Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Lương công chức thấp sao vẫn mua được ô tô?

Lương công chức thấp sao vẫn mua được ô tô?
01/10/2011 07:10

(VTC News) – Trong khi lương công chức nói chung thấp nhưng có bộ phận cán bộ vẫn sống sung túc, có ô tô, biệt thự…

Lời Tòa soạn: Tại cuộc hội thảo về cải cách tiền lương vừa diễn ra tại Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Thang Văn Phúc đã trình bày nhiều ý kiến phân tích, mổ xẻ những tồn tại của chính sách tiền lương hiện nay và định hướng cải cách trong những năm tới.

VTC News xin trích đăng bài phát biểu này. Tên bài do tòa soạn đặt.

Lương công chức thấp sao vẫn mua được ô tô?
Lương thấp nhưng nhiều người vẫn có nhà lầu, xe hơi.
Lương thấp nhưng vẫn có nhà lầu, xe hơi

Từ năm 1999 đến nay, đã trải qua 3 lần cải cách tiền lương (các năm 1985, 1993, 2004) nhưng tiền lương công chức vẫn chưa tương xứng với vị trí lao động quyền lực, có trình độ và hao phí lao động phức tạp bằng trí óc, có phạm vi ảnh hưởng lớn và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của công chức Nhà nước.

Mức lương chính thức của công chức quá thấp so với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả so sánh với khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Lương không đảm bảo cuộc sống của bản thân công chức và gia đình họ (có thể ước tính chỉ đáp ứng 30 – 40% nhu cầu tối thiểu của một gia đình công chức).

Vì thế, công chức buộc phải xoay sở để có thêm thu nhập; trong đó có những thu nhập hợp pháp. Song, có khá nhiều thu nhập không chính đáng, bất hợp pháp dựa vào quyền lực của công chức (những người có quyền cấp đất, cho thuê đất, có quyền duyệt dự án đầu tư, cấp tín dụng, cho khoanh nợ; có quyền bổ nhiệm chức vụ, có quyền can thiệp vào kết quả xét xử của tòa án…) mà thực chất là tham nhũng.

Tình trạng này càng gây ra bất công lớn trong công chức và xã hội, gây ra tâm trạng bức xúc của người dân với công chức.

Mặt khác, hệ thống bảng lương được thiết kế quá phức tạp, thiếu hợp lý, số bậc lương quá nhiều (56 bậc); chênh lệch giữa các bậc lương lại quá nhỏ (khoảng 0,3); thời gian nâng bậc dài đến 3 năm; từ bậc lương thấp nhất đến cao nhất phải mất…70 năm. Tình trạng này đã không động viên công chức phấn đấu.

Chế độ phụ cấp tuy đã có tới 8 loại nhằm khuyến khích người lao động trong các khu vực địa bàn và công việc khác nhau, song vẫn còn nhiều điều vô lý.

Vấn đề “tiền tệ hóa tiền lương” tuy được nói đến từ lâu nhưng chưa được thực hiện. Vì vậy, công chức giữ chức vụ quản lý đang có sự chênh lệch lớn giữa lương chính thức với các khoản ngoài lương (như khoán quỹ lương, xe cộ, nhà ở, điện thoại, công tác phí…) mà thực chất vẫn lấy từ ngân sách. Điều đó không những gây ra bất công giữa các loại công chức mà còn gây ra lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Hậu quả

Do không thu hút được nhiều người tài nên xảy ra tình trạng chất lượng hệ thống thể chế kinh tế, hành chính, các quyết sách về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội có phần hạn chế.

Lương công chức thấp sao vẫn mua được ô tô?
Bao giờ công chức sống được bằng lương?
Đã có những văn bản pháp luật xa rời cuộc sống, không khả thi, thậm chí thu vén cho lợi ích cơ quan ban hành thể chế, gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp; có văn bản pháp quy phải sửa đổi sau khi ban hành một thời gian ngắn…

Một số công chức đã bỏ cơ quan Nhà nước ra đi…đã cho thấy bộ máy Nhà nước không đủ sức thu hút họ, nhất là không tạo được môi trường thuận lợi để phát huy tài năng và thăng tiến.

Ngược lại, một số vẫn muốn vào bộ máy Nhà nước, do có người có thiện chí mong muốn đóng góp cho công việc chung của đất nước, nhưng không ít người muốn có một chỗ trong biên chế, thậm chí phải “mua” một vị trí xứng đáng trong bộ máy, vì họ muốn có chỗ để kiếm chác, mưu cầu lợi ích không chính đáng hoặc do những nguyên nhân khác.

Đáng quan tâm là một số công chức thoái hóa, biến chất, đã lợi dụng chức vụ để tham nhũng, làm giàu bất chính, gây bức xúc lớn cho xã hội.

Vì vậy, lòng tin của các tầng lớp nhân dân với bộ máy Nhà nước và công chức đã bị giảm sút một mức đáng kể. Thực tế, người dân và doanh nghiệp đến cơ quan công quyền, tiếp xúc với những cơ quan chức năng đã không tránh khỏi bị hạch sách, nhũng nhiễu, phải có “phong bì” lót tay…

Do đó, nhất thiết phải trả lương cho đúng công chức, không để kéo dài tình trạng lương công chức quá thấp, mà một nguyên nhân chủ yếu là bộ máy và những người hưởng lương từ ngân sách tăng thêm quá nhanh, không đủ chi tiền lương.

Nếu ngân sách không đủ tiền, phải giảm một số người trong biên chế Nhà nước, để những người còn lại được hưởng lương một cách đúng đắn, không thể kéo dài tình trạng lương không đủ sống.

(còn phần 2: "Đổi mới chính sách tiền lương thế nào?")

TS Thang Văn Phúc
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét