Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Đồng chí Võ Chí Công - Người được nhân dân kính trọng và cảm phục

Đồng chí Võ Chí Công - Người được nhân dân kính trọng và cảm phục (10/09/2011)
Nhắc tới đồng chí Võ Chí Công là nhắc tới người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự nghiệp ra đời của Chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán cũng như bảo vệ tinh thần Chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu, ta thường gọi nôm na là "người bảo vệ khoán chui”, mà báo Đại Đoàn Kết đã có rất nhiều bài của nhà báo Thái Duy viết về vấn đề này cách đây gần 30 năm.



Ông Năm Công - đồng chí Võ Chí Công - nhà cách mạng kiên cường và linh hoạt. Ông đi nhiều, tiếp xúc với nhiều ngành, nhiều giới. Ông là người đi cùng thời đại, cảm hứng của ông là cảm hứng của nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp và công lao của ông gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc, từ cách mạng tháng Tám, hai cuộc kháng chiến lâu dài, từ Liên khu Năm, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Nam Bộ, đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ một đi không trở lại. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (miền Tây Quảng Ngãi) năm 1959 là một ví dụ. Lúc bấy giờ, trong khi nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác còn phân vân, chần chừ, thì đồng chí Võ Chí Công, lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy có những quyết định như "đinh đóng cột”: Đồng chí đi thẳng xuống Trà Bồng. Anh Nguyễn Tấn Lực, nguyên thư ký của đồng chí Võ Chí Công kể lại: Trước khi đi, đồng chí điện cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi: "Đừng vội phê phán anh em, tôi sẽ xuống!”. Đến nơi, sau khi thị sát các xã, đồng chí làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng, nghe báo cáo tình hình và đồng chí phân tích: Địch đông, càn quét dài ngày, rừng núi hiểm trở, đang mùa mưa, làm sao tiếp tế, làm sao lùng sục vào rừng, lại bị thương vong. Còn ta thì rừng núi của ta, đồng bào các dân tộc rất quyết tâm, thông thạo địa hình địa vật, thành thạo sử dụng vũ khí thô sơ. Cái thế là bất lợi cho địch. Chính địch sẽ không chịu nổi, chứ không phải nhân dân ta không chịu nổi. Và đồng chí chỉ đạo: Không sợ, phải duy trì và giữ vững phong trào.

Rõ ràng sau đó, 10.000 quân của sư đoàn 22 ngụy thương vong, mệt mỏi, phải rút lui, chấm dứt càn quét, chịu thất bại hoàn toàn. Phong trào nổi dậy của nhân dân các dân tộc Trà Bồng giữ vững và phát triển.

Tháng 10-1959, tại Hội nghị mở rộng của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Võ Chí Công đã tổng kết và đánh giá: "Cuộc nổi dậy của nhân dân Trà Bồng nổ ra kịp thời, có chuẩn bị, có lãnh đạo, đứng vững được, đi đúng đường lối cách mạng miền Nam, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cho phép chuyển từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền...

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời không phải ngay vào những ngày đầu chống Mỹ - Diệm, song Mặt trận lại giữ vai trò tiêu biểu sáng chói của quá trình chống Mỹ, thừa kế xứng đáng Mặt trận Việt Minh và cuộc kháng chiến chống Pháp với những người lãnh đạo như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN và các Phó Chủ tịch cùng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Phùng Văn Cung, ông Võ Chí Công, ông Y BihAlêô, đại đức Thôm Mê Thê Nhem và ông Trần Nam Trung.
Tháng 4-1962, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam chủ trương đưa cán bộ về các địa phương để nghiên cứu tình hình, tìm cách đối phó với địch. Đồng chí Võ Chí Công đề nghị với Thường vụ Trung ương Cục để đồng chí đi thực tế ở đồng bằng Nam Bộ, cụ thể là ở Khu Tám, nơi địch ồ ạt tiến hành càn quét, gom dân lập ấp chiến lược. Lúc này Nam Bộ đầu mùa mưa. Những rừng tràm, gốc cây lởm chởm ngập trong nước. Máy bay trinh sát địch lượn suốt ngày đêm. Pháo địch bắn vào căn cứ ta liên lục. Gián điệp, biệt kích tăng cường hoạt động. Đường đi lại khó khăn nguy hiểm, nhưng đồng chí Võ Chí Công và đoàn cán bộ Trung ương Cục quyết tâm vượt qua mọi trở ngại đi đến nơi trong thời gian nhanh nhất. Sau khi ghé bến làm việc với Thường vụ Khu ủy Khu Tám, đầu tháng 8-1962, đồng chí đến căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho đóng tại chùa Phật Đà trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp. Sau khi nghe qua Tỉnh ủy báo cáo tình hình địch, đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo: Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, ta cần động viên nhân dân và chiến sĩ ta "đứng lại, không chạy sà đùa”. Càng chạy, địch càng đuổi theo, càng mất dân, mất đất, càng lâm vào thế bí. Đứng lại mà đào hầm, khoét sâu hàm ếch, ngụy trang mà chiến đấu với địch. Sự chỉ đạo kịp thời "đứng lại, không chạy sà đùa”, phá ấp chiến lược chủ yếu là "phá nội dung, phá bên trong” đã giúp cho Mỹ Tho có lối ra, có thể gỡ được khó khăn, lúng túng.


Đồng chí Võ Chí Công về thăm các địa phương
Ảnh: T.L

Có một kỷ niệm vui trong chuyến đi công tác này. Sáng 2-9-1962, đang nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc diễn văn kỷ niệm Quốc khánh tại Hà Nội qua radio, thì máy bay địch quần thấp, bộ binh địch ập tới đánh vào căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho, nơi đồng chí Võ Chí Công đang làm việc. May mà đồng chí thoát được.

Sách Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng ghi rằng: Đặc biệt quyết định táo bạo và sáng suốt của đồng chí Võ Chí Công là kịp thời đề nghị với Bộ Chính trị cho đánh ngay Đà Nẵng sau khi ta chiến thắng ở Buôn Mê Thuột, khi thấy địch có dấu hiệu bỏ Tây Nguyên và ráo riết chỉ đạo tập trung lực lượng tấn công Đà Nẵng với một quyết tâm và khí thế khẩn cấp, góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc mùa Xuân năm 1975.

Nhắc tới đồng chí Võ Chí Công là nhắc tới người đã cất tiếng nói và có hành động để góp phần quan trọng vào sự nghiệp ra đời của Chỉ thị 100 với nội dung cơ bản là khẳng định và cho mở rộng khoán cũng như bảo vệ tinh thần Chỉ thị này trong những ngày sóng gió ban đầu, ta thường gọi nôm na là "người bảo vệ khoán chui”, mà báo Đại Đoàn Kết đã có rất nhiều bài của nhà báo Thái Duy viết về vấn đề này cách đây gần 30 năm.

Cuối cùng, tôi xin nhắc tới một kỷ niệm về nghề làm báo của mình. Trung tuần tháng 11-1975, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, tôi được Ban Biên tập báo Giải Phóng phân công phỏng vấn hai người. Đó là đồng chí Võ Chí Công và Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng. Trong những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo rất nghiêm ngặt. Nhưng biết tôi là phóng viên báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của MTDTGPMNVN, đồng chí Võ Chí Công cho người mời tôi vào tận phòng làm việc của đồng chí rất dễ dàng. Đồng chí nhắc đi, nhắc lại: "Anh em báo Giải Phóng là người nhà của tôi mà!”. Hôm đó, ông rất vui, kể nhiều chuyện trong kháng chiến, chuyện về Bác Hồ, chuyện về đồng bào ruột thịt miền Bắc, chuyện hy sinh của quân và dân ta trong kháng chiến vừa qua và chuyện tương lai của đất nước...

Đối với anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí, đồng chí Võ Chí Công rất chân tình, thương yêu. Mới đây thôi, tháng 6-2003, ông đã 90 tuổi, nghe tin nhà thơ Thu Bồn mất, ông nói: "Ai chớ, Thu Bồn mình phải đi!”.

Đương thời, Thu Bồn coi ông như một nhà lãnh đạo chính trị tài năng, sáng suốt, đặc biệt ở những cái mốc quyết định của lịch sử: thời kỳ Nghị quyết 15, thời kỳ Mỹ vào và đánh Mỹ, thời kỳ giải phóng Đà Nẵng...

Ông đã để lại một hình ảnh của người lãnh đạo Đảng với anh em văn nghệ sĩ Khu 5 thật chí tình, thật cảm động, đầy lòng tin yêu, kính trọng...
Ông là người chứng kiến, động viên, nhà văn Nguyên Ngọc viết Đường chúng ta đi, được nhiều thế hệ nghệ sĩ coi như lời Tổ quốc giục giã lên đường và chiến đấu dũng cảm; cũng như nhiều thế hệ học sinh, sinh viên sau ngày đất nước thống nhất đã đọc say mê, đã thuộc lòng cả bài bút ký dài ấy như thuộc một bài thơ mà họ yêu thích...


Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu đã đến thăm
và trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc"
cho đồng chí Võ Chí Công ngày 19-12-2010
Ảnh: T.L

Ông cũng là nhân vật của nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ Khu 5 thời chống Mỹ. Ông già nước trong trường ca Badan khát chính là ông Võ Chí Công. Trong đề cương trường ca Những người con của sử thi, Thu Bồn dành cho ông một chương. Tiếc là Thu Bồn mất quá sớm, chưa thực hiện được.

Và hôm ấy, ông đến chia tay nhà thơ Thu Bồn, vĩnh biệt Thu Bồn, người ít tuổi hơn ông gần hai con giáp (23 năm).

Ông coi Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong... như những người bạn vong niên, tri kỷ, đồng hương. Với ông, họ là những cố vấn thân cận ngoại lệ, luôn được ông coi là một đội ngũ chiến đấu đặc biệt quý, hiếm! Họ thường trao đổi với ông thân tình, kính trọng và tin tưởng.

Chính những người lãnh đạo văn nghệ này cũng luôn xứng đáng được ông và các đồng chí lãnh đạo khác: Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái, Trần Nam Trung, Bùi San, Nguyễn Xuân Nhĩ, Bảy Hữu... tin tưởng, bình đẳng, kính trọng trong mối quan hệ công tác và đời sống. Do đó, đã đưa nền văn học-nghệ thuật Khu 5 đạt được những kết quả đáng tự hào.

Ông đến viếng Thu Bồn phải có người dìu. Ông bước từng bước như có sóng lớn, như có dốc cao dưới chân, nhưng ông vẫn sáng suốt, tinh anh, khỏe mạnh như thời trai trẻ.
Thế mà hôm nay ông đã về cõi vĩnh hằng!
Trần Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét