Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Vụ án Nông trường Sông Hậu: Không cần thiết phải xử lý bằng hình sự! (10/09/2011)

Vụ án Nông trường Sông Hậu: Không cần thiết phải xử lý bằng hình sự! (10/09/2011)
Qua nhiều lần xét xử, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, sau thời gian điều tra lại, mới đây, cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục tố tụng xét xử lại vụ án. Kiên trì với những kiến nghị của mình, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam tiếp tục kiến nghị đình chỉ điều tra tội danh "Lập quỹ trái phép” đối với các bị can. Trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng "Với vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chúng tôi không thể lặng im khi sự việc bị đẩy đi quá xa, đặc biệt điều đó lại xảy ra với người nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam”.

Trường THPT Trần Ngọc Hoằng do Nông trường Sông Hậu
thành lập để dạy chữ cho
con em của nông trường viên và nhân dân
Ảnh: LÊ QUỐC KHÁNH

Lỗi hay tội?

PV: Còn nhớ, sau phiên sơ thẩm, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam đã có văn bản 4309/MTTW-BTT (ngày 15-9-2009) do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim ký gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, về việc "kiến nghị xem xét bản án”. Thời đó, dư luận rất đồng tình nhưng cho rằng MTTQ vẫn còn dè dặt, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: Vụ án đã làm rung động dư luận với những thông tin đa chiều. Nhiều năm qua, Nông trường Sông Hậu là một trong những đơn vị tiêu biểu của các nông trường quốc doanh trong cả nước, 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cá nhân bà Trần Ngọc Sương có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nông trường cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được quốc tế tôn vinh là "Người phụ nữ ấn tượng Châu Á- Thái Bình Dương” ... Tuy nhiên, tôi cho rằng không có gì là bất biến, bởi thế, chẳng ai dám chắc cứ là anh hùng thì không có lỗi. Bên cạnh đó, tôi cũng như nhiều người đều tin tưởng vào các cơ quan thực thi pháp luật. Dẫu vậy, vụ án mới qua tòa sơ thẩm nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Khi đó, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam đã có văn bản 4309/MTTW-BTT mong muốn công tác điều tra, truy tố, xét xử cần hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, tránh làm oan người vô tội; quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận, xét đến nhân thân cũng như những đóng góp của cá nhân bà Trần Ngọc Sương đối với sự phát triển của đất nước, của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Tôi cho rằng, ở giai đoạn đó, MTTQ kiến nghị như thế là hợp lý.

Thưa ông, đúng là không phải cứ anh hùng thì không mắc lỗi, nhưng trong vụ án này, rất nhiều người đặt câu hỏi: cùng con người đó, cùng khoảng thời gian đó, tại sao lại vừa tôn vinh anh hùng, lại vừa bị buộc tội?

- Bà Trần Ngọc Sương, trước hết là một công dân, sau đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam 10 năm liền (khóa V và khóa VI) nên vụ án Nông trường Sông Hậu là nỗi niềm day dứt của các vị trong Đoàn Chủ tịch, của những người làm công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở (nên nhớ, số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam là người tiêu biểu không nhiều, được tiến cử và lựa chọn rất kỹ trong cả nước và được cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đồng ý thì mới được UBTƯMTTQ Việt Nam hiệp thương vào Đoàn Chủ tịch). Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp luật có trình độ và kinh nghiệm, thảo luận tập thể, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng việc quy buộc bà Trần Ngọc Sương "Lập quỹ trái phép” là chưa có cơ sở pháp lý và thực tiễn. Mới đây, ngày 12-8- 2011, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam có công văn số 1594 gửi Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao kiến nghị xem xét lại tội danh "Lập quỹ trái phép” đối với bà Trần Ngọc Sương.

Vậy theo ông, bà Trần Ngọc Sương có lỗi hay có tội?
- Với những tài liệu chúng tôi có được về vụ án này, tôi cho rằng, vụ việc chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự. Điều 166 Bộ luật Hình sự không nêu ra những yếu tố cấu thành tội danh "Lập quỹ trái phép”. Điều đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau, nhận thức khác nhau về những yếu tố cấu thành tội danh này. Khi chúng tôi thảo luận về vụ án Nông trường Sông Hậu, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, ít nhất phải có hai yếu tố cơ bản để có thể bị cáo buộc vào tội "Lập quỹ trái phép”. Một là, có hành vi thành lập quỹ (trái phép) như ký quyết định thành lập quỹ hoặc ra lệnh thành lập quỹ. Hai là, tài sản, các nguồn tài chính đưa vào quỹ này không thuộc sở hữu tư nhân mà thuộc sở hữu nhà nước, bắt nguồn từ ngân sách nhà nước (tài sản công). Đây cũng là cách hiểu thông thường hiện nay về lập quỹ trái phép. Tuy nhiên, trong vụ án này, liên quan đến bà Trần Ngọc Sương nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng không có cả hai yếu tố nói trên. Quỹ được thành lập tại Nông trường Sông Hậu do Ban Đời sống Công đoàn Nông trường Sông Hậu quản lý và do ông Trần Ngọc Hoằng thành lập (theo hồ sơ vụ án là năm 1994, nhưng thực tế từ những năm trước 1994, cùng với việc hình thành Nông trường). Nguồn tài chính, tài sản của Quỹ chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các đoàn viên Công đoàn và một phần dựa vào nguồn tín dụng của Ngân hàng thương mại, không có khoản nào từ ngân sách Nhà nước chuyển vào Quỹ. Như vậy, bà Trần Ngọc Sương rõ ràng không có hành vi đứng ra thành lập Quỹ trên tại Nông trường Sông Hậu và cũng không có trách nhiệm điều hành, quản lý Quỹ này. Do đó không có cơ sở (pháp lý và thực tiễn) để cáo buộc bà Trần Ngọc Sương phạm tội "Lập quỹ trái phép” theo Điều 166 Bộ luật Hình sự. Pháp luật vào những năm bắt đầu thời kỳ đổi mới cũng không có những quy định cấm việc thành lập các loại quỹ tương tự. Trong điều kiện đối với một hành vi mà pháp luật không cấm và không có quy định thì không được coi hành vi đó là trái phép. Bà Sương tất nhiên chịu trách nhiệm về các khoản chi mà Quỹ giao để bà thực hiện các công việc, nhiệm vụ mà Nông trường giao cho bà. Tuy nhiên, các sai phạm và các khoản chi này không mang tính hình sự, không thể coi là gây thiệt hại phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ mang tính hành chính, dân sự.


Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha
Ảnh: HOÀNG LONG

Thanh tra, giám sát ở đâu?

Như ông đã nói, vụ án không đến mức phải xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, dư luận có ý kiến cho rằng "Người ta nhất quyết bỏ tù bà Ba Sương” khi mới đây, VKSND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ tiếp tục tống đạt cáo trạng truy tố bà. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về mặt pháp lý, cơ quan tố tụng xét xử phải tuân thủ luật pháp chứ không thể xử theo áp lực dư luận. Tuy nhiên, một khi bản án hay quyết định của tòa gây hiệu ứng xã hội trái ngược, thì dư luận cũng chính là kênh để cơ quan tiến hành tố tụng kiểm nghiệm lại việc áp dụng pháp luật đã đúng hay chưa. Nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước, nhiều đồng chí lão thành cách mạng, trong đó có những vị đã hoặc đang giữ những trọng trách trong Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao mô hình Nông trường Sông Hậu, coi đó là một tấm gương cho các nông trường quốc doanh học tập, đồng thời cũng đánh giá rất cao sự cống hiến của cụ Trần Ngọc Hoằng, Giám đốc đầu tiên của Nông trường và con gái là bà Trần Ngọc Sương trong việc xây dựng, củng cố, phát triển Nông trường trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn. Ở vụ án này, tôi thực sự xót xa khi có người dân chất vấn "Có đáng phải xử lý như vậy không”? Năm 2010, tôi được mời dự một phiên họp mở rộng của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII bàn về vụ án này. Rất nhiều ý kiến tại phiên họp đều cho rằng không đủ yếu tố để buộc tội bà Trần Ngọc Sương vào tội "Lập quỹ trái phép” theo điều 166 Bộ luật Hình sự.

Thưa ông, qua nhiều lần xét xử, bà Trần Ngọc Sương đều kêu oan, còn dư luận đặt câu hỏi: Nếu Nông trường Sông Hậu sai phạm nhiều đến thế, vai trò của thanh tra, giám sát ở đâu?

- Bản thân tôi cho rằng nếu đã sai phạm thì khó lòng che giấu. Kiểu gì thì thanh tra, giám sát một cách chặt chẽ cũng sẽ phát hiện ra. Vấn đề ở đây là các sự việc đề cập trong vụ án diễn ra trong một thời gian dài, ít nhất từ năm 1994-2007, với nhiều thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế - kinh doanh, quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Điều đó đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử để xem xét, xử lý vấn đề; đồng thời vận dụng đúng đắn pháp luật, các quy định của pháp luật trong từng giai đoạn đổi mới nền kinh tế và cơ chế tài chính ở nước ta. Cần làm rõ, xác định đúng trách nhiệm của bà Sương đối với quỹ tại Nông trường. Một vụ án phải hướng tới 2 mục đích: xử lý bản thân người vi phạm và có tác dụng giáo dục, răn đe để làm bài học cho xã hội. Nếu thiếu một trong 2 yếu tố này, thiết nghĩ chúng ta cần phải xem xét lại.

Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Hằng (thực hiện)


Theo nguồn tin riêng của báo Đại Đoàn Kết, tiếp theo công văn số 1594 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao kiến nghị xem xét lại tội danh "Lập quỹ trái phép” đối với bà Trần Ngọc Sương, ngày 5-9-2011, Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam đã có công văn số 81 gửi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày quan điểm về vụ án Nông trường Sông Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét