'Giáo dục Việt Nam đang đào tạo ngược'
Cập nhật lúc :9:49 AM, 28/09/2011
(ĐVO) Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước tại "Toạ đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” diễn ra tại Hà Nội hôm qua.
Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng, giáo dục nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược, vô lý và khúc mắc trong nhiều khâu. Đặc biệt là ở chương trình đào tạo ĐH.
“Người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ năm 2006 đến 2010 chúng ta đã mở thêm 64 trường ĐH và CĐ trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên ĐH. Vậy làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục đại học? Hơn nữa, không ít giáo sư, phó giáo sư vẫn phải chạy sô với số giờ dạy vượt xa mức quy định, thì làm gì có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học”, bà Bình nói.
Cũng theo bà Bình, trước đây ngành giáo dục đã có chủ chương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Quy trình này được đánh giá là rất hợp lý, phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến nhưng nó đã bị gỡ bỏ và các ĐH - CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược: “Thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”. Tuy nhiên, trong năm học này, các trường đã nới lỏng cả đầu vào nhưng vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu sinh viên và nguy cơ đóng cửa một số ngành đào tạo.
Do đó, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục.
Sách giáo khoa vừa thừa vừa thiếu
Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia giáo dục tham gia tọa đàm, hướng dẫn giảm tải của Bộ GD – ĐT chưa thực tế, nội dung sách giáo khoa vẫn còn nhiều bất cập.
Các chuyên gia giáo dục hàng đầu Việt Nam "hiến kế" chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Quốc Toản, Bộ GD - ĐT mới chỉ dừng lai ở giảm tải về khối lượng và độ khó kiến thức, những phần trùng lặp chứ chưa dựa trên những nghiên cứu thấu đáo về tương quan giữa: Giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng? Do đó, việc thực hiện giảm tải mới chỉ là hình thức “chữa cháy”, chưa đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Đăc Hưng cho rằng: Chương trình sách giáo khoa ở bậc phổ thông sau khi "giảm tải" vẫn không có tính chất ổn định, vừa nặng, vừa thừa những nội dung không còn giá trị sử dụng lại thiếu tính khoa học và những nội dùng cần thiếu cho cuộc sống.
Vì vậy, ông Hưng đề xuất, giảm tải chương trình sách giáo khoa cần có một lộ trình thích hợp. Bộ GD phối hợp với các nhà giáo dục nghiên cứu làm thế nào để sách giáo khoa vừa phù hợp vừa sử dụng được lâu dài để không gây tốn kém. Bên cạnh đó phải xiết chặt việc xuất bản các sách tham khảo ăn theo tránh gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh và cả học sinh.
Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đồng tình với các ý kiến trên và lo ngại, cách cắt xén chương trình để “giảm tải” cập rập như vừa thực hiện đầu năm học này, sẽ khiến việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.
“Cần phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt ngay cả đối với sách giáo khoa. Cần thiết phải có nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải 1 bộ duy nhất như hiện nay. Vì có sự khác biệt về trình độ phát triền giữa các vùng miền (chưa thể thu hẹp trong một thời gian ngắn) và sự đa dạng về văn hoá trong cộng đồng 54 dân tộc anh em (cần được bảo tồn và phát triển) cho nên trong cuộc cải cách sắp tới phải có những phương án xử lý khác nhay đối với chương trình giáo dục phổ thông cũng như cần có nhiều bộ sách giáo khoa”, bà Bình “hiến kế”.
Giáo sư Hoàng Tụy cũng cho rằng, điều chỉnh cục bộ, qua cơ chế phản hồi, kiểu như đổi mới vụn vặn mấy năm qua chẳng những không có tác dụng mà còn có thể làm tình hình tồi tệ, rối ren thêm. Lối ra duy nhất lúc này là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. "Bốn vấn đề cơ bản cần phải làm là: thay đổi cơ bản cách học và thi; Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; Cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học, thay đổi chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức", ông Tụy ý kiến.
"Không để giáo viên sống bằng nghề khác"
Một trong những vấn đề chủ chốt để phát triển giáo dục là đội ngũ cán bộ giáo viên, trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia đội ngũ này chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nghiêm Đình Vì, Ban Tuyên giáo Trung ương, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa có quy hoạch chiến lược, dài hạn cho toàn ngành. Đội ngũ giảng viên sư phạm vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, tính tỷ lệ tiến sĩ trong các trường cao đẳng sư phạm, ĐH sư phạm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học. Do đó, chưa tạo nên bước đột phá đáng kể về chất lượng đào tạo.
"Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Sư phạm; tiếp tục nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế; tiến hành đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm. Hiện nay, xu hướng tích hợp vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào đổi mới chương trình và sách giáo khoa THPT", ông Vì kiến nghị.
Về vấn đề này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị: “Phải sớm cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không để các thầy cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác”.
Đồng tình với các ý kiến trên, giáo sư Hoàng Tụy nhấn mạnh: "Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với người thầy giáo".
Giáo sư Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, cần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục.Trong đó, cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm.
Khánh Tường
Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét