Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Tiếng trống trường và Nghị quyết

Tiếng trống trường và Nghị quyết
Định Nguyên, thông tín viên RFA
2011-09-18

Hằng năm, vào đầu tháng 9, tất cả các trường, từ mầm non mẫu giáo đến cao đẳng đại học, đồng loạt khai trường, bắt đầu một niên học mới.

RFA photo

Học sinh trường THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm ở Hà Nội bước vào năm học mới 2011-2012

Năm nay, ngày khai trường trông có vẻ rầm rộ và náo nhiệt hơn những mùa khai trường của các năm trước. Tuy nhiên không biết tiếng trống có thật sự báo hiệu một năm học đầy kết quả hay không?
Vẫn loay hoay đổi mới

Với một không khí hực lửa bởi các quan chức cao cấp nhất của chính phủ đều tới các trường đánh trống khai giảng trong mùa khai trường năm nay dễ làm người ta suy nghĩ rằng, tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”, theo nghị quyết đại hội đảng lần thứ 11, đã trở thành hiện thực, hay ít ra nó cũng sẽ mon men bên lề hiện thực. Nhưng với những ai có chút thận trọng và quan tâm đến vấn đề giáo dục thì không dễ nghĩ như vậy.

5 năm về trước, sau đại hội 10, ông Nguyễn Thiện Nhân, tay cầm nghị quyết đại hội 10 về “Chấn hưng giáo dục”, bước lên chiếc ghế bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo từ cương vị phó chủ tịch UBND thành phố HCM, làm phấn khởi biết bao phụ huynh học sinh cả nước. Đặc biệt ông cổ xúy, vận động cho việc “Nói không với việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tiếp theo là hàng loạt những cải cách để thực hiện việc “chấn hưng giáo dục”.

“Nói không với tiêu cực trong thi cử…” chưa ráo mực thì đã có gian lận ngay trong việc thi tuyển công chức tại văn phòng bộ Giáo Dục; còn "bệnh thành tích trong giáo dục” thì trong năm đầu của chủ trương này tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hạ xuống xấp xỉ 70% (con số nầy vẫn còn cao so với thực chất học tập của học sinh), so với trên 90% những năm trước đó, thì chỉ 2 năm sau lại vượt mức trên 90%; “Chấn hưng giáo dục” chỉ sau hai năm, theo bản báo cáo của Unesco công bố ngày 03/11/2008 “giáo dục Việt nam đứng thứ 79 trong tổng số 129 nước được xếp hạng. Tụt 9 bậc”. Thêm vào đó chuyện cải cách sách giáo khoa, cải cách phân ban trung học vẫn đang còn rối mù, thí nghiệm đi, thí nghiệm lại tốn không biết bao nhiêu là tiền của mà vẫn chưa tìm ra nút mở.

Nguyên nhân khủng hoảng phải trung thực nhìn nhận chủ yếu là do lãnh đạo bất cập, trước hết là lãnh đạo của TƯ .
GS. Hoàng Tụy

Điểm sơ qua thực trạng giáo dục trong một quãng thời gian ngắn giữa hai kỳ đại hội đảng 10 và 11, để thấy rằng nghị quyết đảng không thể là cây đũa thần giải quyết dứt điểm căn bệnh trầm kha, thậm chí là một khối u ác tính của nền giáo dục Việt Nam nếu không can đảm thừa nhận nguồn gốc sinh bệnh và dũng cảm cắt bỏ.

Thật ra, căn bệnh của nền giáo dục Việt Nam đã được các nhà trí thức, các nhà khoa học hàng đầu, trong cũng như ngoài nước, vạch ra từ lâu. Điển hình, năm 2009, trong bản điều trần - đã bị hạn chế phổ biến, nên rất ít người biết đến – của giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng, gởi trung ương đảng, quốc hội và chính phủ, sau khi “điểm mặt” chính xác sự khủng hoảng giáo dục, ông kết luận : “Một hệ thống mấy trăm đại học, cao đẳng, với chất lượng rất thấp, bên cạnh một hệ thống dạy nghề què quặt, trên nền một hệ thống giáo dục phổ thông cũ kỹ, lạc hậu, hơn hai thập kỷ nay vẫn loay hoay triền miên với những thí nghiệm tốn kém không hiệu quả, đó là bức tranh tổng thể của hệ thống giáo dục VN ở thời điểm này”.

Nguyên do đi đến tình trạng này, giáo sư chỉ ra rằng : “Hoàn toàn không phải do nghèo, vì công sức, tiền của lãng phí, thất thoát ngay trong ngành giáo dục rất lớn. Nguyên nhân khủng hoảng phải trung thực nhìn nhận chủ yếu là do lãnh đạo bất cập, trước hết là lãnh đạo của TƯ ”.
Chưa tìm được lối ra

khai-giang-250.jpg
Học sinh một trường cấp 3 ở Hà Nội trong ngày khai giảng 05/9/2011. RFA photo
Ít ra từ đại hội 8, mỗi lần đại hội, vấn đề khủng hoảng về giáo dục luôn được mang ra bàn thảo, với hàng trăm tham luận góp ý của những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Từ trong hàng ngũ đảng đến những bậc thức giả ngoài đảng. Sau đó được đúc kết thành nghị quyết để thực hiện. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, thậm chí có những mảng giáo dục còn xuống cấp thảm hại hơn, nếu không muốn nói là tha hóa hơn.

Sau đại hội đảng lần thứ 11, đầu tháng 6 năm 2011 Bộ Giáo dục trình ra đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo duc phổ thông sau năm 2015”, với dự toán 70 ngàn tỷ đồng (ba tỷ rưởi đô la). Đề án, dài vỏn vẹn 32 trang luôn trang bìa và phần mục lục, làm cho nhiều người ngán ngẫm. Ngán ngẫm vì vẫn là cách làm quen thuộc từ trước đến nay của Bộ Giáo Dục, rất ngược đời, đến nỗi các chuyên gia giáo dục gọi là “sinh con rồi mới sinh cha…..” hay đúng hơn là “xây phòng rồi mới xây nhà”, vì chưa hề có một “Quốc sách giáo dục” để làm nền tảng cho những cải cách. Trong vấn đề nầy, các chuyên gia trong ngành giáo dục có ý kiến như sau:
Gs Trần Hồng Quân – Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam:

Chi phí là cái sau cùng của toàn bộ một kế hoạch, do đó tôi không bình luận gì về cái 70 ngàn tỷ đồng đưa ra trong thời điểm nầy trong khi chưa có một chương trình to lớn về cải cách giáo dục.
GS. Trần Hồng Quân

“Theo tôi thì thực ra mà nói, khi xây dựng một đề án như một chương trình quốc gia về giáo dục, lâu nay trong xã hội VN người ta hay đáng ngại về cái từ Cải Cách Giáo Dục vì trước đây mình làm không đến nơi đến chốn. Nhưng mà lần nầy với cái chỉ đạo là thay đổi một cách căn bản và toàn diện thì thực chất nó là cải cách giáo dục. Nếu mà chúng ta xây dựng được một chương trình như vậy thì chừng đó chúng ta mới tính ra là cần phải chi bao nhiêu. Chi phí là cái sau cùng của toàn bộ một kế hoạch, do đó tôi không bình luận gì về cái 70 ngàn tỷ đồng đưa ra trong thời điểm nầy trong khi chưa có một chương trình to lớn về cải cách giáo dục”.

Và, nhà giáo Phạm Toàn – thuộc nhóm những nhà soạn sách giáo khoa độc lập – cho biết:

“Giáo dục bây giờ là đại khủng hoảng, nhưng bây giờ góp ý kiến với người ta người ta cũng không hiểu. Hôm qua chúng tôi có mấy anh em bàn với nhau : góp ý kiến thì người ta không hiểu, mà có người hiểu cũng không thực hiện được. Ngành giáo dục đại khủng hoảng vì không có một người chỉ huy, không có một nhà tư tưởng, không có một hệ thống để làm nữa, bây giờ nó loạn tất cả lên. Tôi đứng về phe tôi là làm lại bộ sách giáo khoa, tôi làm theo một định hướng, tôi trình ra xã hội, tôi không đưa ai duyệt cả….”.
Nhà dột từ nóc

Ngoài tầm nhìn hạn hẹp, còn một nguyên nhân nữa khiến cho Bộ Giáo Dục thích “xây phòng” trong khi chưa “xây nhà” đó là vì chuyện tư lợi cục bộ và cá nhân. Trong dự toán 70 ngàn tỷ, chia ra: Xây dựng trường ốc, 35 ngàn tỷ; Mua sắm trang thiết bị dạy học, 30 ngàn tỷ; Đào tạo cán bộ, bồi dưỡng giáo viên, 390 tỷ; Biên soạn chương trình - sách giáo khoa, 960 tỷ. Riêng khoản 960 tỷ cho biên soạn CT-SGK là Bộ và “người nhà” của Bộ ẳm trọn. Vì từ khâu biên soạn chương trình đến khâu cuối là xuất bản và định giá sách đều thuộc quyền của Bộ.

024_230089-250.jpg
Học sinh một trường trung học ở SG giờ tan trường. AFP photo
Chính vì kinh phí và lợi nhuận đã làm cho vòng đời của những bộ sách nhân danh chấn hưng giáo dục tồn tại không quá một niên học. Trở thành nỗi kinh hoàng của những bậc phụ huynh có con em cắp sách đến trường và biến học sinh trở thành vật thí nghiệm triền miên vô tội vạ.

Tác hại chính của những bộ sách đổi mới “đẻ non” ấy là sự biên soạn vô cùng cẩu thả, thiếu nghiên cứu nghiêm túc về mặt khoa học giáo dục, cũng như tính truyền thống dân tộc. Sách học vần tiếng Việt lớp 1, người ta dạy cho các em học mẫu tự đầu tiên là chữ “E” thay vì là chữ “A”. Như vậy rồi đây Bộ Giáo Dục sẽ cho xuất bản những cuốn tự điển, bất cứ loại nào, cũng bắt đầu bằng vần “E” hay sao?. Người ta đưa vấn đề sinh lý học vào môn khoa học của lớp 5 bậc tiểu học : Tinh trùng, trứng, thụ tinh, quá trình thụ tinh, những điều cần cho phụ nữ mang thai v..v.. Như vậy, nếu cần phải làm cho các em hiểu rõ “quá trình thụ tinh”, chẳng lẽ Bộ Giáo Dục lại cho các em xem hình hoặc chiếu những phim liên quan đến chuyện ấy?

Đề cập đến chuyện nầy, nhà giáo Phạm Toàn cho biết :

“Tất cả các chương trinh cũ tôi không muốn nói đến nữa bởi vì cái gì nó cũng sai, vì cái mạch, cái hệ thống (system) nó sai rồi. Khi cái system nó sai mà nó không có một tư tưởng thì đúng lâu cũng thành sai. Hãy tưởng tượng, một cái cây mà để gốc trên ngược là điểm thứ nhất; thứ hai, một cái cây mà treo vào một cái bánh. Cái bánh là đúng chứ không sai, mà treo (cây) vào đây là không hợp, không thuộc hệ thống. Cái gì cũng sai vì hệ thống sai, tư tưởng sai”.

Ngành giáo dục đại khủng hoảng vì không có một người chỉ huy, không có một nhà tư tưởng, không có một hệ thống để làm nữa, bây giờ nó loạn tất cả lên.
Nhà giáo Phạm Toàn

Căn nhà giáo dục Việt Nam rách từ nóc, nhưng những nhà lãnh đạo giáo dục cao nhất Việt Nam hoặc vô tâm hoặc bất tài nên mãi loay hoay với chuyện vá víu, sơn phết những căn phòng bên trong đã đẫm nước và mục nát. Việc làm nầy gây tổn hao cho công quỹ quốc gia, đưa đất nước đến chỗ nợ nần và cuối cùng người dân vừa phải còng lưng đóng thuế để trả nợ vừa trả tiền để mua một thứ giáo dục mà họ không thể dùng được vào việc gì.

Người biết chuyện luôn trăn trở: Liệu rồi đây Nghị quyết 11 rồi cũng sẽ tan theo tiếng trống trường?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét