Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Giáo sư Tiến sĩ HOÀNG HỮU ĐƯỜNG

Giáo sư Tiến sĩ HOÀNG HỮU ĐƯỜNG

[GS.TS Hoàng Hữu Đường (1936-1987)]

GS.TS Hoàng Hữu Đường (1936-1987)
L.T.S - Hoàng Hữu Đường (Đ.16) thứ nam của Bác sĩ Hoàng Hữu Diệu sinh ngày 19-02-1936 tại Huế,chánh quán thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị.

Đã theo học tại các trường tiểu học Ba Đồn (Quảng Bình), trường trung học Phan Bội Châu (Quảng Bình), trường phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Bạch Ngọc - Nghệ An) và trường đại học khoa học (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp bậc đại học được cử làm cán bộ giảng dạy khoa Toán Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1973 trình luận án Phó tiến sĩ Toán, và năm 1982 người đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán ở trong nước. (Đúng ra ông đã có thể bảo vệ luận án tiến sĩ từ nhiều năm trước đó.)

Ngày 27-12-1987, đã mất đột ngột vì cơn xuất huyết não, hưởng dương 52 tuổi. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Cang, chủ nhiệm khoa toán trường đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh về giáo sư tiến sĩ khoa học Hoàng Hữu Đường, một tài năng của đất nước. (Cửa Việt)

* Năm 1955, từ vùng đất kháng chiến ở trong Nam, tôi được về Hà Nội học. Thời ấy Hà Nội chỉ có một thư viện do Pháp để lại là Thư viện Pasquier lấy tên của một thực dân đầu sỏ (một thời là toàn quyền Đông Dương). Thư viện này về sau đổi tên là Thư viện Quốc gia (ở đường Tràng Thi). Trong thư viện có một quyển sách có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi, đó là quyển Les grands mathématiciens (Những nhà toán học lớn). Tôi đọc say sưa cuộc đời và sự nghiệp của các nhà toán học vĩ đại của nhân loại. Đọc xong tôi tự rút ra kết luận: có những nhà toán học có bộ óc tuyệt vời bẩm sinh, sự cống hiến của họ cho khoa học Toán học khiến cho nhân loại muôn đời phải mang ơn, nhưng cũng có những nhà toán học không phải là thiên tài bẩm sinh nhưng do nghị lực phi thường, lòng say mê vô hạn đối với toán học cọng với phương pháp tốt mà tên tuổi trở thành bất tử vì những cống hiến lớn lao của họ cho nền Toán học thế giới. Loại thiên tài bẩm sinh, tôi rất phục nhưng cảm thấy họ xa vời mình quá, nhưng loại sau làm tôi cảm thấy gần gũi, yêu thương và gần như trở thành thần tượng động viên tôi trong suốt cuộc đời đi học.

Năm 1967, tôi là nghiên cứu sinh Toán người Việt Nam đầu tiên tại Trường đại học tổng hợp Bucarest. Giáo sư dạy tôi là một người gốc Do Thái. Những lúc nói chuyện học hành với giáo sư, tôi thường tò mò hỏi trong các học trò của giáo sư ai là người mà giáo sư cho là xuất sắc nhất. Không cần ngần ngại, giáo sư bảo đó là Dan. Và sau đó tôi làm quen với anh ta. Dan là một thanh niên Rumani rất trẻ 18 tuổi, nổi tiếng vì trong 1 năm đã thi đỗ ưu tất cả các chứng chỉ toán của chương trình 5 năm ngành toán trường Đại học tổng hợp Bucarest và được bổ nhiệm làm phụ giảng và không mấy khó khăn anh ta đã đỗ tiếp tiến sĩ 1 và tiến sĩ khoa học khi mới 20 tuổi. Năm 1983. tại Vácsava, tôi đã gặp lại Dan ở hội nghị toán học thế giới và không ngạc nhiên một tý nào khi tôi thấy tên anh trong danh sách các nhà toán học nổi tiếng thế giới được mời thuyết trình 45 phút ở hội nghị. Đây là vinh dự lớn vì ở vùng Đông Nam Á, chưa có ai được mời như vậy. Tôi nghĩ Dan thuộc loại thiên tài bẩm sinh. Đồng thời, ngược lại, hoàn toàn tương phản với Dan là Drêgan, mù hai mắt, không trẻ lắm, nhưng tinh thần cần cù nhẫn nại thật tuyệt vời nên cũng đã thành đạt từ xêmine của thầy tôi. Trong các hội thảo về toán học, khi thuyết minh và nhận xét công trình của Drêgan bao giờ thầy tôi cũng mở đầu: “Tôi phát biểu thay cho Drêgan vì Drêgan không được may mắn có 2 mắt bình thường như chúng ta”. Tôi đã nghe nhiều lần câu ấy nhưng lần nào thầy tôi cũng nhắc lại với tình cảm thương yêu, xót xa nhưng đầy cảm phục đối với người học trò bất hạnh của mình.

Khi về nước, vì cùng chuyên môn học trong ngành Toán nên tôi và Hoàng Hữu Đường thường sinh hoạt chung trong xêmine “Phương trình vi phân” do anh em trong Viện Toán tổ chức. Chúng tôi thân nhau từ đấy. Càng tiếp xúc, làm việc trao đổi chuyên môn với nhau tôi càng quý, càng phục, càng thương anh Đường. Tinh thần làm việc say mê, cần cù nhẫn nại như một con ong của anh, đã hoàn toàn chinh phục tôi. Tôi liên tưởng tới Drêgan và Dan. Đường không giống Dan nhưng tinh thần ham học thì khá gần nhau. Đường chăm còn hơn cả Drêgan nhưng cũng có phần may mắn hơn Drêgan vì không bị khuyết tật. Tôi thấy ở anh có một phần của Dan và một phần của Drêgan. Tôi vinh dự được mời tham gia phát biểu về luận án phó tiến sĩ “lý thuyết số mũ trên của hệ phương trình tuyến tính” của anh năm 1974. Chúng tôi đã quá quen thuộc với công trình này và đã từng ngưỡng mộ nó. Phải nói rằng, với một người ít được may mắn đi ra nước ngoài nhiều lần (trước 1975) như anh mà đạt được kết quả như vậy thật là hiếm. Để hoàn thành công trình này, Hoàng Hữu Đường đã bắt đầu từ những buổi nghe giản vỡ lòng với giáo sư Ecsốp, trường đại học Lêningrad trong những năm đầu thập kỷ 60. Hoàng Hữu Đường đã được Ecsốp khai tâm từ đó. Về sau là những chuỗi ngày miệt mài không biết mệt đối với tuổi ngoài 20 của anh.

Trên thế giới chỉ có hai nước đầu tiên có tạp chí “Phương trình vi phân” riêng là Liên Xô và Mỹ. Các nước khác hoặc ghép chung chuyên ngành này vào “Giải tích” hoặc về sau này mới có tạp chí riêng. Sự bền bỉ của Đường đã được đến bù xứng đáng. Phần chính của luận ánh Phó tiến sĩ của anh đã đăng tải ở tạp chí “Phương trình vi phân” của Liên Xô. Tôi chia vui với anh nhưng biết chắc rằng không dừng thành tích của mình ở đó vì Đường đã bị trường phái Lêningrad “mê hoặc” rồi. Cùng chuyên ngành họp với nhau nhưng tôi và Đường dùng công cụ toán học khác nhau, mặc dù mục tiêu của chúng tôi không khác nhau mấy. Trong toán học, hiểu nhau sâu là điều không đơn giản. Tuy vậy tôi và Đường khá hiểu nhau. Ở Liên Xô, cũng là Phương trình vi phân nhưng có hai trường phái nghiên cứu khác nhau. Ở Mạc tư khoa, các nhà toán học về ngành này nghiên cứu khác với ngành toán học ở Lêningrad. Hoàng Hữu Đường có lẽ đã đi những bước đầu tiên với Ecsốp. Tôi hay nói đùa: “Đường đã ăn phải bùa mê của Lêningrad”. Luận án tiến sĩ của anh sau này “Lý thuyết Vectơ đặc trưng và ứng dụng để nghiên cứu sự ổn định nghiệm của các hệ phương trình vi phân” đã được bảo vệ thành công năm 1982 ở Hà Nội, chẳng những là vinh dự lớn của anh mà còn là niềm sung sướng tự hào của trường phái Lêningrad nữa.

Tinh thần hăng say của Đường thật đáng “sợ”. Các nhà toán học Pháp đã từng qua làm việc tại Hà Nội đều có chung một cảm giác đó với các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi sung sướng, cảm phục, tự hào về những việc làm mang tính “con ong” của anh. Anh đã kiên nhẫn, tập trung ghi chép lại khá công phu, chính xác các bài thuyết trình của Trêdêric Phạm, Malgrange, Chenciner. Sau này anh tâm sự với tôi là anh muốn mở rộng tầm nghiên cứu của anh về sự “Kỳ dị” do các bài giảng của Phạm, Chenciner gợi ý. Tôi vui lây cái vui, cái hồ hởi của anh và mong đợi những thành công mới của anh.

Bẵng đi một dạo xa anh vì tôi làm việc ở Viện toán Ba Lan. Trong hội nghị toán toàn quốc lần thứ ba tại Hà Nội năm 1985, tôi gặp lại anh và anh đã bàn với tôi nhiều việc trong đó có dự định tổ chức ngày “Toán học Việt Nam” với sự tham gia của các nhà toán học nước ngoài và trong nước. Anh tin tưởng: “Chúng ta đã đông người, đủ sức rồi đấy, phải tổ chức đi thôi”. Tôi tán thành nhiệt liệt dự án của anh, chỉ còn băn khoăn một vấn đề là cơ sở vật chất để tổ chức. Nhưng anh đã vĩnh viễn giã từ chúng tôi, những bạn đồng nghiệp của anh, mang theo bao ước mơ, hoài bão xây dựng ngành Phương trình vi phân của Việt Nam. Tiếc thương anh vô hạn, một gương hiếm có về tài năng và nghị lực đáng để cho bạn đồng nghiệp và học trò anh noi theo, chúng tôi đang cố đi tiếp con đường của anh, hy vọng lần lượt thực hiện những phần mà anh đã tâm đắc với chúng tôi.

TP.Hồ Chí Minh 10 -1989
GSTS. NGUYỄN CANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét