cho thấy là một người làm kế toán, không biết bằng cách nào mà họ lấy được tiền đó. Rõ ràng là một cú sốc rất là lớn nhưng mà nó đã mất rồi thì mình cũng không biết làm gì hơn bởi vì còn rất nhiều việc trong nghành điện ảnh mà họ sẽ không làm được đó.

Di cũng đã gửi một số dự án của Di đến cho cục điện ảnh một số lần, nhưng mà số tiền đó đã bị mất đi thì cái cơ hội của một số dự án phim cũng không còn nữa!”

viff_phandangdi250.jpg
Đạo diễn Phan Đăng Di nhận giải Trống Đồng của Ban tổ chức ViFF 2011 dành cho phim: Bi, Đừng Sợ! RFA photo
Có lẽ những mất mát về vật chất không thể nào so sánh được với những mất mát về tinh thần. Không biết khi mà đánh mất lòng tin rồi thì liệu họ có suy nghĩ gì?

“Khi cái chuyện xẩy ra rồi thì người ta cũng phải đặt ra một câu hỏi là vậy tại sao, rõ ràng đây là tiền mà mình phải xác định rằng đây là một cái tiền mà người dân họ đóng thuế vào, đó là tài sản chung của người dân VN. Nhưng mà mất như thế thì mình cũng có một câu hỏi là chuyện đó ảnh hưởng rất là nhiều. Với tư cách của một người làm nghề, hay là tư cách của một người muốn có tiếng nói cho nghành điện ảnh xa hơn rộng hơn, thì nó là một thiệt thòi lớn!

Trong một chừng mực nào đó thì họ sẽ bị mất niềm tin, và họ cũng có những tiếc nuối ở trong đó. Đó là một vấn đề lớn, không phải vì số tiền đó lớn, nhưng mà lớn vì cái chuyện là tại sao mình không quản lý tốt để số tiền đó có thể là làm phim tốt hơn, hoặc là đưa tiếng nói của điện ảnh VN đi xa hơn.”

Đối với nhà sản xuất phim Phước Sang thì nhận định của anh có khác:

"Ý kiến của cá nhân, thì tại vì đến giờ này chưa có chính thức như thế nào.Vấn đề là còn phải cơ quan điều tra, thật ra nếu mà cơ quan điều tra xác nhận đó là bị lừa đảo thì vấn đề khác, hay là có dấu hiệu tham nhũng thì là vấn đề khác!

Nhưng mà cũng nói một điều thật ra tài năng của anh Lại Văn Sinh thì mọi người cũng biết rồi, nhưng mà vướng vô cái chuyện này thì không biết sao mà nói, rất là buồn và tài năng của anh Lê Ngọc Minh cũng vậy, họ là những người tài năng của điện ảnh VN, nhưng mà vô quản lý thì nó lại có những cái bất cập như thế này, nói chung cả ngành thì ai cũng buồn thôi. Nhưng mà để phát biểu chính thức thì mình cũng chưa biết là người ta bị lừa đảo hay là một vụ tham nhũng. Cũng chưa có kết luận thành ra cũng không thể khẳng định được điều gì."
Định tâm và tỉnh táo

Chìm xuồng! Hạ cánh an toàn … đó cũng là những cụm từ mà mọi người dùng để nói đến sự bình an cho các quan Việt Nam, theo nghệ sĩ Phước Sang thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước:

"Cái này thì tôi nghĩ chìm xuồng hay không chìm xuồng là do cơ quan chức năng mà thôi, cơ quan chức năng muốn chuyện minh bạch thì phải làm đến nơi đến chốn. Cái chuyện số tiền 42 tỷ là tiền xương máu của nhân dân đóng góp lên chứ không phải tiền của một cá nhân nào hết, đó là tiền mồ hôi của cả một nền điện ảnh VN. Thành thử cái mất mát đó là vô cùng to lớn, cần phải làm minh bạch.

2sao.vn-200.jpg
Nghệ sĩ Phước Sang. Photo courtesy of 2sao.vn
Cái chuyện mình làm nghệ thuật, làm Văn hóa, Văn nghệ phải minh bạch. Thì khi mình đã minh bạch rồi thì khi mình làm VH mình muốn gửi một cái gì đó hay, đẹp cho công chúng xem thì cái tâm của mình nó phải thật. Chứ còn cái tâm mình nó nhũng nhiễu, nó rỗng, nó sáo này nọ thì cái tác phẩm của mình nó sẽ được thể hiện qua một tác phẩm giả dối."

Định tâm, và tỉnh táo là hai điều mà nghệ sĩ trẻ Phước Sang muốn nhắn nhủ đến cấp lãnh đạo của ngành điện ảnh VN.

"Ngành điện ảnh VN đang trong một nước phát triển thì trong 5, 3 năm tới thì điện ảnh VN cũng sẽ phát triển theo sự phát triển chung của đất nước của đất nước, của xã hội. Nếu mà chúng ta không có định tâm, không có chú tâm, không có tỉnh táo để giữ vững vai trò chủ đạo thì chúng ta cũng bị đồng hóa ở mảng Văn Hoá.

Nếu mà chúng ta không có định tâm, không có chú tâm, không có tỉnh táo để giữ vững vai trò chủ đạo thì chúng ta cũng bị đồng hóa ở mảng Văn Hoá.
Nghệ sĩ Phước Sang

Cho nên bây giờ mình phải hoạch định một chính sách bảo hộ cho điện ảnh VN, để Điện ảnh VN như đứa bé còn non trẻ, khi mà nó lớn lên thì cần sự nâng đỡ, dỗ dành của cha mẹ. Điện ảnh VN sẽ phát triển nếu chúng ta tỉnh táo!"

Các quan biết nhận sai lầm và từ chức là một câu chuyện hoàn toàn mới lạ tại Việt Nam. Họ từ chức nhưng 42 tỷ đồng sẽ đi về đâu? Những Lại Văn Sinh, Lê Ngọc Minh, Phạm Thanh Hải…hay là những ai khác nữa?!

Tham nhũng hay là thất thoát? Cố tình hay là sắp đặt? Ai sẽ là người kế nhiệm? Điện ảnh VN khi nhà nước quản lý thì sẽ đi về đâu? Hàng ngàn câu hỏi đang được người dân đặt ra, và một câu trả lời thoả đáng từ nhà nước quả là một giấc mơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét