Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Tăng độ tuổi nghỉ hưu để giảm lãng phí nguồn lực

Tăng độ tuổi nghỉ hưu để giảm lãng phí nguồn lực
16-09-2011 | 10:32

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm qua (15/9), Chính phủ họp phiên chuyên đề về 9 dự án luật cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội.

* Lao động VN bị “cướp” việc ngay tại “sân nhà”?
* Lao động phổ thông vẫn “đắt hàng”

Những sửa đổi đáng chú ý

Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời giờ làm thêm vẫn giữ như quy định hiện hành, tối đa 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ được tăng lên thành 6 tháng.

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng đối với người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động thì nên giữ như quy định hiện hành, 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, tuy nhiên trong thời gian tới cần tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Dự án luật đã quy định tương đối toàn diện, tôn trọng và đề cao quyền tự chủ của người lao động, phù hợp với công ước quốc tế.

Các thành viên Chính phủ cho rằng thời giờ làm thêm nên giữ như hiện hành, quy định thời gian làm thêm tối đa 200 giờ/năm, tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp mang tính đặc thù như dệt, may, da giày, chế biến thủy sản thì Chính phủ cần có quy định riêng về thời gian làm thêm tối đa 300 giờ/năm.
Một số ý kiến cho rằng, phụ nữ đến 55 tuổi có quyền nghỉ hưu chứ không buộc phải nghỉ hưu.

Việc đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng với lao động nữ, theo nhiều đại biểu, là phù hợp, tạo điều kiện tăng cường và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em sơ sinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến trường hợp phụ nữ có nhu cầu đi làm sớm mà các bác sỹ khẳng định đạt yêu cầu về sức khỏe thì nên tạo điều kiện để họ được làm việc.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các thành viên Chính phủ. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nên giữ như quy định hiện hành 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, có thể tăng độ tuổi nghỉ hưu tùy theo từng trường hợp. Phụ nữ đến 55 tuổi có quyền nghỉ hưu chứ không buộc phải nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài không quá 5 năm

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị không nên quy định tuổi nghỉ hưu với những người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp vì không thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật này mà thuộc diện điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Một số đại biểu cũng thống nhất với ý kiến này, cho rằng tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức, viên chức nên điều chỉnh theo hai Luật trên.

Một vấn đề đặt ra là nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nam 60, nữ 55 đối với cán bộ, công chức, viên chức thì lại lãng phí nguồn lực, trí tuệ bởi nhiều người ngoài 50 tuổi mới bảo vệ xong luận án tiến sỹ, chỉ làm việc thêm vài năm là đã nghỉ hưu. Song, nếu quy định tăng tuổi nghỉ hưu thì ảnh hưởng đến một loạt yếu tố khác như giải quyết việc làm, quy hoạch cán bộ…

Vậy quy định thế nào là hợp lý? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất cần quy định mở rộng hơn nữa, một số nghề đặc thù cần kéo dài tuổi lao động, quy định rõ cái gì áp dụng với công chức viên chức, cái gì để các luật chuyên ngành quy định.

Còn đại diện các Bộ Xây dựng, Y tế, Ủy ban Dân tộc thì cho rằng dù giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nhưng cũng cần có quy định mềm hơn, áp thêm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 25 năm với nữ, 30 năm với nam, đủ thời gian đóng bảo hiểm là được đảm bảo chế độ lương hưu, không trừ phần trăm lương hưu để tránh thiệt thòi cho họ. Tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài nhưng không quá 5 năm.

Những người có trình độ thì do thủ trưởng đơn vị quyết định. Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Dân tộc cũng khẳng định: Công chức viên chức cũng là người lao động, cần quy định làm sao để mọi đối tượng đều chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật này.

Người có trình độ cao có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu

Kết luận phần đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu để sửa đổi những vấn đề hết sức bức thiết.

Những gì đang thực hiện thí điểm thì không đưa vào Luật. Về thời giờ làm thêm, cần cân nhắc kỹ hơn vì nhiều người muốn làm thêm để có thêm thu nhập, cái quan trọng là quy định thế nào để đảm bảo điều kiện làm việc và tiền lương cho người lao động. Về nghỉ thai sản với lao động nữ, nên quy định sao cho “mềm” hơn, gắn với thực tiễn, khi người phụ nữ khỏe mạnh, có nhu cầu đi làm, điều kiện cho phép thì phải mở ra cho họ.

Thủ tướng cho rằng ai cũng là người lao động, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động, vì vậy cần coi đây là bộ luật gốc, cần đưa ra một nguyên tắc để các luật khác điều chỉnh cho dễ. Bộ luật này nên quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi được quyền nghỉ hưu, còn người có đào tạo, trình độ cao, tự nguyện làm việc và được người sử dụng lao động chấp nhận thì được kéo dài tuổi nghỉ hưu, còn kéo dài tới bao nhiêu thì do luật quy định. Mỗi lĩnh vực sẽ có quy định kéo dài tối đa là bao nhiêu, do cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét