Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất

Lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất
"Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào để lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất”, tiến sĩ Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh tại hội thảo khoa học Công tác nhân tài ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hôm 6/9 vừa qua.

Theo ông Hồ Đức Việt - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn đánh giá cao nhân tài, coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.


Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Đức Việt, công tác nhân tài ở nước ta hiện nay cũng có nhiều hạn chế, bất cập. Chúng ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài nên không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp.



(ảnh minh họa)



Chia sẻ với quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Khoa học xã hội - khẳng định, 36 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, mãi tới tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam mới chính thức cho ra đời được “Quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020” mà chưa thể đưa ra một khái niệm cụ thể, một quy hoạch dài hạn, một chiến lược nhân tài tổng thể. Cũng theo nhà nghiên cứu này thì Việt Nam cần tập trung phát triển nhân tài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào mũi nhọn vào nhân tài lãnh đạo (quản lý Đảng và chính quyền), nhân tài quản lý kinh doanh, nhân tài khoa học - công nghệ.



Theo tiến sĩ Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì nhân tài là tài sản quốc gia, dân tộc, Nhà nước phải biết trọng dụng nhân tài, sử dụng họ. “Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào để lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất” - thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh. Ngoài ra, theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giáo sư Dương Phú Hiệp thì phải có nghệ thuật sử dụng nhân tài, thực hành ứng xử văn hóa tinh tế với nhân tài. Trọng dụng phải gắn với đãi ngộ, đãi ngộ phải công bằng; phải biết chấp nhận sự khác biệt trong một thể thống nhất đối với sự phát triển đất nước.



Kết luận hội thảo, ông Hồ Đức Việt nhấn mạnh: Ban Tổ chức tiếp thu những ý kiến sâu sắc của các đại biểu, nhà khoa học để hoàn thiện đề tài, báo cáo trung ương và các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành chiến lược quốc gia về nhân tài; khắc phục những bất cập hiện nay, tạo lòng tin cho trí thức và nhân dân.


Theo Lam Sơn
Báo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét