Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Người bảo vệ “khoán chui”

Thứ Sáu, 09/09/2011, 08:14 (GMT+7)

Người bảo vệ “khoán chui”

TT - Nhớ đồng chí Võ Chí Công, tôi nhớ ngay đến sự ra đời của chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thường gọi tắt là “khoán 100” (ban hành năm 1981).

>> Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công từ trần

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (người đứng thứ sáu từ phải sang) trong một lần thăm ruộng lúa HTX ở Thái Bình - Ảnh: TTXVN

Lúc bấy giờ kinh tế nước ta hết sức khó khăn, từ đòi hỏi của thực tiễn, một số nơi xé rào áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Sở dĩ việc này được gọi là “khoán chui” vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó.

Cuộc đấu tranh quan điểm về “khoán chui” trở nên hết sức gay go. Không phải ai cũng dám đứng ra bảo vệ “khoán chui”, nhưng đồng chí Võ Chí Công là một trong những người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự ra đời của chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán, cũng như bảo vệ tinh thần của chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu.

Đã có nhiều bài viết phân tích về ý nghĩa lịch sử của chỉ thị 100. Tôi cho rằng đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi, đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở VN.

Năm 1982, tôi được phân công làm trưởng Ban Nông nghiệp trung ương, với trọng trách mới tôi có điều kiện chỉ đạo triển khai chỉ thị 100. Cho đến lúc này, cuộc đấu tranh quan điểm về khoán trong nông nghiệp vẫn chưa dừng lại.

Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của đồng chí Võ Chí Công (ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng), tôi cùng bộ phận tham mưu và lãnh đạo các bộ hợp lực kiên trì đi sâu nghiên cứu thực tế, mở rộng việc dân chủ tham gia ý kiến của cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật, được Ban Bí thư Trung ương Đảng chấp thuận ban hành năm chỉ thị triển khai và hoàn thiện khoán ở từng vùng, từng lĩnh vực như khoán đồi rừng, khoán ở vùng biển, thủy hải sản, ở thủ công nghiệp, kinh tế gia đình, khoán sản phẩm trong nông lâm trường quốc doanh...

Hệ thống các chỉ thị của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy và hoàn thiện quản lý trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng thời cũng tạo tiền đề và tạo đà để Bộ Chính trị ra nghị quyết số 10, còn gọi là “khoán 10” trong nông nghiệp.

VŨ OANH
(nguyên ủy viên Bộ Chính trị)

V.V.THÀNH lược ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét