TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Chín 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Chín 2011
Phi thuyền Tiangong-1
Phi thuyền Tiangong-1
REUTERS/Petar Kujundzic
Trọng Thành
Ngày 29/9/2011, đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc thông báo, một phi thuyền của Trung Quốc được đưa lên quỹ đạo để thử nghiệm các kỹ thuật ráp nối trong không gian, nhằm chuẩn bị xây dựng một trạm vũ trụ vào năm 2020.
Từ sân bay vũ trụ Tửu Tuyền nằm trong sa mạc Gobi, phi thuyền Tiangong-1 (Thiên cung 1) nặng 8,5 tấn, được phóng lên vũ trụ vào buổi trưa hôm nay 29/09/11 theo giờ địa phương. Trả lời phỏng vấn báo Global Times, một chuyên gia về công nghệ vũ trụ của Trung Quốc cho biết, việc phóng phi thuyền kể trên là giai đoạn chuẩn bị để Trung Quốc tiến tới xây dựng một trạm không gian riêng. Để làm được điều này Trung Quốc phải làm chủ được kỹ thuật ráp nối các phi thuyền trên không gian. Đây là một thách thức rất lớn, khi các phi thuyền di chuyển với tốc độ khoảng 28.000 km/giờ.
Theo bà Isabelle Sourbès-Verger, chuyên gia về chương trình vũ trụ của Trung Quốc, thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Trung Quốc thừa hưởng được kỹ thuật ráp nối và công nghệ tàu Soyouz của Nga.
Phi thuyền Tiangong-1 dự kiến sẽ ở trên quỹ đạo cho đến năm 2013. Trong vòng một tháng tới, Tiangong-1 phải ráp nối với phi thuyền Shenzhou VIII (Thần châu –VIII). Hai phi thuyền sẽ ráp vào nhau trong vòng 12 ngày, trước khi tách ra, rồi dự kiến sẽ hợp lại một lần nữa.
Cũng theo chuyên gia công nghệ vũ trụ Trung Quốc nói trên, từ năm 1966 đến nay, đã có 300 cuộc ráp nối trên vũ trụ, trong đó có 17 trường hợp thất bại. Vào tháng 7/2010, phi thuyền Progress của Nga đã thất bại một lần, trước khi nối được với trạm vũ trụ quốc tế ISS. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm kỹ thuật ráp nối các phi thuyền trong không gian. Tiếp theo đó, Tiangong-1 sẽ được ráp với Shenzhou IX và Shenzhou X, dự kiến sẽ chuyên chở ít nhất một nhà du hành vũ trụ.
AFP nhận xét, giống như chuyến bay lên vũ trụ có người năm 2003, hiện nay Trung Quốc đang trong giai đoạn rượt đuổi về công nghệ vũ trụ, với việc thực hiện các thử nghiệm mà Mỹ và Nga đã tiến hành trong những năm 1960. Trước khi chế tạo được một trạm vũ trụ từ nay đến năm 2020, giống như trạm Mir của Nga hay trạm quốc tế ISS, nơi các nhà du hành có thể sống độc lập trong nhiều tháng, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục có những thử nghiệm khác, sau khi Tiangong-1 rời quỹ đạo vào năm 2013.
Theo nhà nghiên cứu Pháp, dù cho có thành công trong việc ráp nối các phi thuyền, Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất là 5 năm mới có thể tham gia hợp tác với trạm vũ trụ quốc tế ISS. Theo chuyên gia vũ trụ người Úc Morris Jones, việc Trung Quốc tham gia vào ISS bị cản trở vì lý do « chính trị », đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ.
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét