Tướng Quắc: "Chuyên án lớn nhất là... tôi"
28-09-2011 | 07:16
(Nguoiduatin.vn) - Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) là một con người đã chỉ huy, tham dự nhiều chuyên án đặc biệt. Ông đã về hưu được gần 5 năm, hiện đang sống cùng vợ con ở TP. Hải Dương. Đây là lần đầu tiên ông chia sẻ về chuyện đời chuyện nghề.
* Huyền thoại Tài Đô và trận chiến trên tàu thống nhất
* Huyền thoại về một vị tướng
"Chuyên án lớn nhất là... tôi"
Đang làm Phó Giám đốc công an tỉnh Hải Hưng (cũ), năm 1993, Tướng Quắc được phân công về làm Cục phó Cục Cảnh sát điều tra. Năm 1994, Tướng Quắc nhận nhiệm vụ mới là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - C14, rồi Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Tướng Quắc có 3 người con. Một con trai lớn đang ở nước ngoài, con gái thứ 2 đang an cư, lập nghiệp ở Hà Nội. Cậu út chưa lập gia đình, đang làm việc ở Công an tỉnh Hải Dương, hiện ở cùng với vợ chồng Tướng Quắc tại TP. Hải Dương.
Đại tá Quắc được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen trong lễ tổng kết phòng chống tội phạm quốc gia - (Ảnh do gia đình cung cấp)
Tướng Quắc khẳng định: Gia đình là chỗ dựa bình an, chắc chắn nhất với ông khi sóng gió của cuộc đời, của công việc, sự nghiệp ập đến. Nhớ lại những lúc khó khăn, ông tâm sự: "Ngày đó, tôi không nghĩ mình lại bình tĩnh được đến như vậy. Tôi cảm nhận được sự chia sẻ từ vợ, các con và chiến hữu thân thiết cũng như thế thái nhân tình của đâu đó rất cao và rất xa nên đã át được cái chất hừng hực của lính hình sự".
Tướng Quắc bình thản: "Tôi sống và làm việc qua ba đời Bộ trưởng. Còn Tổng cục Trưởng thì nhiều lắm, vì thay đổi liên tục mà. Tôi là lính hình sự, chẳng bon chen, làm đúng công việc của mình nên ai làm lãnh đạo cũng vậy thôi. Tôi được đào tạo bài bản ở Đại học An ninh. Thế nhưng, cảnh sát hình sự mới là nghiệp theo tôi cả đời, đem đến cho tôi những vinh quang, nghĩa tình và cũng không ít những đắng cay. Có những lúc đau đớn nhưng không hề tủi hổ và trong những lúc cuộc đời tưởng chừng không lối thoát thì tôi vẫn có nhiều bạn bè, chiến hữu chia sẻ. Và lúc đó, tôi lại cám ơn cái nghiệp lính hình sự cho tôi nốt thăng của cuộc sống và cho tôi nốt trầm của sự nghiệp".
Tướng Quắc cho biết: "Năm 1994, tôi nhận chức Cục trưởng C14, 1995 bắt tay vào làm luôn một loạt các vụ án lớn liên quan đến các băng nhóm xã hội đen đang hoành hành tại các địa phương. Riêng vụ Lâm "già" ở Hải Phòng là do công an Hải Phòng làm. Ngày đó, Cục làm vụ Cu Nên, có những thông tin liên quan đến Lâm "già" thì cùng phối hợp, giúp đỡ nhau. Ngoài những chuyên án lớn trên, tôi còn làm Phó Ban chuyên án vụ án Năm Cam. Trước khi về hưu, tôi làm gần xong chuyên án xóa băng nhóm tội phạm xã hội đen ở Khánh Hoà là Hà "Lê" và Hạnh "Nhật".
Chuyện cũng rất nực cười, khi tổng kết chuyên án, người ta tuyên dương nhau nhiều vô cùng. Tôi được mới đến dự với tư cách khách mời. Cứ ngồi im, lặng lẽ theo dõi, cuối cùng, có một đồng chí trong ban tổ chức, rất biết tôi có tầm quan trọng như thế nào đến 2 chuyên án lớn này, đã bảo nhân viên đưa quà cho tôi để tránh ngượng. Lúc làm việc còn không bon chen, về hưu rồi, có gì để nói. Vợ tôi đã rất đúng. Khi nhận được giấy mời tổng kết chuyên án, bà ấy nói: "ông về hưu rồi, đến chỗ đó làm gì"? Tôi nói: "Người ta mời, mình không đến cũng không ổn, mà đến để xem người ta đối xử với nhau như thế nào"...
Ông nói: "Chuyên án lớn nhất trong đời tôi hoá ra không phải là PMU 18, là Hai Chi, Khánh "trắng", Năm Cam... mà chính là tôi". Và Tướng Quắc nhấn mạnh: "Một chuyên án lớn thành công, công của tập thể là chính nhưng người chỉ huy lại mang tầm quan trọng và sự ảnh hưởng. Chỉ một điều tra viên, một trinh sát, dù giỏi đến đâu cũng không thể thắng trận trong một chuyên án mà tội phạm là băng nhóm có tổ chức, có sự câu kết với cán bộ thoái hoá của chính quyền, công an".
Thanh thản với gia đình và ruộng vườn
Tướng Quắc kể: "Về hưu được một thời gian, tôi bán nhà ở Hà Nội, về Hải Dương mua hai miếng đất, xây một căn nhà. Miếng đất liền kề, bao giờ cậu út lấy vợ thì làm nhà để cho hai vợ chồng nó ở riêng. Thế là xong chuyện con cái, nhà cửa. Sáng dậy, đưa cháu đích tôn đi học rồi về giúp bà ấy chăm sóc cháu ngoại. Chiều lại đến trường đón cháu bằng chiếc xe máy. Hôm nào bận phải đi qua đêm thì gọi đứa cháu gọi bằng bác ruột sang ngủ cùng cháu nội, đưa cháu đi học giúp. Khi về Hải Dương ở có rất nhiều người bạn làm doanh nghiệp đến nhà, mời tôi ra làm việc.
Tướng Quắc và cháu ngoại tại tư gia
Tôi từ chối, vì làm việc từng ấy năm đã quá đủ rồi. Lương hưu của hai ông bà thừa đủ sống và lo cho hai đứa cháu. Bà xã cũng phản đối chuyện đi làm thêm của tôi, dù họ trả lương cao. Ngoài đưa đón, trông cháu, tôi thường đi câu với một số chiến hữu ở công an Hải Hưng (cũ), họ cũng về hưu, nhàn rỗi như tôi. Được cái, tôi sát cá, cứ đi câu hôm nào, y như rằng, được cá to và nhiều hơn người khác. Thế là mấy ông già lại chia nhau "chiến lợi phẩm" một ngày mưa, nắng ngoài ao... Vui lắm."
Tướng Quắc cho biết thêm, ngoài thú vui đi câu cá thì ông cũng có sở thích đi...ngắm cò. Tại huyện Thanh Miện có đảo Cò, ông cùng mấy chiến hữu thường đến đó ngắm cảnh, ăn uống và tán chuyện phiếm, có khi đến nửa đêm mới quay về.
Vị tướng già cười vui vẻ nói: "Cuộc sống của tôi bây giờ rất thanh thản. Được nghỉ ngơi, ở nhà với gia đình. Không giàu có, lắm của nhiều tiền nhưng cuộc sống cũng chưa bao giờ khó khăn. Tóm lại, sau 41 năm theo nghiệp lính hình sự, cái duy nhất tôi thấy còn đọng lại đó là năm 2002 tôi được phong hàm Tướng và trong lòng nhiều người dân thì Phạm Xuân Quắc - “gã đầu bạc" ở C14 cũng là một người đáng nhớ, thế là được. Trông lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống thì khối người đang nhớ tới mình... Vậy là yên lòng rồi".
Quỳnh Chi - Quế ngân
Kỳ sau: Tướng Quắc kể về chuyên án Nam Cam
Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét